Hy Lạp cảnh báo Thổ khi tập trận Denizkurdu

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc cuộc tập trận có quy mô lớn với sự tham gia của những vũ khí mạnh nhất và tối tân nhất hiện có.

Tập trận mang tên Denizkurdu với sự tham gia của 132 tàu nổi, 10 tàu ngầm các loại, 43 máy bay chiến đấu, 28 trực thăng và 14 máy bay không người lái. Denizkurdu kéo dài từ ngày 25/5 đến ngày 6/6 ở biển Aegean và Địa Trung Hải.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cuộc tập trận nhằm chứng minh khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân nước này; đánh giá quá trình ra quyết định trong các môi trường có mối đe dọa; kiểm tra khả năng tương tác và khả năng hỗ trợ lẫn nhau.

Bayraktar tấn công mục tiêu mặt đất.

Bayraktar tấn công mục tiêu mặt đất.

Cuộc tập trận được thực hiện trong ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, các binh sĩ tham gia tiến hành diễn tập sẵn sàng chiến đấu; giai đoạn hai là diễn tập ứng phó theo kịch bản khủng hoảng kéo dài 4 ngày; giai đoạn thứ ba là hoạt động giao lưu của các tàu tham gia diễn tập tại các cảng ở bờ biển Aegean và Địa Trung Hải.

Trong giai đoạn bắn đạn thật, UAV TB2 Bayraktar đã lần đầu tiên sử dụng đạn dẫn đường MAM-L tấn công mục tiêu trên biển. Cùng với đó, xuồng chiến đấu không người lái ULAQ cũng đã bắn đạn thật. Con tàu này đã 2 lần bắn tên lửa dẫn đường bằng laser Cirit, đánh trúng các mục tiêu ở phía đông Địa Trung Hải.

Một chỉ huy Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sau cuộc tập trận: "Dù hiện tại những tranh chấp lãnh hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước tạm lắng xuống nhưng chuẩn bị cho kịch bản xấu là điều cần thiết".

Dù mục đích của Thổ khi thực hiện cuộc tập trận Denizkurdu đã được nói rõ nhưng nó vẫn khiến Hy Lạp nổi giận và chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nếu Ankara tiếp tục có những hành động khiêu khích và thù địch.

Lời cảnh báo từ Athens được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của hai đồng minh NATO chuẩn bị gặp nhau vào giữa tháng 6 tới, trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng.

Tuy nhiên, Tổng thống Tayyip Erdogan mới đây cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bảo vệ các vùng lãnh thổ của mình và những cuộc tập trận gần đây trên biển Aegean đã khiến Hy Lạp trở thành kẻ thù của Ankara.

Đáp trả động thái này, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias khẳng định, Hy Lạp luôn ủng hộ nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu Ankara không từ bỏ những cáo buộc thù địch và những tuyên bố khiêu khích thì Athens sẽ tiếp tục kêu gọi các biện pháp trừng phạt của EU đối với Ankara.

Căng thẳng ngoại giao giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sau khi phát hiện trữ lượng dầu khí ở phía đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây, căng thẳng này tiếp tục leo thang và có những động thái đối đầu quyết liệt.

Trong cuộc gặp vừa qua của lãnh đạo ngoại giao hai nước tại Athens, hai bên đã đi đến thống nhất tiến tới bình thường hóa quan hệ và chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước vào ngày 14/6 tới bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels.

Nhưng các chuyên gia cho rằng với những gì đang diễn ra thì sẽ khó có thể kỳ vọng một tín hiệu lạc quan trong cuộc đàm phán sắp tới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/hy-lap-canh-bao-tho-khi-tap-tran-denizkurdu-3433533/