Hy Lạp đang vẽ lại bản đồ địa-chính trị Trung Đông

Thiếu sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu trong cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Síp tự lực xây dựng một liên minh với các nước Trung Đông.

Thất vọng châu Âu, Hy Lạp đặt niềm tin vào Trung Đông

Nền văn minh Hy Lạp đã tiếp thu những ảnh hưởng từ các nền văn hóa Trung Đông như: Do Thái, Ả Rập, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ…, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Điều này thể hiện rõ trong âm nhạc, ẩm thực, ngôn ngữ, tôn giáo và lối sống của người Hy Lạp và Hy Lạp-Síp. Một số người còn nói rằng, văn hóa Hy Lạp là thực thể duy nhất còn lại của quyền lực mềm từ thời cổ đại.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên hiện đại, Hy Lạp và Cộng hòa Síp đã tìm đường tiến tới châu Âu.

Trong trường hợp của Hy Lạp, nước này phụ thuộc tài chính vào các cường quốc châu Âu sau khi giành được độc lập khỏi Đế chế Ottoman và các vị vua châu Âu cai trị nhà nước được tái lập với một thể chế "chế độ quân chủ Hy Lạp" do nước ngoài thành lập. Trong đó, Anh đã đô hộ Síp cho đến khi giành được độc lập vào năm 1960.

Tây Bắc Âu và sau đó là EU, là những quốc gia có ảnh hưởng to lớn đối với nền văn minh Hy Lạp thời hiện đại, đang tìm cách gạt bỏ nanh vuốt phía đông của chủ nghĩa Ottoman. Nhưng giờ đây, mọi thứ có thể trở lại như trước, như một số người đã biện luận là “theo trật tự tự nhiên”.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis là một Europhile (một người ngưỡng mộ Châu Âu hoặc ủng hộ việc tham gia vào Liên minh Châu Âu). Nhiều người Hy Lạp, cũng như người Síp gốc Hy Lạp, coi EU là yếu tố cần thiết cho sự thịnh vượng kinh tế, thương mại và phát triển của họ.

Tuy nhiên, một loạt những thất vọng liên quan đến chính sách của EU ở phía đông Địa Trung Hải đã khiến cả Hy Lạp và Cộng hòa Síp - phần phía nam của hòn đảo thuộc sắc tộc Hy Lạp được quốc tế công nhận - bắt đầu thực hiện một sự thay đổi chính trị đáng chú ý đối với Trung Đông.

Việc Ankara liên tục vi phạm không phận Hy Lạp và hải phận Síp đã khiến Nicosia và Athens kêu gọi Liên minh châu Âu trừng phạt Ankara. Tuy nhiên, Brussels, nhìn thấy mối quan hệ đồng minh chặt chẽ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ đưa ra những động thái mang tính biểu tượng. Ngay cả Pháp, một nước ủng hộ quyền lãnh thổ Hy Lạp và Hy Lạp-Síp gần đây, cũng có lập trường tương đối mềm mỏng về vấn đề trừng phạt.

Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nước trong khu vực phải liên kết ngăn chặn (Ảnh minh họa)

Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nước trong khu vực phải liên kết ngăn chặn (Ảnh minh họa)

Đối với Athens và Nicosia, vốn dĩ đã hoài nghi khối do vai trò của khối này trong cuộc khủng hoảng nợ, thì đây là những dấu hiệu cho thấy họ không còn có thể dựa vào châu Âu. Israel và các nước láng giềng Ả Rập cũng đã học được bài học này, khi Brussels không hề quan tâm đến sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, vì “mối quan tâm có chọn lọc về nhân quyền” và nỗi ám ảnh về vấn đề Palestine.

Thiếu sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các chính sách kinh tế không công bằng tiếp tục diễn ra, đã khiến Síp và Hy Lạp rời bỏ Brussels và hướng tới Trung Đông.

Athens và Nicosia sẽ không rời Liên minh châu Âu, nhưng lập trường mềm mỏng của EU đối với các động thái gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực nói chung đã khiến các chính trị gia ở cả hai nước không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gắn kết chặt chẽ hơn với các nước láng giềng phía đông nam của họ.

Sự hình thành liên minh mới trong khu vực

Sau khi Israel cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 2010 và việc phát hiện ra trữ lượng lớn khí đốt tự nhiên ở lòng chảo Levantine (Levantine Basin), Hy Lạp, Israel và Síp đã liên kết để khai thác các nguồn tài nguyên và bắt tay vào một dự án đầy tham vọng để đưa khí đốt đến châu Âu, sau này còn có sự tham gia của một số quốc gia khác.

Liên minh ba bên được Mỹ hậu thuẫn đã trở nên gắn kết hơn, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực quân sự và các nỗ lực vận động hành lang chung ở Washington. Việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước Ả Rập đã thúc đẩy tiến trình này hơn nữa.

Nhà nước Do Thái và các nước láng giềng - những người từ lâu đã có quan hệ chặt chẽ với Hy Lạp - đều chia sẻ sự lo ngại về sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và tham vọng tân Ottoman của họ.

Trong bài viết cho Tạp chí BESA số 1.894, ngày 20 tháng 1 năm 2021, chuyên gia Dmitri Shufutinsky, Thạc sĩ về Giải quyết Xung đột và Hòa bình Quốc tế, nhận định rằng, quan hệ quân sự đã trở thành một yếu tố quan trọng của hợp tác Hy Lạp-Israel và Hy Lạp-Ả Rập.

Hy Lạp cử hệ thống Patriot đến bảo vệ các mỏ dầu của Saudi Arabia, trong khi UAE cử máy bay chiến đấu tới Hy Lạp để tham gia cuộc diễn tập phòng không chung. Ai Cập tham gia hầu như hàng năm với Hy Lạp và Síp trong các cuộc tập trận hải quân chung và Israel gần đây đã đồng ý mở một trung tâm huấn luyện bay chung ở Kalamata với Hy Lạp.

Hy Lạp, Israel, Síp đã liên kết để khai thác khí đốt ở lòng chảo Levantine

Tel Avip cũng sẽ cho Athens thuê máy bay không người lái để phòng thủ biên giới. Israel cũng đã đồng ý nâng cấp hơn nữa hợp tác quốc phòng với Nicosia và Athens trong năm tới. Trong khi đó, Mỹ vốn đã gần gũi hơn với Athens và Nicosia từ cuối năm nay, đã thực sự trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua hệ thống S-400 của Nga.

Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách của Nga và Trung Quốc đã chấp nhận ý tưởng về “chủ nghĩa khu vực” - một khái niệm mà theo đó các quốc gia trong một khu vực địa lý chung làm việc cùng nhau trong các vấn đề khác nhau, không chịu ảnh hưởng bởi các quốc gia ngoài khu vực. Có vẻ như điều này đang xảy ra, mặc dù có lẽ không theo cách mà Moscow và Bắc Kinh hình dung.

Kostas Grivas, giáo sư địa chính trị và hệ thống vũ khí tại Học viện Lục quân Hy Lạp, đã tuyên bố rằng, Athens sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị bao gồm các quốc gia Ả Rập, Israel, Síp, Hy Lạp và Pháp thành một liên minh Địa Trung Hải-Trung Đông mới, để chống lại mạng lưới đồng minh mà Ankara đã xây dựng với Pakistan và các nước thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á.

Giám đốc điều hành của Trung tâm Báo cáo và Phân tích Trung Đông là ông Seth J. Frantzman đã xếp Hy Lạp và Ấn Độ vào một “Trung Đông lớn” xét về các liên minh địa-chính trị mới nổi.

Khi EU mất vai trò lãnh đạo trong khu vực và đối mặt với tình trạng bất ổn nội bộ, các liên minh khu vực như vậy - thường dựa trên nền tảng văn hóa chung và lợi ích địa chính trị chung - có khả năng trở nên phổ biến hơn khi đối mặt với các vấn đề chung.

Hy Lạp và Síp, với sự giúp đỡ của các đồng minh trong khu vực và Washington, nên tiếp tục vận động châu Âu hành động nhiều hơn chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, nước này cần tiếp tục nắm bắt thực tế đang đến gần, với khả năng là Brussels sẽ không chống lại các chính sách tân Ottoman của Ankara.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hy-lap-dang-ve-lai-ban-do-dia-chinh-tri-trung-dong-3426379/