Hy hữu bố kiện con để đòi đất đã bán

Đất thuộc quyền quản lý của người bố nhưng chính quyền và doanh nghiệp lại chuyển nhượng, bồi thường cho người con dẫn đến khiếu kiện.

Ông Vi Văn Sláy và người thân bên diện tích đất bị doanh nghiệp dựng hàng rào, cắm biển thi công, cấm vào

Ông Vi Văn Sláy và người thân bên diện tích đất bị doanh nghiệp dựng hàng rào, cắm biển thi công, cấm vào

Chuyện lạ trên đang xảy ra tại thôn biên giới Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Bỗng dưng mất đất

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vi Văn Sláy (SN 1954, trú tại thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, đầu năm nay, ông bất ngờ phát hiện khu đất rộng khoảng 750m2 của gia đình trên đường dẫn từ QL1A vào Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị bị một số người quây kín bằng tôn, cắm biển báo khu vực đang thi công, cấm vào.

Vội chạy tới hỏi, ông tá hỏa khi biết mảnh đất này đã được con trai thứ hai của ông là Vi Văn Tâm chuyển nhượng cho Tổng công ty Xăng dầu quân đội (địa chỉ tại Hà Nội) thực hiện dự án xây dựng trạm cấp phát xăng dầu trên địa bàn với giá hơn 884 triệu đồng.

Nhiều đời nay, gia đình ông Sláy đã sinh sống tại khu vực này. Quả đồi phía sau mảnh đất còn có ngôi mộ của gia đình từ hơn 200 năm trước. Năm 1992, gia đình ông đã khai hoang thêm diện tích đất nói trên để canh tác, dựng nhà ở.

“Từ đó đến nay, tôi vẫn quản lý, sử dụng, nộp đủ các loại thuế, phí. Do mảnh đất nằm trong khu quy hoạch xây dựng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị nên gia đình tôi và các hộ khác trong khu vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Sláy khẳng định.

Cũng theo ông Sláy, năm 1999, ông đã san nền, đắp kè đá chống sạt lở để xây dựng ngôi nhà cho anh Tâm ra ở riêng trong mảnh đất này. Đến năm 2014, anh Tâm đã chuyển đi nơi khác, ngôi nhà cho người phụ nữ từ Hà Nội lên thuê bán hàng. “Tôi cho Tâm ở ngôi nhà trên nhưng chưa bao giờ nói cho Tâm toàn bộ khu đất, bởi ngoài Tâm, tôi còn có 4 người con khác”, ông Sláy nói.

Theo ông Sláy, vài năm trước, Nhà nước thu hồi một phần mảnh đất để xây dựng đường nối từ QL1A vào Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, xây dựng nhà công vụ cho các cơ quan tại cửa khẩu. Lúc đó, chính quyền địa phương đã lập phương án bồi thường, cấp đất tái định cư cho Tâm và không ai hỏi han gì đến ông, dù ông là chủ đất.

“Khi tôi biết chuyện, tôi cũng coi như chỗ đất đã bồi thường ấy là cho Tâm để con lấy vốn làm ăn nên không kiến nghị gì. Nay các bên được đà lấn tới, chuyển nhượng, rào hết mảnh đất thì không thể chấp nhận được”, ông Sláy bức xúc.

Chính quyền chậm giải quyết

Ông Vi Văn Sláy khẳng định, do Tâm không biết chữ, không có trình độ văn hóa, lại dễ tin người nên đã bị một số người lợi dụng, dụ dỗ ký giấy chuyển nhượng đất.

Trao đổi với PV, anh Vi Văn Tâm xác nhận: “Đúng là diện tích đất trên là của bố tôi, bố tôi cũng chưa nói là cho tôi. Khi thấy cán bộ UBND thị trấn Đồng Đăng, UBND huyện và Tổng công ty Xăng dầu quân đội mời lên UBND thị trấn làm việc, bảo khu đất này nằm trong dự án xây dựng trạm cấp phát xăng dầu của quân đội.

Họ đưa giấy tờ thì tôi ký, tôi có biết đọc đâu, xong họ đưa cho tôi tiền. Giờ tiền tôi đã tiêu hết, bố tôi thì đòi lại đất, tôi chẳng biết phải làm thế nào”.

Được biết, sau khi Tổng công ty Xăng dầu quân đội nhận chuyển nhượng diện tích đất trên, UBND huyện Cao Lộc đã đề nghị Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn trình UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê đất để xây dựng trạm cấp phát xăng dầu.

Trao đổi với PV, các bà Lục Kim Hòa, cán bộ công chức địa chính - xây dựng; Hoàng Thị Minh Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc khẳng định: Việc chuyển nhượng đất giữa Tổng công ty Xăng dầu quân đội và ông Vi Văn Tâm là đúng luật vì ông Tâm đã nhiều lần được Nhà nước đền bù khi thu hồi đất tại khu vực này.

Hơn nữa, dù chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên bản đồ quản lý của UBND thị trấn, diện tích đất này đứng tên ông Vi Văn Tâm. Do vậy, UBND thị trấn đã đứng ra vận động, làm cầu nối giúp doanh nghiệp và người dân chuyển nhượng đất.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc thì Dự án xây dựng trạm cấp phát xăng dầu của Tổng công ty Xăng dầu quân đội đã được quy hoạch, triển khai từ hơn 2 năm nay.

Đây không thuộc dự án nằm trong danh mục dự án thu hồi đất phục vụ nhu cầu bảo đảm ANTT, ANQP và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nên doanh nghiệp phải tự thỏa thuận, chuyển nhượng đất với người dân.

“Trường hợp ông Vi Văn Tâm, do không có giấy tờ pháp lý về thửa đất nên không thể thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng. Chúng tôi đã hướng dẫn ông Tâm làm đơn xin trả lại đất cho Nhà nước.

Đến nay, diện tích này đã được UBND huyện Cao Lộc ban hành quyết định thu hồi đất. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp thửa đất trên thuộc thẩm quyền của TAND huyện Cao Lộc”, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc nói.

Bức xúc trước cách làm chưa thấu tình đạt lý trên của con trai, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, ông Vi Văn Sláy đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND thị trấn Đồng Đăng tổ chức hòa giải tranh chấp với con trai mình, hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra tòa nhưng đều bị UBND thị trấn Đồng Đăng trả lại đơn, từ chối giải quyết với các lý do “kiện” nhầm tên thửa đất, viết đơn chưa đúng mẫu quy định, chưa nêu rõ tên chủ sở hữu đất hiện tại... khiến vụ việc trở nên phức tạp, kéo dài.

PV đã nhiều lần liên hệ với Tổng công ty Xăng dầu quân đội và người được UBND huyện Cao Lộc giới thiệu tên Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật - là đại diện của doanh nghiệp này thường xuyên kết nối, về địa phương liên hệ, phối hợp triển khai dự án nhưng không được phối hợp, cung cấp thông tin.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất chỉ được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức khác khi có GCNQSDĐ hoặc nhận thừa kế, đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...

Như vậy, anh Vi Văn Tâm phải chứng minh mình đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất do được thừa kế, được cho, tặng thì mới có quyền chuyển nhượng cho doanh nghiệp và Nhà nước. Do vậy, việc chuyển nhượng trên là không đúng quy định.

Luật Đất đai năm 2013 cũng nêu rõ: Nhà nước được quyết định thu hồi đất trong trường hợp người dân tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng... Tuy nhiên, anh Tâm không phải là chủ sử dụng hợp pháp của thửa đất nên UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi là trái luật.

Do vậy, ông Vi Văn Sláy có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định trên để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Hồng Nguyên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hy-huu-bo-kien-con-de-doi-dat-da-ban-d464054.html