Hy Lạp trong quan hệ với Israel và cục diện Trung Đông

Trong nhiều năm, các chính trị gia Hy Lạp luôn hy vọng nhận được hỗ trợ tích cực của Israel trong đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải.

Nhưng theo các chuyên gia, việc xác định rõ ai là ông chủ ở Trung Đông mới là quan trọng.

Hy Lạp và mối quan hệ với Israel

Các hành động hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegean chính là cơ hội để Hy Lạp hiểu rõ hơn về tính toán của Israel và định hình quan hệ đối tác song phương (còn có thể gọi là “ba bên”, với sự tham gia của Síp).

Thay vì nuôi dưỡng hi vọng về sự hỗ trợ tích cực của Tel Aviv trong đối phó với Ankara ở Đông Địa Trung Hải, Athens cần làm rõ những gì họ mong đợi từ Israel, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ sắp sửa có chính quyền mới.

Bốn tháng qua đã thúc đẩy mạnh mối quan hệ đối tác Hy Lạp-Israel. Việc thiếu một liên minh quân sự chính thức giữa hai nước (và Síp) đã thể hiện rõ trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Đông Địa Trung Hải và cho thấy những hạn chế trong kế hoạch hợp tác đầy hứa hẹn của các bên.

Các nhà hoạch định chính sách của Hy Lạp thuộc cả “Liên minh cánh tả cấp tiến” (SYRIZA) và “đảng Dân chủ mới” đang cầm quyền đã định hình chính sách đối ngoại của họ đối với Israel với hy vọng rằng Tel Aviv sẽ hỗ trợ Athens hoặc coi quan hệ đối tác Hy Lạp-Israel như là lá chắn chống lại tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Tuy nhiên, Tel Aviv chưa bao giờ bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia tích cực vào các cuộc tranh cãi giữa Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, mà chỉ thể hiện tình đoàn kết ngoại giao với Hy Lạp ở mức có thể.

Chiến hạm Hy Lạp, Israel, Pháp, Mỹ trong cuộc tập trận “Mighty Waves” ở ngoài khơi thành phố Haifa-Israel ngày 7 tháng 8 năm 2019

Chiến hạm Hy Lạp, Israel, Pháp, Mỹ trong cuộc tập trận “Mighty Waves” ở ngoài khơi thành phố Haifa-Israel ngày 7 tháng 8 năm 2019

Theo các nhà quan sát, mặc dù Tel Aviv đôi khi được các chính khách Athens miêu tả trong các bài diễn văn trước công chúng Hy Lạp như một hình mẫu cần được nhân rộng, nhưng Hy Lạp đã chưa hiểu chính xác về Israel.

Nước này không phải đối mặt với những vấn đề giống như những vấn đề mà Israel đang phải giải quyết; họ cũng không bị đe dọa thường xuyên từ các nhà nước và các đối tượng phi nhà nước như Tel Aviv.

Tóm lại, Israel có nền văn hóa, bối cảnh lịch sử, chiến lược ngoại giao và quân sự hoàn toàn khác biệt, không thể được áp dụng ở Hy Lạp. Ví dụ như ngay cả việc tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự từ 9 tháng lên 12 tháng cũng là một quyết định khó khăn đối với các chính trị gia Hy Lạp.

Không có nghi ngờ gì về việc Ankara đang đe dọa Athens và sẽ tiếp tục làm như vậy. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do các chuyến thăm dò khoáng sản của tàu Oruc Reis Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực biển chưa được phân định.

Sự căng thẳng này cho thấy, sớm hay muộn thì các cuộc đàm phán song phương về vấn đề này sẽ phải bắt đầu.

Ngay cả Israel và Lebanon, mặc dù là hai đối thủ lớn của nhau, nhưng cũng đã phải tham gia vào các cuộc đối thoại nghiêm túc để giải quyết tranh chấp biên giới biển của họ, bất chấp các vấn đề mâu thuẫn nghiêm trọng khác.

Mỹ là nhân tố quyết định cục diện địa-chính trị?

Yếu tố rất đáng lo ngại ở Đông Địa Trung Hải là các cuộc xung đột có thể vượt ra ngoài khuôn khổ các tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng của Thủ tướng Ersin Tatar ở Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara bắt đầu theo đuổi một chương trình nghị sự mới cho việc thành lập hai nhà nước trên hòn đảo này (Nam Síp thân Hy Lạp). Trong khi đó, Hy Lạp, Israel và Síp cũng đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ của họ.

Vào ngày 27 tháng 10 năm 2020, một cuộc họp ba bên của các Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias, Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi và Ngoại trưởng Cộng hòa Síp (Nam Síp) Nikos Christodoulides đã diễn ra tại thủ đô của Hy Lạp.

Ông Ashkenazi đã ca ngợi sự hợp tác của các nước trong khu vực là “thành phần chiến lược trung tâm để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế”.

Một cuộc họp ba bên cũng đã diễn ra tại Nicosia (Síp) vào ngày 13 tháng 11 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz và Bộ trưởng Quốc phòng Síp Charalambos Petrides.

Ông Benny Gantz cho biết cả ba đã đồng ý thúc đẩy hợp tác công nghiệp quy mô lớn, giúp tăng cường khả năng quốc phòng và tạo ra hàng nghìn việc làm cho cả ba nền kinh tế.

Đặc biệt, sẽ có lợi cho Hy Lạp nếu xây dựng mối quan hệ hợp tác với Israel, nhưng nước này cần tiếp cận vấn đề từ góc độ thực tế, sau một thời gian dài hi vọng.

Theo tiến sĩ George N. Tzogopoulos - giảng viên tại Viện Châu Âu Nice và Đại học Democritus Thrace, cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu BESA, chính quyền Athens cần hiểu rằng, không phải Israel, Mỹ mới chính là nhân tố quyết định cục diện địa-chính trị ở Đông Địa Trung Hải và cả Trung Đông.

Tất nhiên, chính sách đối ngoại của chính quyền mới của Mỹ sẽ không được định hình bởi quan hệ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ. Những mối quan hệ đó có thể sẽ được đặt trong một “rổ” các vấn đề quan trọng, mà Israel chỉ là “chủ thể ủy nhiệm chính”.

Một vấn đề khác là triển vọng trong nhiệm kỳ Tổng thống Hoa Kỳ ít nhất là 4 năm của ông Joe Biden đang được hai đối tác nhìn nhận khá khác nhau.

Trong khi Athens đang xem xét các tác động của nó một cách hạn chế, chỉ xoay quanh mối quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, thì Israel đang đánh giá một cách rộng rãi những thay đổi tiềm năng đối với bối cảnh địa-chính trị ở Đông Địa Trung Hải và cả Trung Đông; và trong đó có cả mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Biden.

Hy Lạp sẽ bất lợi trước Thổ Nhĩ Kỳ?

Trong một cuộc phỏng vấn với Jerusalem Post vào năm 2018, một trong những ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Biden là Michèle Flournoy đã chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì “đã từ bỏ Syria cho chế độ của Bashar al-Assad và Iran”.

Cùng quan điểm đó, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Barak Obama, bà Susan Rice coi quyết định của Tổng thống Trump về việc rút quân Mỹ khỏi Syria là "điên rồ".

Việc xem xét lại chiến lược của Washington ở Syria với sự phối hợp của Tel Aviv, Moscow và Ankara sẽ có những biến động lớn đối với toàn khu vực, ảnh hưởng đến cục diện đối đầu giữa Hy Lạp-Síp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, ứng viên tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong chính quyền Joe Biden là ông Tony Blinken, người tán thành việc chính quyền Trump thúc đẩy UAE, Bahrain và Sudan mở quan hệ ngoại giao chính thức với Israel, đã không bỏ qua vấn đề Israel-Palestine; hơn thế ông ta tin vào “Giải pháp hai nhà nước” cho cả hai quốc gia này.

Về phần mình, nữ Phó Tổng thống đắc cử là bà Kamala Harris đã hứa sẽ khôi phục viện trợ cho người Palestine và nối lại quan hệ với Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA).

Với chính sách mới của chính quyền Biden, ông Erdogan có thể tìm thấy cơ hội để nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực với chiêu bài “bảo vệ người Palestine”. Trong khi đó, chính ông Blinken đã nói rằng, chính quyền Biden sẽ làm việc để tìm ra cách “có một mối quan hệ tích cực hơn với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Chính sách mới của tân chính quyền Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối liên kết Israel-Hy Lạp-Síp trong cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù Hy Lạp không có tác động nào đủ ảnh hưởng tới tư duy chiến lược của Israel, nhưng nước này có thể tham khảo ý kiến của Tel Aviv về việc liệu việc can dự (theo các điều kiện đã thỏa thuận) hay loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phục vụ tốt hơn lợi ích chung của họ dưới thời Tổng thống Biden. Sau đó, họ có thể phối hợp hành động của mình không chỉ ở khu vực lân cận mà còn ở Mỹ.

Cần phải nói thẳng rằng, bất kể việc Hy Lạp và Israel (cùng với Síp) có thể thúc đẩy hơn nữa tình hữu nghị và làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa họ, nhưng nếu Washington quyết định hàn gắn mối quan hệ với Ankara thì Anthens khó có thể hy vọng vào những hành động quyết liệt của Israel trong việc đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hy-lap-trong-quan-he-voi-israel-va-cuc-dien-trung-dong-3424005/