Hy vọng, hoài nghi xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới

Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, các cường quốc khu vực cũng đang vật lộn với điểm nóng khác - Bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Getty

Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Getty

Một số manh mối đã được đưa ra liên quan con đường hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, trong đó có việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí phối hợp với lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc để giải quyết vấn đề này và khẳng định cần duy trì lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, tình hình mập mờ ở Trung Đông và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có thể là động cơ để tiếp sinh lực cho đàm phán giải trừ hạt nhân hiện đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Giáo sư Kazuhiro Maeshima tại Đại học Sophia, chuyên nghiên cứu về chính quyền Mỹ và chính sách đối ngoại chia sẻ: "Từ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể ông ấy muốn hòa hợp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào đúng thời điểm ông ấy đối mặt với nguy cơ đối đầu Mỹ-Iran gia tăng. Tôi nghĩ có khả năng mọi thứ sẽ bắt đầu chuyển động... Và hoạt động ngoại giao trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 có thể trở thành bàn đạp".

Theo một số chuyên gia Triều Tiên, việc lãnh đạo Mỹ-Triều nhất trí gặp nhau lần thứ ba không đảm bảo tạo ra bước ngoặt.

Giáo sư Satoru Miyamoto thuộc Trường Đại học Seigakuin chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và quân sự của Triều Tiên, nhận định: "Họ có thể ngồi lại với nhau và đưa ra một số thỏa hiệp nhỏ, song có thể chỉ có vậy". Theo ông Miyamoto, việc đàm phán thiếu tiến triển không chỉ vì hai bên không đủ khả năng thu hẹp bất đồng liên quan phi hạt nhân hóa và trừng phạt, mà còn vì lý do cơ bản hơn.

Giáo sư Miyamoto nhấn mạnh: "Các nước phát triển vũ khí hạt nhân để giành được năng lực răn đe - đó là đánh bại ý chí của kẻ thù bằng cách khiến họ nghĩ về cái giá phải trả nếu hành động như vậy. Do đó, đối với Triều Tiên, để khiến nước này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình thì cần phải để họ tin rằng Mỹ sẽ không bao giờ tấn công Triều Tiên".

Theo ông Miyamoto, chỉ riêng các cam kết an ninh không thể trấn an Triều Tiên, bởi Mỹ vẫn duy trì quân đồn trú ở Hàn Quốc và có thể điều máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ Guam tới Bán đảo Triều Tiên./.

Lan Hạ

Theo Kyodo

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/hy-vong-hoai-nghi-xung-quanh-cuoc-gap-thuong-dinh-mytrieu-sap-toi-247272.html