Hy hữu nam thanh niên bị cọc tre đâm xuyên từ cổ lên mũi

Theo thông tin từ các bác sĩ Khoa cấp cứu B7, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, khoa này vừa tiếp nhận và cấp cứu cho một nam bệnh nhân bị cọc tre đâm xuyên từ cổ lên mũi cực kỳ nghiêm trọng.

Bệnh nhân tên Nguyễn Văn M. (27 tuổi, ở Nam Định), nhập viện đêm ngày 5/8. Theo lời người nhà bệnh nhân, trong quá trình trèo lên thang để thay bóng đèn tại nhà, thang đổ nên bệnh nhân bị ngã. Khi ngã từ trên độ cao khoảng 3m xuống đất không may bệnh nhân bị cọc treo màn bằng tre nhọn đâm xuyên từ cổ qua hàm lên mũi. Ngay lập tức bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Bệnh nhân hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

“Hai ngày sau cấp cứu, bác sĩ cho biết con tôi đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, cháu chưa nói được chỉ ra hiệu bằng tay và việc ăn uống cũng rất khó khăn do không ăn được bằng miệng”, mẹ bệnh nhân chia sẻ.

Trao đổi về ca bệnh hy hữu này, Ths.BS Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa cấp cứu B7, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: Trường hợp bệnh nhân M. là một tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng. Bệnh nhân bị cọc tre đâm xuyên từ giữa cổ lên họng, qua đáy lưỡi, qua khẩu cái cứng và xuyên vào hốc mũi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rách đáy lưỡi, chảy máu trong họng, khó thở vì vết đâm gây phù nề toàn bộ trong họng. May mắn, vết thương do cọc tre đâm chính giữa cổ, nếu đâm lệch sang hai bên vùng động mạch cảnh thì nguy cơ bệnh nhân sẽ tử vong ngay tại chỗ do mất máu ồ ạt.

Trước tình trạng nguy kịch trên, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngay trong đêm cho bệnh nhân. “Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi đã khâu lại niêm mạc hạ họng, lưỡi, khâu phục hồi vết thương vùng cổ đồng thời cũng mở khí quản để đảm bảo đường thở cho bệnh nhân. Đảm bảo mạch máu bị tổn thương của bệnh nhân phải thắt được” bác sĩ Thắng cho biết.

Hiện tại, sau ca phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên diện niêm mạc lưỡi có bị chảy máu tái phát hay không thì hiện các bác sĩ vẫn đang phải theo dõi và bệnh nhân hiện không ăn được bằng miệng mà phải đặt xông dạ dày để bơm thức ăn trực tiếp vào trong dạ dày. Nếu trong trường hợp bệnh nhân tiếp tục bị chảy máu các bác sĩ có thể sẽ phải mở lại vết mổ để đánh giá lại tổn thương do niêm mạc hạ họng bị tổn thương rộng, mất chất. Khi đó bệnh nhân sẽ phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Sau khoảng 5 – 7 ngày, nếu vết thương của bệnh nhân ổn định các bác sĩ sẽ rút ống nội khí quản sớm, để cho bệnh nhân thở lại bình thường theo đường tự nhiên.

Theo bác sĩ Thắng chia sẻ: Với trường hợp bệnh nhân M. đã được người nhà rút cọc tre ra trước khi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, việc rút dị vật ra khỏi vết thương của bệnh nhân như vậy là rất nguy hiểm. Bởi vết thương của bệnh nhân có thể chảy máu cấp tính ồ ạt, dẫn đến tử vong trước khi tới bệnh viện.

Cũng theo bác sĩ Thắng thông tin, cách đây khoảng hơn 1 năm, Bệnh viện có tiếp nhân một cháu bé 5 tuổi bị ngã vào cọc tre ở hàng rào. Và mảnh ở cây tre đó đâm đúng vào phần động mạch cảnh ở cổ đi vào trong nền sọ. Khi đến bệnh viện cấp cứu, người nhà cũng rút cọc tre ra trước. Nhưng không may trong quá trình rút, để lại dị vật nên trong khi nhập viện bệnh nhi bị chảy nhiều máu. Phải mất rất nhiều thời gian, các bác sĩ mới tìm ra nguyên nhân và phẫu thuật để loại bỏ được dị vật cho cháu bé.

Bởi vậy, bác sĩ Thắng khuyến cáo, đối với những trường hợp không may bị dị vật đâm vào cơ thể, gia đình không nên tự xử lý tại nhà. Ngay lập tức nên chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và cấp cứu kịp thời. Bởi tại các cơ sở y tế, bác sĩ mới chẩn đoán được vết thương có bị tổn thương vào các mạch máu lớn hay không. Từ đó có những phương án điều trị thích hợp. Tuyệt đối không nên tự ý rút dị vật từ vết thương, sẽ gây nguy cơ khiến vết thương của bệnh nhân chảy máu không ngừng cực kỳ nguy hiểm.

Bài và ảnh: Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hy-huu-nam-thanh-nien-bi-coc-tre-dam-xuyen-tu-co-len-mui-78043.html