Hy vọng của 'Mùa xuân Arập' đã tiêu tan?

Các cuộc nổi dậy mang tên 'Mùa xuân Arập' từng làm rung chuyển Bắc Phi và Trung Đông năm 2011 cuối cùng chỉ mang đến sự đàn áp và nội chiến.

Đầu năm 2011, tại các quốc gia Arập đã nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình và nổi dậy, khiến người ta liên tưởng đến "Mùa xuân của các dân tộc" ở châu Âu năm 1848. Phong trào này nhanh chóng được đặt tên là “Mùa xuân Arập”, mang theo hy vọng mở rộng cánh cửa chính trị chống lại các chế độ “kìm hãm”, “chuyên chế” hoặc “độc tài”. Tuy nhiên, hy vọng đó đã biến thành nỗi thất vọng sâu sắc. Dưới danh nghĩa đấu tranh vì dân chủ, các cuộc nổi dậy chỉ dẫn đến rối loạn, chia rẽ và làm bùng phát các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Bắc Phi.

Đầu năm 2011, tại các quốc gia Arập đã nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình và nổi dậy. (Nguồn: AP)

Tunisia: Tấm gương ngoại lệ

Đi đầu trong phong trào “Mùa xuân Arập”, Tunisia là quốc gia kiểm soát tốt nhất những diễn biến tiếp theo. Việc người bán hàng rong Tarek Mohammed Bouazizi tự thiêu cuối năm 2010 đã thổi bùng lên các cuộc biểu tình khắp Tunisia và biến thành một cuộc nổi dậy chống chính quyền. Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali đã phải chạy trốn sang Saudi Arabia vào tháng 1/2011. Tunisia nhanh chóng trở thành một tấm gương đặc biệt trong thế giới Arập. Đây là quốc gia duy nhất mà khát vọng dân chủ không dẫn đến nội chiến.

Ba cuộc bầu cử đã diễn ra kể từ cuộc cách mạng năm 2011. Đảng Hồi giáo Ennahda thậm chí đã đồng ý nhượng bộ các đối thủ thế tục của mình. Tuy nhiên, khó khăn mà Tunisia đang phải đối mặt khiến thắng lợi này trở nên mong manh lại là một cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng, tỷ lệ thất nghiệp cao, người dân ngày càng chịu ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan và vùng biên giới bất ổn với Libya - nơi các nhóm “thánh chiến” đang hoạt động.

Ai Cập: Trở lại vạch xuất phát

Vài tuần sau Tunisia, đến lượt cuộc nổi dậy của quốc gia lâu đời nhất và đông dân nhất thế giới Arập, dẫn đến việc Tổng thống Hosni Mubarak buộc phải ra đi vào ngày 11/2/2011. Sau chiến thắng của tổ chức Anh em Hồi giáo trong cuộc bầu cử năm 2012, quân đội đã ra tay quyết liệt. Chỉ một năm sau khi nắm quyền, tháng 6/2013, Tổng thống Mohamed Morsi đã bị lật đổ bởi các cuộc biểu tình lớn diễn ra khắp cả nước và được thay thế bởi Thống chế Abdel Fattah el-Sissi.

Nhưng đến nay, cho dù quân đội đang nắm quyền điều hành đất nước bằng những chính sách “bàn tay thép”, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn leo thang và chiến tranh du kích do lực lượng Hồi giáo Sinai tiến hành là yếu tố đáng lo ngại của sự bất ổn.

Libya: Quốc gia bị tàn phá

Cuộc cách mạng Libya năm 2011 đã nhanh chóng biến thành nội chiến. Các cuộc biểu tình chống nhà lãnh đạo Gaddafi nổ ra ở Benghazi đã chuyển thành một cuộc nổi dậy vũ trang. Đây cũng là trường hợp đầu tiên có sự can thiệp của nước ngoài, khi lực lượng NATO - do Pháp và Anh lãnh đạo - đã chặn đứng quân đội Libya được cử đến để tái chiếm các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy.

Giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột kết thúc bằng cái chết của Gaddafi, sau khi đoàn xe của ông bị không quân NATO ném bom ở Sirte.

Tuy nhiên, Libya - một quốc gia dầu mỏ mới được thành lập - đã sớm rơi vào một cuộc nội chiến giữa các lực lượng dân quân đối kháng. Không có xung đột tôn giáo, nhưng có lẽ vì nguyên nhân tranh chấp nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, 8 năm sau cuộc cách mạng, Libya vẫn là một quốc gia bị chia rẽ, trong bối cảnh các nhóm Hồi giáo cực đoan đang góp phần gây bất ổn cho cả khu vực Sahel.

Yemen: Cuộc nội chiến thầm lặng

Lấy cảm hứng từ các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập, các cuộc biểu tình nổ ra ở Yemen đã đạt mục đích khiến Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức vào tháng 11/2011, sau hơn 20 năm nắm quyền. Tổng thống Saleh được thay thế vào đầu năm 2012 bởi cựu phó Tổng thống Abd Rabbo Mansour Hadi.

Tuy nhiên, các nhóm Hồi giáo thánh chiến và theo khuynh hướng li khai đã làm suy yếu các nỗ lực bình thường hóa của chính phủ mới. Năm 2014, phiến quân Houthi, một tổ chức chính trị - tôn giáo tham gia các cuộc biểu tình chống lại Saleh, đã trỗi dậy. Họ đánh đuổi Tổng thống Hadi ra khỏi thủ đô Sana'a, sau đó xâm chiếm Aden.

Houthi cũng đương đầu với sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Cho đến nay, không có người chiến thắng và kẻ thua cuộc, cuộc chiến đã tàn phá một đất nước vốn nghèo nhất thế giới Arập. Đói khát phong tỏa, người dân Yemen là nạn nhân của một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất hiện nay.

Xung đột đã tàn phá đất nước Syria. (Nguồn: Reuters)

Syria: Từ nội chiến đến xung đột khu vực

Cuộc nổi dậy ở Syria, bắt đầu vào tháng 3/2011 với việc bắt giữ và tra tấn những thanh niên đã dựng khẩu hiệu chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở thành phố Deraa, đã nhanh chóng biến thành một trong những cuộc xung đột tồi tệ nhất ở Trung Đông. Khi các cuộc biểu tình chuyển sang nổi dậy, Syria chìm vào một cuộc nội chiến dựa trên những liên kết giáo phái. Đồng thời, cuộc xung đột được quốc tế hóa khi có sự tham gia của các đối thủ trong khu vực như Iran và Saudi Arabia.

Những kẻ nổi dậy, ngày càng bị các nhóm Hồi giáo thánh chiến chế ngự, nhận được sự hậu thuẫn của nhiều quốc gia quân chủ vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Mất quyền kiểm soát tại địa phương, chế độ Assad đã nhận được sự hỗ trợ của người Iran và các đồng minh Hezbollah ở Liban, sau đó Nga đã can thiệp vào năm 2015. Sự phân rã của Nhà nước Syria đã làm nhen nhóm sự ra đời của các vùng tự trị. Các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố lãnh thổ tại Syria và Iraq, trong khi ở phía đông bắc Syria, lực lượng người Kurd đã tạo ra một vùng tự trị mang tên Rojava.

Nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, chế độ Assad dần dần chiếm lại các khu vực do phiến quân kiểm soát. Tuy nhiên, chiến tranh còn lâu mới kết thúc, còn Syria đã đổ quá nhiều máu. Sự tàn phá rộng lớn đã khiến hàng triệu người Syria phải lưu vong hoặc đang tạm sống trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng.

Bahrain: Cuộc nổi dậy bị dập tắt

Là một vương quốc nhỏ ở Vịnh Arập, Bahrain đã chứng kiến các cuộc biểu tình dân chủ nổ ra ở thủ đô Manama vào tháng 2/2011. Những người biểu tình chủ yếu theo dòng Shi'ite, phản đối quyền lực gia đình không chia sẻ của phái Sunni.

Saudi Arabia và các quốc gia láng giềng đã quyết định can thiệp quân sự vào Bahrain, vì e ngại cả lời kêu gọi cải cách lẫn ảnh hưởng do sự can thiệp của Iran đối với phong trào. Tháng 3/2011, họ đã tháo dỡ trại mà những người biểu tình ở quảng trường Pearl - trung tâm thủ đô Manama dựng lên và dập tắt phong trào.

Thu Hiền

(theo Le Figaro)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/hy-vong-cua-mua-xuan-arap-da-tieu-tan-87430.html