Hy Lạp rúng động vì bê bối nghe lén 'giống Watergate'

Áp lực đang đè nặng lên Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis sau khi việc cơ quan tình báo nhà nước nghe điện thoại của nhà lãnh đạo đảng đối lập bị phanh phui.

Bên cạnh đợt giông bão và mưa lớn quét qua thủ đô Athens vào tuần trước, sự kết thúc của mùa hè năm nay ở Hy Lạp còn thêm phần kịch tích với những bê bối liên quan đến phần mềm gián điệp, tin tặc cùng nghe lén.

Khi Mặt Trời ló dạng vào hôm 26/8, Quốc hội Hy Lạp đã được triệu tập để tranh luận về vụ nghe trộm điện thoại được ví như bê bối Watergate. Đây là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ, kéo theo hệ quả là lần đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này, một tổng thống phải từ chức trước khi hết nhiệm kỳ.

Hôm 8/8, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định ông không biết điện thoại của đối thủ chính trị Nikos Androulakis - lãnh đạo đảng Xã hội (PASOK) bị nghe lén bởi EYP - cơ quan tình báo quốc gia dưới sự kiểm soát của ông.

“Khi nhận được tin, tôi đã không ngần ngại nói đây là hành động sai trái”, ông Mitsotakis nói với các nghị sĩ khi tìm cách giải thích về vụ bê bối.

“Nhưng bất cứ động thái nào để khắc phục sai lầm này cũng không nên làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quan trọng khác của EYP”, ông cho biết thêm khi nói rằng theo luật pháp, mình không thể tiết lộ lý do của việc này.

 Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đang vướng vào một vụ bê bối nghe lén. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đang vướng vào một vụ bê bối nghe lén. Ảnh: Reuters.

Gây áp lực

Các cuộc tranh cãi xung quanh vụ bê bối gây chấn động quốc gia đã mở ra “chiếc hộp Pandora” với những tác động tiềm tàng trước cuộc tổng tuyển cử Hy Lạp vào năm tới.

Một số người đã kêu gọi ông Mitsotakis phải trả giá bằng cách từ chức, trong khi Quốc hội cho biết sẽ tổ chức một cuộc điều tra, bắt đầu vào ngày 29/8.

“(Ông Mitsotakis) đã ra lệnh cho (EYP) theo dõi (ông Androulakis)”, cựu Thủ tướng Alexis Tsipras, người đứng đầu đảng đối lập Syriza, nói.

“Ông ấy muốn có quyền kiểm soát tuyệt đối với hành động của đảng chính trị lớn thứ ba tại Hy Lạp, để đảm bảo kiểm soát các diễn biến chính trị”, ông Tsipras cho biết khi tố cáo nhà lãnh đạo đất nước.

Guardian nhận định giống như thời tiết, tương lai chính trị của Hy Lạp đang ngày càng tăm tối.

Kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài, ông Mitsotakis (54 tuổi), được coi là một câu chuyện thành công hiếm hoi của cánh hữu châu Âu.

Các chính sách ủng hộ doanh nghiệp và thúc đẩy hiện đại hóa nhận được sự tán thành của phương Tây, đã giúp Hy Lạp, từ một quốc gia chịu cảnh nợ nần, lại một lần nữa thu hút vốn và đầu tư.

Tại Brussels, giới chức Bỉ đã bày tỏ thái độ hoan nghênh các chính sách hướng tới kết quả của Thủ tướng Mitsotaki. Ông không chỉ được xem là “tiếng nói của lý trí” ở châu Âu khi lên án cuộc xung đột Nga - Ukraine bất chấp mối quan hệ lâu đời giữa Athens và Moscow, mà còn được cho là người đàn ông thích vươn lên thách thức khủng hoảng.

EU cũng dành nhiều lời khen ngợi cho thủ tướng Hy Lạp vì đã kiểm soát đại dịch và sẵn sàng đối thoại cứng rắn về vấn đề di cư.

Nhưng ba năm sau những thành công này, vị thủ tướng ấy lại đang gặp khó khăn.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phát biểu trước các nhà lập pháp trong phiên họp Quốc hội về vụ việc nghe lén. Ảnh: Reuters.

Phe đối lập đã không lãng phí thời gian khi ví vụ bê bối với Watergate. Bị cuốn theo vòng xoáy, ông Mitsotakis đứng trước những lời buộc tội vì quản lý một bộ máy nhà nước với các hoạt động gợi nhớ đến thời kỳ chiến tranh lạnh hơn là một nền dân chủ hiện đại.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Trên thực tế, trong vòng vài tuần kể từ khi nhậm chức vào tháng 7/2019, việc ông Mitsotakis nắm quyền kiểm soát EYP, trước đó nằm dưới sự giám sát của Bộ Nội vụ Hy Lạp, đã gây tranh cãi.

Phong cách làm việc của chính phủ mới - tập trung xung quanh một nhóm nhỏ gồm các cố vấn cùng phụ tá trung thành, và giữ khoảng cách với các bộ trưởng - cũng dẫn đến những lời chỉ trích thủ tướng kiêu ngạo.

Mọi thứ càng đi xa khi vào tháng 7, nhiều thông tin cho rằng di động của ông Androulakis không chỉ bị theo dõi bởi EYP trong khoảng thời gian ba tháng.

Trước đó, nó đã bị nhắm mục tiêu bằng phần mềm gián điệp Predator, có khả năng đọc các tin nhắn được mã hóa và biến điện thoại thành thiết bị nghe trộm nếu nạn nhân nhấp vào một liên kết.

Việc giám sát của EYP bắt đầu vào cùng thời điểm mà phần mềm gián điệp Predator thất bại sau khi ông Androulakis không truy cập vào liên kết theo lời mời.

Phần mềm độc hại này đã được phát hiện khi ông Androulakis gửi điện thoại của mình đến đơn vị an ninh mạng của Quốc hội châu Âu để kiểm tra vào đầu năm nay.

Nhà lãnh đạo đảng PASOK, người đang yêu cầu câu trả lời từ chính phủ, đã ám chỉ đến tính chất ngẫu nhiên về thời điểm xảy ra hai vụ việc.

“Chính phủ liên tục tuyên bố các nhà chức trách Hy Lạp không sử dụng Predator”, ông nói vào tuần trước. “Nhưng (sự giám sát đồng thời của) EYP và Predator, trong vòng vài ngày, có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?”.

Các chính trị gia không phải là nạn nhân duy nhất của phần mềm gián điệp nghe trộm. Vào tháng 4, Phòng nghiên cứu Citizen có trụ sở tại Toronto (Canada) đã tìm thấy bằng chứng về việc Predator được sử dụng để hack điện thoại của Thanasis Koukakis - một nhà báo nổi tiếng chuyên điều tra ngân hàng Hy Lạp và các doanh nghiệp trên thế giới.

Ông Nikos Androulakis phát biểu trước truyền thông sau khi nộp đơn khiếu nại tại tòa án tối cao ở Athens. Ảnh: Eurokinissi.

Sau vụ bê bối, ông Mitsotakis đã nhanh chóng hành động để tìm kiếm người chịu trách nhiệm. Chỉ trong tháng này, Hy Lạp đã chứng kiến hai vụ từ chức gây sốc đến từ người đứng đầu EYP, Panagiotis Kontoleon và Chánh văn phòng của cơ quan này Grigoris Dimitriadis.

Dimitriadis, cũng là cháu trai của ông Mitsotakis, chuyên nhận các báo cáo tình báo chính trong văn phòng thủ tướng.

Nhưng nhà lãnh đạo Hy Lạp lại lảng tránh việc giải thích vì sao ông Androulakis bị theo dõi.

Tại Quốc hội, ông đã kích động sự phẫn nộ, nói rằng trong khi việc nghe lén là hợp pháp và đã được một công tố viên cấp cao phê chuẩn, ông không thể tiết lộ lý do của chuyện này theo luật pháp.

“Những gì đã diễn ra có thể đúng luật, nhưng đó là một sai lầm”, ông nói.

“Chúng tôi rất tức giận khi không có câu trả lời tại sao ông ấy lại bị theo dõi”, Thanasis Glavinas, người đứng đầu nhóm nghị sĩ PASOK ở Quốc hội, cho biết.

“Họ cho rằng nó xuất phát từ lý do an ninh quốc gia, vậy chúng là gì? Ông Androulakis là gián điệp sao? Hay ông ấy là mối đe dọa”, ông Glavinas nói. “Thật là phẫn nộ khi bóng đen của sự nghi ngờ phủ lên một người đàn ông có thể là ứng cử viên cho chức thủ tướng (trong tương lai)".

Minh An

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hy-lap-rung-dong-vi-be-boi-nghe-len-giong-watergate-post1350333.html