Hy vọng đối thoại Mỹ - Triều trong năm 2018

Hàn Quốc dự đoán, Triều Tiên sẽ xem xét đối thoại với Mỹ trong năm tới, mở ra viễn cảnh lạc quan cho năm 2018, ngay cả khi Seoul thành lập một đội quân đặc biệt để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc theo hàng rào kẽm gai ở gần khu quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Ảnh: Reuters

HĐBA LHQ hôm 22-12 nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gần đây, động thái mà Bình Nhưỡng cho là đã tạo ra một cuộc phong tỏa kinh tế và là “hành động chiến tranh”.

“Triều Tiên có thể tiếp tục tăng cường các năng lực tên lửa và hạt nhân đồng thời sẽ tìm kiếm một lối thoát. Trong khi tìm kiếm sự công nhận về quy chế là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế, Triều Tiên sẽ thăm dò khả năng đàm phán với Mỹ”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết trong một báo cáo, nhưng không đưa ra bất kỳ lý do nào dẫn đến kết luận này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ triển khai biệt đội về Triều Tiên để đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa gia tăng từ Bình Nhưỡng. Theo kế hoạch được thông qua tại cuộc họp Nội các, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ thành lập một đơn vị giám sát chính sách về Triều Tiên, trực thuộc Văn phòng chính sách quốc phòng do một Thứ trưởng bộ này đứng đầu. Nhóm này sẽ hoạt động với vai trò như “tháp kiểm soát” trong việc giải quyết các vấn đề Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng sẽ thành lập một đơn vị chuyên ứng phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm ứng phó hạt nhân và Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - cơ quan phụ trách các chiến dịch quân sự. Theo bộ trên, đơn vị chống WMD sẽ được tổ chức lại thành Đơn vị phụ trách chính sách không gian và tên lửa, trong khi Đơn vị phụ trách chính sách về Triều Tiên và Đơn vị kiểm soát vũ khí sẽ được giữ nguyên.

Căng thẳng gia tăng do các chương trình hạt nhân và tên lửa mà bình Nhưỡng theo đuổi trong nhiều năm qua bất chấp các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ. Các nhà ngoại giao Mỹ cho biết họ đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhưng Tổng thống Donald Trump lại cho rằng, các cuộc đàm phán là vô ích và rằng Bình Nhưỡng phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi các cuộc đàm phán có thể bắt đầu. Trong một thông cáo của hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng cho rằng Washington đang bị đe dọa bởi lực lượng hạt nhân của nước này và ngày càng “điên cuồng hơn trong các động thái nhằm áp đặt các chế tài và áp lực lên đất nước chúng ta”.

Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, và Nga đã ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ, nhằm hạn chế Bình Nhưỡng tiếp cận các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và dầu thô và thu nhập từ lao động nước ngoài. Hôm 26-12, Bắc Kinh công bố dữ liệu về hải quan cho thấy Trung Quốc đã không xuất khẩu sản phẩm dầu nào sang Triều Tiên trong tháng 11, chấp hành nghiêm các lệnh trừng phạt của LHQ. Trung Quốc, nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho Triều Tiên cũng không xuất khẩu xăng dầu, nhiên liệu máy bay, dầu diesel hoặc dầu nhiên liệu cho nước láng giềng trong tháng 11. Trung Quốc cũng không nhập khẩu quặng sắt, than hoặc chì từ Triều Tiên vào tháng 11.

Lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Triều Tiên được đưa ra sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 29-11 mà Triều Tiên cho là có thể đặt lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm. Báo Joongang Ilbo Daily hôm 26-12 dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho rằng, Triều Tiên đang chuẩn bị phóng vệ tinh vào không gian. Theo các chuyên gia, các vụ phóng tên lửa như vậy có thể nhằm mục đích phát triển hơn nữa công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, và điều này bị cấm theo các nghị quyết của LHQ. Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đáp trả rằng, “phát triển lĩnh vực không gian một cách hòa bình là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền”.

AN BÌNH

----------------------------------------------------------------------------------------------

Triều Tiên yêu cầu Mỹ đưa bằng chứng cáo buộc tấn công mạng

Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Pak Song Il ngày 26-12 cho biết, việc Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công bằng mã độc WannaCry hồi tháng 5 là hành động khiêu khích vô căn cứ và yêu cầu Washington cung cấp bằng chứng chứng minh những cáo buộc này.

Đại sứ Pak Song Il cho rằng, Washington đang lợi dụng cáo buộc này nhằm tạo ra “bầu không khí đối đầu kịch liệt”. “Nếu Mỹ chắc chắn như vậy, hãy cho chúng tôi thấy bằng chứng”, ông Pak nêu rõ. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 21-12 khẳng định nước này không liên quan đến các vụ tấn công mạng. Đây là phản ứng đầu tiên của Triều Tiên sau khi Mỹ ngày 19-12 công khai cáo buộc chính quyền Bình Nhưỡng đứng sau một vụ tấn công mạng bằng mã độc WannaCry trên toàn thế giới.

B.N

----------------------------------------------------------------------------------------------

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/87_177623_.aspx