Hy hữu vụ án Tòa thụ lý và xét xử vụ án đòi sở hữu đất đai

Bất chấp sự thật người bán không ký vào giấy nhượng đất được minh chứng bằng bản kết luận giám định của Viện khoa học hình sự bộ Quốc phòng, TAND TP Lào Cai vẫn 'đè' ra xử.

Bất chấp sự thật người bán không ký vào giấy nhượng đất - hoa màu (viết tay) được minh chứng bằng bản kết luận giám định của Viện khoa học hình sự bộ Quốc phòng, TAND TP Lào Cai vẫn “đè” ra xử. Để rồi, bản án dân sự sơ thẩm chưa ráo mực đã bị kháng cáo và gây bất bình trong dư luận.

Người chết mà biết nói năng

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị In (SN 1966, trú tại tổ 23, phường Duyên Hải, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) mắt ngấn lệ: “Từ năm 2003 trở về đây, gia đình tôi không bán đất cho ai. Vừa qua, Nhà nước lấy đất làm đường, thì xảy ra tranh chấp. Họ cho tôi xem tờ giấy nhượng đất - hoa màu (viết tay), người mua là Nguyễn Thị Hậu. Tôi thấy chữ ký không phải của 2 vợ chồng tôi. Mặc dù chồng tôi đã mất, nhưng các bút tích, chữ ký, chữ viết còn để lại khá nhiều và có nhiều bút tích lưu giữ tại các cơ quan nhà nước đóng dấu đỏ tươi. Còn chữ viết họ tên tôi với tư cách bên bán không phải chữ viết của tôi”.

Nói đến đây, bà In chìa tờ giấy nhượng đất - hoa màu (bản photo copy) cho chúng tôi xem. Nội dung như sau: “Hôm nay ngày 5/9/2004, tại nhà anh chị Thìn In, tổ 23 phường Duyên Hải, thị xã Lào Cai. Chúng tôi gồm: Anh Nguyễn Văn Thìn: Chủ nhà (chồng chị Phạm Thị In; anh Nguyễn Chí Phương: Hàng xóm (làm chứng); chị Nguyễn Thị Hậu: Người mua đất. Thống nhất một việc như sau: Anh chị Thìn In có nhượng lại cho chị Nguyễn Thị Hậu là người cùng tổ một miếng đất và hoa màu, mốc giới cụ thể như sau (số tiền 11.500.000 đồng). Chiều ngang: 4 m, tiếp giáp từ nhà anh chị Thìn In tới giáp nhà hàng xóm là 4m. Chiều dài: Từ giáp tường nhà anh chị Hợi Vân kéo dài tới mốc 53 (tim đường đã đánh dấu giáp tới đất nhà ông Thìn In…”.

Tranh chấp phát sinh từ tờ giấy nhượng đất - hoa màu này và kéo theo nhiều hệ lụy cười ra nước mắt.

Tranh chấp phát sinh từ tờ giấy nhượng đất - hoa màu.

Bản án “tiền hậu bất nhất”

Ngày 27/9/2017, TAND TP Lào Cai xét xử sơ thẩm vụ án dân sự kiện “tranh chấp quyền sở hữu đất” giữa nguyên đơn Hoàng Trí Quý (địa chỉ: Tổ 19C, phường Duyên Hải, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và bị đơn là bà Phạm Thị In. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chị Nguyễn Thị Hậu (địa chỉ: Tổ 11, phường Kim Tân, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Phía nguyên đơn trình bày: Ngày 15/6/2012, anh Hoàng Quý Trí có nhận chuyển nhượng của chị Nguyễn Thị Hậu và anh Giang Mạnh Hùng một mảnh đất ở tại tổ 23, phường Duyên Hải, TP Lào Cai với giá 70 triệu đồng.

Khi mua, anh Trí được biết nguồn gốc đất là năm 2004, chị gái của chị Nguyễn Thị Hậu là chị Nguyễn Thị Hương cùng chồng Hoàng Hải Châu mua của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thìn, chị Phạm Thị In với giá 11,5 triệu đồng. Mục đích mua cho chị Hậu. Khi mua bán, hai bên viết tay với nhau (tờ giấy nhượng đất - hoa màu nói trên). Sau đó chị Hậu đã bán lại đất cho anh Hoàng Quý Trí.

Tuy nhiên, phía bị đơn lại khẳng định không bán đất nào cho chị Nguyễn Thị Hậu (người mua hộ là anh Hoàng Hải Châu và chị Nguyễn Thị Hương). Từ trước đến nay, mảnh đất này gia đình chị In vẫn đang quản lý, sử dụng. Chị In cho rằng, giấy tờ nhượng đất- hoa màu viết ngày 5/9/2004 và chữ ký của vợ chồng chị trong tờ giấy đó là giả mạo.

Tại bản kết luận giám định số 71/GĐKTHS- P11 ngày 13/4/2017 của bộ Quốc phòng kết luận: “Chữ viết cần giám định ghi họ tên “Nguyễn Văn Thìn” dưới mục người bán tại trang 2 trong giấy chuyển nhượng đất - hoa mùa ngày 5/9/2004 (ký hiệu A). So với chữ viết mẫu so sánh ghi tên “Nguyễn Văn Thìn” trên các tài liệu gồm: 1 tờ biên bản kiểm tra cấp điện đề ngày 8/7/2003 (ký hiệu M1); 1 tờ hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đề ngày 1/7/2003 (M2); 1 biên bản tổng hợp sát hạch lái xe của ông Nguyễn Văn Thìn (ký hiệu M3); 1 biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe của ông Nguyễn Văn Thìn (ký hiệu M4); 1 biên bản nghiệm thu láp đặt hệ thống cấp nước và bàn giao đồng hồ nước có chữ viết Nguyễn Văn Thìn dưới mục đại diện khách hàng (ký hiệu M5) là không cùng một người viết ra.

Nói cách khác, chữ viết Nguyễn Văn Thìn trong giấy nhượng đất - hoa màu ngày 5/9/2004 không giống với bút tích của người quá cố Nguyễn Văn Thìn ghi trong các giấy tờ mà người nhà lưu giữ và mang đi giám định và các giấy tờ này là bản gốc có đóng dấu đỏ của các cơ quan nhà nước. Từ đó cho thấy, căn cứ của bị đơn đưa ra hoàn toàn có cơ sở.

Bản Kết luận giám định

Trước đó, ngày 22/1/2016 Viện Khoa học hình sự (bộ Công an) cũng tiến hành giám định mẫu chữ. HĐXX TAND TP Lào Cai so sánh 2 kết luận giám định của 2 cơ quan giám định đều thấy chung một kết luận: Chữ viết Nguyễn Văn Thìn trong giấy nhượng đất- hoa màu ngày 5/9/2004 là không trùng với chữ viết trong mẫu so sánh là biên bản kiểm tra cấp điện, đề ngày 8/7/2003; biên bản nghiệm thu và bàn giao đồng hồ đo nước tháng 5/2008.

Trước những dấu hiệu giả mạo chữ viết của chồng bị đơn (Nguyễn Văn Thìn) quá rõ ràng như vậy, nhưng HĐXX TAND TP Lào Cai vẫn cho rằng, giấy nhượng đất - hoa màu ngày 5/9/2004 là có căn cứ.

Theo đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của an Hoàng Quý Trí. Công nhận anh Hoàng Quý Trí được quyền sử dụng đất diện tích 70,1 m2 (diện tích đất tranh chấp nói trên).

Bình luận về bản án này, luật sư Lê Minh Công - Trưởng Văn phòng luật sư số 6 nêu quan điểm: “Vụ án khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu thửa đất đã được TAND TP Lào Cai thụ lý và đưa ra xét xử bằng bản án số 17/2017DS-ST ngày 27-9-2017. Như vậy, Tòa án xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu đất đai là trái với các quy định của pháp luật, vi phạm Điều 26 k 9 bộ luật tố tụng dân sự 2015, vi phạm điều 203, điều 100 luật đất Đai 2014”.

Còn dư luận cho rằng, đây là vụ án “tiền hậu bất nhất”. Đầu bản án ghi nguyên đơn là anh Hoàng Trí Quý, thế nhưng phần cuối bản án lại giao đất cho anh Hoàng Quý Trí (không phải nguyên đơn). Đầu bản án ghi “về việc tranh chấp quyền sở hữu” cuối bản án sơ thẩm mục 1 trang 13 tuyên “công nhận anh Hoàng Quý Trí được quyền sử dụng diện tích đất 70,1m2” trong khi đầu bản án nguyên đơn lại là anh Hoàng Trí Quý.

Hơn nữa, tờ giấy nhượng đất - hoa màu viết tay nói trên khi nguyên đơn đưa ra tòa để khởi kiện, thì bên bán (bà In) không thừa nhận chữ ký của mình và chồng, còn chữ ký bên mua cũng không phải là bà Nguyễn Thị Hậu ký mua.

Như vậy, giấy tờ nhượng đất viết tay không phải chữ ký người bán thì lại được TAND TP Lào Cai chấp nhận. Đây là điều không bình thường của bản án sơ thẩm này.

Luật sư Công nêu ý kiến: “Trong giấy nhượng đất viết tay ghi ngày 5-9-2004 có khác với mảnh đất thực tồn tại mà bên ông Trí Quý chỉ để cơ quan tố tụng kiểm tra thực địa...?! Cụ thể: Trong giấy nhượng đất ghi: “Chiều dài từ giáp nhà anh chị Hợi Vân kéo dài tới mốc 53”. Nhưng thực tế khi hội đồng thẩm định đến thực địa, thì mảnh đất anh Quý chỉ có chiều ngắn gần nhất cách nhà anh chị Hợi Vân 7,8 mét và chưa bao giờ tiếp giáp nhau???”

“Liệu mảnh đất anh Quý chỉ để tranh chấp có phải là mảnh đất ghi trong giấy viết tay chuyển nhượng ngày 5/9/2004 mà nguyên đơn đưa ra khởi kiện?" - Luật sư Lê Minh Công đặt câu hỏi.

Từ các căn cứ có trong hồ sơ vụ án và nhiều khuất tất nói trên, đề nghị các cơ quan chức năng, TAND Tối cao, TAND tỉnh Lào Cai, VKSND tỉnh Lào Cai cần xem xét thấu đáo, tránh để vụ án kéo dài và đưa lên nhiều cấp xem xét giải quyết.

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/hy-huu-vu-an-toa-thu-ly-va-xet-xu-vu-an-doi-so-huu-dat-dai-p48212.html