Hy Lạp: cơn đau chưa dứt

Hy Lạp đầu tuần này chính thức chấm dứt sự phụ thuộc vào gói cứu trợ quốc tế trị giá 320 tỉ euro, mở đường cho một kỷ nguyên mới độc lập về tài chính. Nhưng 'cơn đau' mà nước này đã trải qua trong gần một thập kỷ khó có thể chấm dứt ngay lập tức.

Quá khứ ảm đạm

Cách đây hai tháng, ông Dimitris Zafiriou, 47 tuổi, nhận được một công việc toàn thời gian, với mức lương chỉ bằng một nửa so với số tiền ông kiếm được trước khi Hy Lạp lâm vào khủng hoảng nợ năm 2010. Nhưng sau nhiều năm phải kiếm sống vật vờ thì với ông, đây là bước tiến lớn.

Chuyên gia về kết cấu thép xây dựng này tâm sự với tờ New York Times: “Bây giờ, gia đình chúng tôi vẫn lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. Nhưng như vậy vẫn còn tốt hơn so với trước đây, khi mà chúng tôi không thể thanh toán bất cứ hóa đơn nào”.

Hy Lạp vừa đạt được cột mốc quan trọng hôm thứ Hai đầu tuần, khi chính thức thoát khỏi khủng hoảng nợ công, chấm dứt sự phụ thuộc vào gói cứu trợ quốc tế trị giá 320 tỉ euro, tương đương 360 tỉ đô la Mỹ. Trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tàn phá nặng nề nhất ở châu Âu, nền kinh tế Hy Lạp đang dần lấy lại tăng trưởng.

Nhưng cái giá phải trả khá nặng nề. Cuộc suy thoái kết hợp với gần một thập kỷ cắt giảm mạnh chi tiêu, tăng thuế để vá víu nền tài chính quốc gia, đã khiến hơn một phần ba trong tổng số 10 triệu dân Hy Lạp rơi vào cảnh cận nghèo, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Thu nhập hộ gia đình đã giảm hơn 30%, và hơn một phần năm dân số không thể trả các chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền điện và tiền vay ngân hàng. Một phần ba số hộ gia đình có ít nhất một thành viên thất nghiệp. Và trong số những gia đình có người đi làm, tỷ lệ hộ thuộc diện nghèo vẫn ở mức cao nhất châu Âu.

Ông Zafiriou vừa mới kết thúc quá trình đi tìm việc liên tục và kiếm sống bằng thu nhập lẻ tẻ. Công ty xây dựng nơi ông được tuyển dụng đã bắt đầu thuê thêm nhân viên khi nền kinh tế khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, mức lương 800 euro mà ông nhận hàng tháng bây giờ thấp hơn nhiều so với mức 1.500 euro ông từng nhận tại cơ quan cũ, nơi ông đã gắn bó 20 năm.

Khi khủng hoảng nợ công xảy ra, công ty của ông đã trì hoãn trả lương cho nhân viên, đầu tiên là hai tháng, rồi đến bốn tháng, một thực tế đã trở nên phổ biến ở nhiều doanh nghiệp.

Vợ ông, bà Sotiria, cũng không được trả lương trong gần một năm vào năm 2013, sau khi chuỗi siêu thị nơi bà làm việc tuyên bố phá sản. Rất may là một công ty khác đã mua lại nó và bà Sotiria bị cắt giảm lương từ 1.100 euro xuống còn 800. Sotiria cuối cùng cũng đã nhận đủ tiền lương bị nợ, còn Zafiriou vẫn không được trả khoản nợ lương 13.000 euro từ công ty cũ.

Trong bối cảnh đó, gia đình lập tức lâm vào cảnh khó khăn. Họ không đủ khả năng trả tiền điện và tiền thuê căn hộ hai phòng ngủ khiêm tốn ở Keratsini, vùng ngoại ô dành cho giới lao động gần thủ đô Athens. Điều duy nhất khiến họ không bị đuổi khỏi nhà, cùng với hàng ngàn người khác trong hoàn cảnh tương tự, là một điều luật cấm các ngân hàng siết nợ bằng nhà ở của những khách hàng vay.

Gia đình Zafiriou đã phải cắt giảm chi tiêu và ngừng điều trị cho con gái của họ, Anamaria, 13 tuổi, mắc chứng khó đọc. Thiếu tiền mặt, ông Zafiriou phải bán tất cả các đồ trang sức bằng vàng của gia đình.

Giờ đây, mọi thứ đang trở nên sáng sủa hơn. Hai ông bà đã có tiền thuê lại gia sư cho Anamaria. “Hy Lạp đang trở nên tốt lên, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đã quay lại”, ông Zafiriou nói.

Ngay cả sau khi kết thúc giai đoạn cứu trợ, Hy Lạp vẫn phải tiếp tục chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong nhiều năm tới, khi các chủ nợ theo dõi kỷ luật tài chính và tiến bộ về cải cách cơ cấu.

Tương lai sáng hơn

Thủ tướng Alexis Tsipras cam kết sẽ giảm thuế kinh doanh để thúc đẩy tuyển dụng lao động. Ông cũng muốn tạo đà phát triển khi nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 1,4% trong năm ngoái và đang dần hồi phục. Thủ tướng đang hướng tới việc bán lại trái phiếu Hy Lạp trên thị trường tài chính trong vòng hai năm tới. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm xuống còn 19,5% từ mức 28%, cao nhất trong khu vực đồng euro.

Tại cảng Piraeus gần nhà của gia đình Zafiriou những ngày gần đây, hàng ngàn du khách lên phà để đi nghỉ trên những hòn đảo Hy Lạp đầy nắng. Du lịch đang tăng mạnh giúp cải thiện tăng trưởng.

Nhiều việc làm được tạo ra khi các nhà sản xuất chuyển hướng bán sản phẩm ra nước ngoài, gia tăng xuất khẩu, hiện chiếm một phần ba hoạt động kinh tế, tăng so với con số một phần tư trước khủng hoảng.

Tại Bright Special Lighting, một nhà sản xuất hệ thống chiếu sáng công nghiệp và gia đình, ông chủ Nikos Vasiliou cho biết một nửa sản lượng được bán ra nước ngoài. Bóng đèn của công ty đã có mặt trong trụ sở chính của Google ở châu Âu tại Ireland và các cửa hàng của Vodafone ở Paris.

Vasiliou cho biết, năm ngoái ông đã có lợi nhuận lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng. Công ty đã tuyển thêm 25 nhân viên vào lực lượng lao động 143 người. Đa số đều được ký hợp đồng dài hạn, với tiền lương trung bình 1.100 euro/tháng, mức khá cao so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, đối với đại đa số công nhân, thị trường lao động của Hy Lạp vẫn vô cùng khắc nghiệt. Tiền lương ở khu vực công và tư nhân giảm hơn 20%. Mức lương tối thiểu hàng tháng được cắt giảm xuống từ 751 euro còn 586 euro năm 2012, mức thấp thứ hai trong khu vực đồng euro.

Theo số liệu của OECD, nhiều lao động ở khu vực tư nhân kiếm được tiền lương thấp hơn so với thu nhập chuẩn nghèo. Nhiều người làm việc trong tình trạng bấp bênh, không có hợp đồng, còn các nhà tuyển dụng thì tìm cách né tránh tiền lương làm thêm giờ và các chi phí an sinh xã hội.

Ngay cả với một hợp đồng làm việc toàn thời gian như của Zafiriou, vẫn có những rủi ro xảy ra. Zafirious đã đi làm từ tháng 6, nhưng nhiều công ty đã sa thải nhân viên ngay trước khi kết thúc một năm hợp đồng, bởi sau thời hạn một năm đó, việc sa thải sẽ trở nên khó khăn hơn, theo luật.

Dù vậy, ông Zafirious vẫn thuộc diện may mắn. Không phải ai cũng nhanh chóng xin được việc làm như vậy.

Vào một ngày trong tuần gần đây, bà Georgia Pavlioti, 50 tuổi, người mẹ độc thân, đi gặp các nhân viên tư vấn tại Praksis, tổ chức nhân đạo hỗ trợ người rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Pavlioti, cựu giám sát viên tại một công ty thăm dò dư luận của Hy Lạp, chưa bao giờ nghĩ mình lại phải cần tới sự trợ giúp xã hội. Bà sinh con gái ngay thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng nợ công và khi kỳ nghỉ thai sản kết thúc, công ty của bà đã cắt giảm nhân lực và Pavlioti không thể tìm được công việc khác. Chồng bà cũng bị mất việc tại công ty bảo vệ. Thiếu hụt tài chính đã làm cho cuộc sống hôn nhân của họ rạn nứt và bà đã đệ đơn xin ly hôn - một giải pháp mà ngày càng nhiều người Hy Lạp viện tới kể từ khi khủng hoảng bắt đầu.

Cuối cùng, Pavlioti tìm thấy một công việc không chính thức là dọn nhà và chăm sóc người cao tuổi, bao gồm cả việc thay tã cho người lớn. “Tôi không thể tin rằng có ngày mình sa cơ như thế. Nó làm mất đi hình ảnh và sự tự tin của tôi”, bà tâm sự trong nước mắt.

Công ty Praksis cung cấp tư vấn về việc làm, hỗ trợ tâm lý và tài chính, song với bà Pavlioti là chưa đủ. Là một người mẹ độc thân, bà cần khoản tiền chăm sóc trẻ em do tiểu bang hỗ trợ. Nhưng vì vụ ly hôn của bà đang chờ giải quyết nên bà không đủ điều kiện để nhận trợ giúp.

Hiên giờ, bà nhận giữ trẻ theo giờ, kiếm được khoảng 450 euro mỗi tháng, khoản tiền đủ để trả thuê nhà và hóa đơn.

“Tôi không thấy gì khác biệt khi Hy Lạp thoát khỏi nợ. Chúng tôi chỉ tồn tại chứ không phải là sống”, bà nói.

(Theo New York Times)

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277406/hy-lap-con-dau-chua-dut.html