Hy vọng của nước Mỹ

Mặc dù các số liệu thống kê mới nhất cho thấy đại dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế Mỹ, nhưng giới chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ hy vọng và lạc quan về triển vọng của nền kinh tế số một thế giới trong năm 2021.

Bức tranh tươi sáng của kinh tế Mỹ năm 2019 đã nhanh chóng chuyển sang gam mầu xám xịt, sau khi đại dịch Covid-19 tràn vào nước này. Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ cho biết, nền kinh tế Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái từ tháng 2 vừa qua, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử. Trong khi đó, số liệu của chính phủ cho thấy kinh tế Mỹ trong quý I-2020 giảm 4,8% và đại dịch có thể sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại 7.900 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, bất chấp nền kinh tế số một thế giới đang "lâm nguy", giới chuyên gia của nước này vẫn kỳ vọng kinh tế phục hồi vững chắc vào năm 2021. Khảo sát của hãng tin Bloomberg vừa công bố cho thấy, các chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại từ năm 2021. Theo đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ giảm 5,7% trong năm 2020, sau đó sẽ tăng 4% trong năm 2021 và tăng 2,8% trong năm 2022. Cùng với tăng trưởng hồi phục, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm dần trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp trong quý IV-2020 sẽ là 9,5% và đến cuối năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp có thể chỉ còn 7%.

Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đưa ra các nhận định khả quan về triển vọng kinh tế Mỹ. 17 thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang, cơ quan hoạch định lãi suất của FED, dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm 6,5% trong năm 2020, sau đó khôi phục mức tăng trưởng 5% trong năm 2021 và 3,5% trong năm 2022. FED cũng lạc quan về triển vọng tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ thời gian tới. Theo đó, FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở mức 9,3% trong năm 2020 và sẽ giảm xuống ở mức 6,5% năm 2021 và 5,5% trong năm 2022. Dự báo của FED đã thắp lên hy vọng về kinh tế hồi phục nhanh hơn sau thời kỳ suy thoái do dịch Covid-19 gây ra, với việc Mỹ có thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5. Người đứng đầu FED G.Pô-oen nhấn mạnh, báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 là một sự ngạc nhiên đáng khích lệ.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng, mặc dù "mây đen" vẫn che phủ kinh tế Mỹ, nhưng trên bức tranh kinh tế đã thấy le lói những "điểm sáng hy vọng" cho thấy kinh tế Mỹ có thể phục hồi nhanh theo "hình chữ V" sau đại dịch. Giá cổ phiếu Mỹ tuần trước đã bật dậy tăng mạnh sau khi các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tạo thêm nhiều việc làm trong tháng 5. Tín hiệu tích cực từ thị trường Phố Uôn khiến giới đầu tư tin tưởng "sức khỏe kinh tế" Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn dự đoán sau "cơn bạo bệnh Covid-19". Theo các chuyên gia kinh tế, khi có thêm các bang ở Mỹ nới lỏng phong tỏa vào các tuần tới, số lượng việc làm mới sẽ tăng mạnh hơn trong tháng 6 và những tháng cuối năm.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng, lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Mỹ nhanh chóng ổn định trở lại, dù vẫn ở mức thấp là các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất. Một bản tin của FXStreet nhận định, các hoạt động kinh tế ở Mỹ sẽ nhộn nhịp trở lại giống như việc tái thiết sau một cơn bão lớn. Khi mọi người kết thúc "ngủ đông" vì Covid-19 và quay trở lại với "trạng thái bình thường", thì các hoạt động mua sắm, tiêu dùng từng bị đình hoãn sẽ được nối lại mạnh mẽ.

Niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ còn có cơ sở từ các biện pháp kích cầu của FED. Nhằm giảm tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ, định chế tài chính này đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức 0%, đồng thời tung ra hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Nhờ đó, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang "oằn mình" chống dịch, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có những phiên "xanh sàn" đầu tháng 6 vừa qua. FED công bố cơ quan này sẽ tiếp tục mở rộng chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, được kỳ vọng là một "liều thuốc tăng lực" hữu ích cho kinh tế Mỹ.

Trong bối cảnh "mây đen và bão tố" khủng hoảng như hiện nay, việc FED sẵn sàng mạnh tay chống lại suy thoái kinh tế đồng thời với tâm lý lạc quan của giới chuyên gia về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ có ý nghĩa quan trọng nâng đỡ niềm tin của thị trường cũng như giới đầu tư. Các nhà phân tích kỳ vọng, khi nền kinh tế số một thế giới thấy "ánh sáng cuối đường hầm", kinh tế toàn cầu cũng có triển vọng sớm thoát ra khỏi "vũng lầy suy thoái" nghiêm trọng hiện nay.

Hà Việt

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44869702-hy-vong-cua-nuoc-my.html