Hy vọng EVFTA có thể có hiệu lực trước ngày 1/8/2020

Đây là những chia sẻ của Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh vào chiều 8/6.

Vào lúc 16h45, ngày 8 /6/2020 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã có cuộc điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên, ngay sau khi EVFTA được các đại biểu Quốc hội bấm nút phê chuẩn với 100% số phiếu tán thành sáng 8/6.

Ngay mở đầu cuộc hội đàm, Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan đã cảm ơn và chúc mừng Chính phủ Việt Nam khi đã được Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Hiệp định EVFTA với 100% tỷ lệ phiếu tán thành và cá nhân ông mong muốn sớm được trở lại Việt Nam trong một thời gian sớm nhất. Và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả 2 bên, Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan hy vọng Hiệp định EVFTA có thể có hiệu lực trước thời điểm ngày 1/8/2020.

Ông Phil Hogan nói: "Tôi xin cảm ơn sự chia sẻ từ phía ngài Bộ trưởng Bộ Công Thương và cũng xin chia sẻ về quy trình nội bộ thực hiện từ phía EU. Tôi rất vui mừng vì phía các ông đã đưa ra Dự thảo về Kế hoạch hành động và trong đó có rất nhiều điểm chúng tôi quan tâm ví dụ như chương thương mại và phát triển bền vững cũng như là việc thành lập nhóm DAG – là nhóm tư vấn trong nước cũng như là những cải cách về lao động, và chúng tôi thấy đã và đang có rất nhiều tiến độ tích cực...".

Cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy EU Phil Hogan tập trung vào một số nội dung cụ thể, như: Hai bên thống nhất về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA; Về công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng như về việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) trong Hiệp định EVFTA.

EVFTA và EVIPA mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả Việt Nam và EU.

EVFTA và EVIPA mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả Việt Nam và EU.

1. Cụ thể, về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA:

- Theo thủ tục nội bộ của EU: Hiệp định EVFTA cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng châu Âu ký duyệt để có hiệu lực.

Vào ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỷ lệ 63,35% số phiếu tán thành (401 phiếu tán thành, 192 phiếu phản đối và 40 phiếu trắng). Ngày 30 tháng 3 năm 2020, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA và đã gửi công hàm thông báo với Việt Nam vào ngày 24/4/2020 về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình.

- Tình hình phê chuẩn của Việt Nam: Hiệp định EVFTA được Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn vào phiên họp sáng ngày 8/6/2020 với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt.

- Thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA

Theo quy định tại Điều 17.16 của Hiệp định EVFTA, Hiệp định sẽ có hiệu lực (i) vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà hai Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực, hoặc (ii) vào một ngày khác do hai bên thỏa thuận.

Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA (thường mất 01 tuần theo quy trình thông thường), Bộ Ngoại giao sẽ tiến hành thông báo với EU về việc ta đã hoàn tất thủ tục pháp lý trong nước.

Do EU đã gửi công hàm thông báo với Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, nên trong thông báo của Việt Nam gửi EU cũng sẽ bao gồm cả việc ấn định thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với cả hai Bên (nếu theo phương án (i) thì sẽ là ngày 1/8/2020).

Trong trường hợp muốn thúc đẩy thời gian hiệu lực của Hiệp định EVFTA sớm hơn thời điểm 1/8/2020, ta cần trao đổi và thống nhất với phía EU. Tuy nhiên, phương án này còn phụ thuộc vào kết quả tham vấn nội bộ của EU (Ủy ban châu Âu cần xin ý kiến của tất cả các nước thành viên EU). Nếu việc tham vấn nội bộ của EU kéo dài hơn 3 tuần thì Bộ Ngoại giao sẽ khó hoàn thành việc gửi công hàm thông báo cho EU về việc hoàn tất thủ tục nội bộ trước ngày 1/7/2020.

2. Về công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA:

- Dự án ARISE+

Dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN – Hỗ trợ Liên quan đến Thương mại dành cho Việt Nam (ARISE+ Việt Nam) là một chương trình kéo dài 5 năm (dự kiến từ năm 2019 đến năm 2023) do EU tài trợ với tổng ngân sách là 6 triệu Euro với mục tiêu góp phần hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua các hoạt động hỗ trợ cho khu vực công và tư.

Dự án sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tận dụng được những lợi ích từ các cam kết thương mại khu vực và song phương với trọng tâm là công tác triển khai thực thi Hiệp định EVFTA. Đây là hợp phần quốc gia dành cho Việt Nam trong chương trình ARISE+ hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực.

Từ năm 2018 đến nay, Vụ Đa biên đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện thủ tục phê duyệt, thẩm định dự án theo quy định. Cụ thể như sau:

- Ngày 22/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1053/QĐ-TTg phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án ARISE+ Việt Nam.

- Ngày 29/11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 4431/QĐ-BCT phê duyệt Văn kiện “Dự án hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN của Liên minh châu Âu”.

- Ngày 4/6/2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4814/VPCP-QHQT phê duyệt nội dung Hiệp định tài chính Dự án ARISE+ Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phái đoàn EU thực hiện việc lựa chọn bên thứ ba để thực hiện dự án. Cho đến nay, toàn bộ quy trình chấm thầu và phê duyệt đã được thực hiện đúng theo quy định của EU. Tháng 3/2020, Phái đoàn EU đã ký hợp đồng thực hiện dự án ARISE+ với Công ty Human Dynamic (liên danh với Eurocharm).

Sau khi hợp đồng được ký kết, các chuyên gia dự kiến vào Việt Nam từ đầu tháng 4 để khởi động Dự án. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phải hoãn thời gian vào Việt Nam cho đến khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với Phái đoàn EU và trao đổi qua hình thức trực tuyến với các chuyên gia để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Trong thời gian tới, các chuyên gia sẽ làm việc với các Bộ, ngành để xây dựng kế hoạch hoạt động tổng thể cũng như kế hoạch hoạt động chi tiết hàng năm, đảm bảo Dự án được thực hiện một cách hiệu quả, hỗ trợ tối đa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như việc thực thi Hiệp định EVFTA.

- Về việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) trong Hiệp định EVFTA

+ Về phía Việt Nam, theo Kế hoạch trong Bộ hồ sơ đã trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, trong vòng 03 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, Việt Nam sẽ hoàn thành các thủ tục để thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) của Việt Nam để thực thi Điều 13.15 của Hiệp định EVFTA.

+ Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, bao gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Công an, Nội vụ và Văn phòng Chính phủ xây dựng Đề án thành lập DAG Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hy-vong-evfta-co-the-co-hieu-luc-truoc-ngay-182020-1057373.vov