Hy vọng hàn gắn trở nên mong manh

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lâu nay vẫn được đánh dấu bằng căng thẳng và cạnh tranh chiến lược, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ và ảnh hưởng địa chính trị. Sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ ở Mỹ là sự kiện mới khiến cho quan hệ vốn 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt' giữa hai quốc gia có nguy cơ bị đẩy xuống một cấp độ mới.

Chưa kịp hâm nóng đã nguội

Truyền thông Mỹ ngày 4.2 đưa tin máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc đi qua không phận Mỹ ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương, vào chiều cùng ngày (giờ địa phương). Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố bày tỏ “hết sức bất bình và phản đối việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự”. Tuyên bố nhấn mạnh động thái này của Mỹ là “hành động quá mức và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”. Trước đó, hôm 3.2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sự xuất hiện ngoài ý muốn của một khinh khí cầu dân sự của nước này trong không phận Mỹ là do bất khả kháng, khẳng định đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng, và do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế, nó đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.

Khinh khí cầu của Trung Quốc mà Mỹ nghi do thám trôi dạt vào biển sau khi bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, Nam Carolina, Mỹ ngày 4.2.2023. Ảnh: Reuters/Randall Hill

Khinh khí cầu của Trung Quốc mà Mỹ nghi do thám trôi dạt vào biển sau khi bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, Nam Carolina, Mỹ ngày 4.2.2023. Ảnh: Reuters/Randall Hill

Trong khi đó, Mỹ lại cáo buộc đây là “khinh khí cầu do thám”, được sử dụng để do thám “các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ”.

Theo tờ Bloomberg, sự cố trên đã làm lu mờ những tín hiệu lạc quan cải thiện quan hệ Mỹ - Trung, nhất là khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên kế hoạch thăm Trung Quốc, chuyến đi đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sau gần 5 năm, dự kiến vào ngày 5-6.2, và được kỳ vọng giúp cài đặt lại phần nào quan hệ giữa hai cường quốc sau nhiều năm leo thang căng thẳng về mọi mặt, từ thương mại đến an ninh và công nghệ. Ngay sau vụ khinh khí cầu nổ ra, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã lập tức hoãn chuyến thăm Bắc Kinh này.

Mối quan hệ giữa đất nước cờ hoa và đất nước gấu trúc đã trở nên căng thẳng trong vài năm qua và chìm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm đảo Đài Loan, khiến Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo này.

Việc sử dụng khinh khí cầu do thám trên thế giới

Khinh khí cầu do thám, còn được gọi là khinh khí cầu tầm cao hoặc khinh khí cầu tầng bình lưu, là loại khí cầu lớn được phóng vào tầng bình lưu, tầng khí quyển bắt đầu ở độ cao khoảng 10 km so với bề mặt trái đất. Những quả khinh khí cầu này được trang bị nhiều cảm biến và camera khác nhau được sử dụng cho nhiều mục đích giám sát khác nhau, bao gồm thu thập thông tin tình báo, giám sát chuyển động của người và phương tiện cũng như theo dõi các điều kiện môi trường.

Tuy nhiên, bất chấp tính hữu ích của chúng, việc sử dụng khinh khí cầu do thám cũng làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và quyền tự do dân sự. Các nhà phê bình cho rằng việc sử dụng những quả khinh khí cầu này cho mục đích giám sát xâm phạm quyền riêng tư của các cá nhân và đặt ra câu hỏi về mức độ mà các chính phủ có thể giám sát công dân của họ.

Theo CSIS, trong thế kỷ 19, khinh khí cầu là một công cụ quan trọng để thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tính hữu dụng của chúng đã giảm mạnh. Dần dần, các quả khinh khí cầu được thay thế. Đầu tiên là máy bay trinh sát tầm cao U-2 và sau đó là vệ tinh trinh sát Corona, thế hệ vệ tinh do thám đầu tiên mà nhiều quốc gia sử dụng ngày nay.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/hy-vong-han-gan-tro-nen-mong-manh-i315562/