Hy Lạp, hạt nhân của 'Bloc 7+3' trước thử thách Thổ

Hy Lạp là ứng cử viên lý tưởng đóng vai trò nòng cốt trong một khối Địa Trung Hải bao gồm Israel, các quốc gia Ả rập và các nước châu Âu

Sự chuyển dịch quyền lực ở Trung Đông trong vài năm qua đã định hình lại những thách thức chính trị mà một số quốc gia phải đối mặt và khiến họ phải cân nhắc khả năng mở rộng khuôn khổ quan hệ của mình.

Theo các nhà quan sát, việc Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện tham vọng ở nhiều quốc gia và tạo ra mối đe dọa tiềm tàng có thể ảnh hưởng tới tương lai của khu vực, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực này phải tăng cường phối hợp lẫn nhau.

Các chuyên gia đánh giá Hy Lạp là nước phù hợp nhất cho vai trò nòng cốt của định dạng hợp tác này.

Chiến hạm Hy Lạp tập trận ở Đông Địa Trung Hải hồi cuối tháng 8/2020 trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến hạm Hy Lạp tập trận ở Đông Địa Trung Hải hồi cuối tháng 8/2020 trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hy Lạp quan trọng với cả người Ả rập lẫn người Do Thái

Tel Aviv đã thúc đẩy quan hệ với Athens trong thập kỷ qua, song song với những nỗ lực chung ngày càng vững chắc giữa các nhà vận động hành lang của Israel và Hy Lạp ở Mỹ, thông qua việc thành lập Liên minh Quốc hội Israel-Hellenic (CHIA) vào năm 2013.

Trong những năm gần đây, hợp tác quân sự giữa hai nước lớn mạnh hơn sau khi Israel mở văn phòng tùy viên quân sự ở Athens. Vào năm 2015, Israel và Hy Lạp đã ký “Thỏa thuận Quy chế Lực lượng” cung cấp khả năng phòng thủ hợp pháp cho quân đội của cả hai nước trong khi huấn luyện ở nước bên kia.

Ngoài ra về mặt hợp tác kinh tế, sau khi hoàn thành, EuroAsia Interconnector, một hệ thống cáp dự kiến kết nối lưới điện của Israel, Síp và Hy Lạp với mạng lưới truyền tải của châu Âu, sẽ là cáp điện ngầm dài nhất thế giới.

Phía bên kia, người Ả-rập và người Hy Lạp có nhiều điểm chung, từ lịch sử, địa lý đến văn hóa và ẩm thực. Các dân tộc thiểu số Hy Lạp ở các thành phố Ả-rập như Alexandria, Aleppo và Beirut đã đóng góp vào việc làm phong phú thêm văn hóa địa phương.

Mối quan hệ xã hội của những người theo đạo Cơ đốc Ả-rập với người Hy Lạp cũng rất tốt đẹp.

Bên cạnh đó, trong nhiều thập kỷ qua, lập trường chính trị của các đảng cầm quyền Hy Lạp luôn ủng hộ ảnh hưởng của Ả-rập trên trường quốc tế, đáp lại, các quốc gia Ả-rập đã ủng hộ Athens bằng cách từ chối công nhận cái gọi là “Cộng hòa Bắc Síp” thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp những nỗ lực lôi kéo của Ankara.

Vị trí địa lý của Hy Lạp cũng là một yếu tố trong việc thu hút các quốc gia Trung Đông hướng tới mối quan hệ bền vững với Athens. Vị trí này có tầm quan trọng chiến lược lớn trên hai khía cạnh.

Thứ nhất, Hy Lạp là một thành viên EU và do đó có thể đóng vai trò là tiếng nói chính trị và kinh tế của các đồng minh tại Brussels. Thứ hai, Hy Lạp tiếp giáp với bán đảo Balkan, nơi tạo cho nó lực hấp dẫn để đối đầu với tham vọng bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara có ảnh hưởng đáng kể ở Bosnia, Kosovo và Albania do mối quan hệ lịch sử và tôn giáo. Tuy nhiên, Hy Lạp có thể là cánh cửa mà qua đó các nước Ả-rập và Israel vươn ra vùng Balkan, bởi họ cũng có quan hệ rất tốt với các nước trong khu vực này.

Họ có thể cùng nhau khám phá các cơ hội hợp tác lớn hơn với khu vực, đặc biệt là xem xét các mối quan hệ sâu sắc của Athens với Serbia và quan hệ đã được cải thiện nhiều với Bắc Macedonia, cả hai nước đều chủ yếu là Chính thống giáo giống như Hy Lạp.

Hy Lạp là hạt nhân hình thành “Bloc 7+3”

Căng thẳng ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải đã gia tăng gần đây, do Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính sách thăm dò khí đốt, cạnh tranh về nguồn dự trữ năng lượng trong khu vực.

Một sáng kiến khu vực đa phương nhằm ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Và thế là một khối Ả rập-Địa Trung Hải đang manh nha hình thành. Khối này có thể bao gồm Pháp, Ý, Hy Lạp, Síp, Israel, Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Bahrain (một nước láng giềng của Iran gần đây đã công nhận Israel) và Libya (không bao gồm các lực lượng cực đoan).

Một khối như vậy có thể thiết lập một tầm nhìn rõ ràng cho tương lai của khu vực và các khía cạnh khác nhau của hợp tác chính trị và đầu tư lẫn nhau nhằm phục vụ lợi ích của mỗi quốc gia, trong khi vẫn đạt được các mục tiêu khu vực.

Liên minh này có thể được gọi là "7+3", liên quan đến bảy quốc gia Địa Trung Hải cộng với UAE, Saudi Arabia và Bahrain, sẽ hoạt động như một rào cản chống lại những nỗ lực của Ankara trong việc sử dụng vấn đề tài nguyên thiên nhiên nhằm mục đích đặt khu vực trước “thực tế đã rồi” và củng cố các vùng đất chịu ảnh hưởng của mình, với cái giá phải trả là an ninh và ổn định của Trung Đông và Địa Trung Hải.

Về mặt quân sự, Pháp, Ý và Hy Lạp đều là thành viên NATO, trong khi Israel, Ai Cập và Bahrain là “các đồng minh chính ngoài NATO”.

Tương tự như vậy, Síp, Saudi Arabia và UAE đều có quan hệ chiến lược với NATO, với việc Abu Dhabi trở thành quốc gia Ả rập đầu tiên bổ sung máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến F-35 vào kho vũ khí của mình.

Theo “Chỉ số Sức mạnh” (PowerIndex) của GlobalFirepower, 5 trong số 10 quốc gia này được xếp hạng trong nhóm 20 quân đội hàng đầu thế giới theo sức mạnh quân sự.

Đối với cả người Do Thái và người Ả rập, đầu tư vào quan hệ với Athens ở tất cả các cấp độ trong một liên minh rộng lớn hơn đã được coi là đầu tư chiến lược dài hạn, bắt đầu từ Trung Đông và Địa Trung Hải, đi qua Balkan và mở rộng sang phần còn lại của châu Âu.

Hy Lạp đang ngày một cứng rắn

Với mối quan hệ lịch sử của Athens với các nước Trung Đông, Hy Lạp là ứng cử viên lý tưởng để đóng vai trò nòng cốt trong một khối Địa Trung Hải bao gồm Israel, các quốc gia vùng Vịnh và các nước châu Âu nhằm đối phó với tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự tham gia của Hy Lạp có thể giúp khu vực đạt được tiềm năng kinh tế và chính trị trong bối cảnh tranh chấp về nguồn dự trữ năng lượng trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, Liên minh “7+3” có thể trở thành một vòng kim cô kiềm tỏa Thổ Nhĩ Kỳ và rõ ràng điều này đã giúp Athens ngày càng cứng rắn hơn trong các động thái đáp trả đối với Ankara.

Quan hệ giữa hai bên chạm mức thấp nhất vào ngày 21/7 vừa qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định gửi một tàu thăm dò địa chấn đến gần đảo Kastellorizo của Hy Lạp.

Mục tiêu chính của Ankara là giành được càng nhiều thềm lục địa càng tốt, bằng cách ngăn Athens tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực.

Trước thách thức lớn, chính phủ trung hữu của ông Kyriakos Mitsotakis đã huy động hạm đội của mình để phá vỡ cuộc khảo sát dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển mà Athens khẳng định là “thềm lục địa của Hy Lạp”.

Va chạm giữa tàu chiến của hai nước đã xảy ra, khiến 1 tàu hộ tống Thổ Nhĩ Kỳ bị đâm thủng mạn. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Hy Lạp Konstantinos Floros cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc xung đột quân sự cục bộ nào sẽ ngay lập tức dẫn đến một cuộc chiến toàn diện Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/1996, khi cuộc khủng hoảng liên quan đến hòn đảo Imia/Kardak trên biển Aegean nổ ra, Athens cho thấy rõ ràng quyết tâm sử dụng quân sự để bảo vệ quyền chủ quyền của mình ở biển Aegean và đông Địa Trung Hải. Sau bảy tuần đứng trước nguy cơ đụng độ quân sự, Ankara đã rút tàu của mình.

Những tuyên bố và hành động mới nhất này cho thấy đã có sự thay đổi tư duy ở Athens về cách đối phó với Ankara. Hy Lạp rõ ràng đang chuyển từ chiến lược răn đe bằng biện pháp phòng thủ sang đáp trả mạnh mẽ.

Điều này thể hiện rõ nét nhất ở việc gần đây, nữ Tổng thống đầu tiên của Hy Lạp là bà Katerina Sakellaropoulou đã bày tỏ rằng: “Nếu bạn muốn có hòa bình, bạn phải luôn chuẩn bị cho chiến tranh”.

Với những động thái mới này, các chuyên gia dự báo, Ankara sẽ rất khó thực hiện được ý đồ gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông-Bắc Phi và kiểm soát vùng biển phía đông Địa Trung Hải.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hy-lap-hat-nhan-cua-bloc-73-truoc-thu-thach-tho-3420644/