Hy vọng gì từ việc Mỹ - Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại?

Rạng sáng 16-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Ngày lịch sử của mối quan hệ Mỹ - Trung

Mở đầu lễ ký kết, Tổng thống Trump đã dành những lời hết sức ngoại giao để nói về mối quan hệ của ông với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông khẳng định sẽ đến thăm Trung Quốc "trong tương lai không xa".

Tổng thống Trump sau đó dành hơn 30 phút đầu tiên chỉ để... cảm ơn. Ông cảm ơn tất cả, từ những người trực tiếp tham gia đàm phán đến các quan chức và doanh nghiệp hỗ trợ chính quyền ông đạt được thỏa thuận quan trọng với Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donal Trump và văn kiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau lễ ký kết.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donal Trump và văn kiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau lễ ký kết.

Theo văn kiện được ký kết, Trung Quốc sẽ mua từ Mỹ ít nhất 32 tỉ USD hàng nông sản trong vòng 2 năm; hơn 52 tỉ USD các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và nhiên liệu hóa dầu từ Mỹ; gần 40 tỉ USD các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và khoảng 77,7 tỉ USD các hàng hóa công nghiệp Mỹ.

Trung Quốc cam kết sẽ mua tổng cộng hơn 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Đổi lại, Washington cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp.

Mức thuế 25% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó mức thuế 15% được áp ngày 1-9-2019 lên 120 tỉ USD hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.

Về lý do vì sao đã đạt được thỏa thuận "đình chiến" với Trung Quốc nhưng vẫn không dỡ bỏ thuế quan, ông Trump cho rằng nếu làm thế thì Washington "chẳng còn bài nào để đàm phán với Bắc Kinh". Tổng thống Trump khẳng định sẽ dỡ bỏ thuế quan chỉ khi đạt được thỏa thuận giai đoạn 2 với Trung Quốc.

Ông Trump dường như xem đây là thỏa thuận cuối cùng, có thể giải quyết tất cả vấn đề giữa hai nước khi tuyên bố "không muốn thấy có thỏa thuận giai đoạn 3 với Trung Quốc". Tổng thống Trump khẳng định cuộc thảo luận liên quan đến giai đoạn 2 sẽ được bắt đầu ngay sau khi ký kết giai đoạn 1.

Sau phần phát biểu của chủ nhà, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đọc lá thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến người đồng cấp Mỹ. Trong đó ông Tập cho rằng chỉ có tôn trọng lẫn nhau và các nỗ lực từ hai phía, quan hệ Mỹ - Trung mới được duy trì "lành mạnh".

"Với tinh thần đó, tôi hi vọng Mỹ sẽ đối xử một cách công bằng với các công ty Trung Quốc và các hoạt động giám sát, đầu tư của họ bởi vì điều này sẽ giúp củng cố niềm tin lẫn nhau giữa hai nước", Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi trong thư.

Ông Lưu Hạc cho rằng thỏa thuận lần này có lợi cho cả hai nước và toàn thế giới, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ nghiêm túc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận và xem đây là nhiệm vụ "cấp bách hàng đầu". Nhưng ông Lưu Hạc cho rằng việc các công ty Trung Quốc mua bao nhiêu hàng Mỹ là tùy thuộc vào nhu cầu thị trường trong nước.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, một số vấn đề liên quan tới công nghệ và an ninh mạng sẽ được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn 2. "Vẫn còn nhiều vấn đề cần hai nước tìm hướng xử lý", ông Mnuchin thông tin thêm. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhấn mạnh Trung Quốc chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi việc bị áp thuế là hoàn tất thỏa thuận giai đoạn 2 với Mỹ.

Giới đầu tư vẫn thận trọng

Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 là một bước tiến nhằm giảm xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài gần 2 năm và được đánh giá là sẽ giúp lấy lạ đà tăng trưởng cho kinh tế thế giới. Vì vậy, ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận dấu mốc lịch sử chưa từng có.

Trong phiên đêm 15-1 (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 90,55 điểm và lần đầu tiên trong lịch sử lên trên ngưỡng 29.000 điểm. Tính trong vòng 1 năm qua, chỉ số này đã tăng thêm 5.000 điểm, tương đương mức tăng trên 20%.

Tuy nhiên, lo ngại trên thị trường vẫn còn khá nhiều. Giới đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi thỏa thuận sẽ được thực thi như thế nào bởi trong quá khứ Trung Quốc đã từng không làm theo những cam kết thương mại với các nước khác.

Bên cạnh đó, dòng tiền trên vẫn khá thận trọng và đang tìm tới vàng khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bất chấp lạm phát có dấu hiệu đi lên.

Theo phân tích của ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành một công ty đầu tư ở bang Indiana (Mỹ), thị trường có thể sẽ chững lại trong những ngày tới. "Tôi chắc chắn người ta sẽ mổ xẻ thỏa thuận vừa được ký, chỉ ra những chỗ chưa được và còn thiếu của nó. Nhưng nếu nó không được ký, thị trường chắc chắn sẽ phản ứng tiêu cực".

Còn công ty dự báo thị trường Oxford Economics tỏ ra kém lạc quan và mô tả thỏa thuận giai đoạn 1 như một "hiệp định đình chiến". Công ty này thừa nhận mặc dù việc ký kết thỏa thuận là một việc làm đúng đắn, việc dỡ bỏ hoặc giảm thuế quan sẽ không diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và "một khi những lời hứa bị phá vỡ, thuế quan sẽ quay trở lại trong vài tháng nữa".

Quý Đức

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hy-vong-gi-tu-viec-my-trung-quoc-ky-thoa-thuan-thuong-mai-578746/