Hy hữu bé gái bị tim bẩm sinh được cứu sống

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, việc bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh vừa được cứu sống tại bệnh viện như một phép nhiệm màu kỳ diệu.

Ngày 13/10, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật ECMO (máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thẻ) để cứu sống bé Võ Nguyễn K.Th. (3 tuổi, ở Long Khánh, Đồng Nai) bị bệnh tiêm bẩm sinh với tật "tứ chứng Fallot" nghiêm trọng.

Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1, Tứ chứng Fallot bao gồm 4 đặc điểm: một lỗ thông liên thất lớn, hẹp đường ra thất phải và van động mạch phổi, phì đại tâm thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa...

Người nhà cho biết, khoảng 6-7 tháng nay, bé tím môi, mệt khi khóc hoặc khi vận động nhiều. Bé được khám và phát hiện bệnh tim bẩm sinh tím: Tứ chứng Fallot tại bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 24 tháng tuổi. Bé được theo dõi và tái khám định kỳ tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Gần đây bé lên cơn tím nhiều nên bác sĩ quyết định cho bé nhập viện để phẩu thuật tim.

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành mổ cho bé Th.

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành mổ cho bé Th.

Bé được phẩu thuật sửa chữa triệt để bệnh tim bẩm sinh Tứ chứng Fallot vào ngày 22/9/2020. Cuộc phẩu thuật khá khó khăn với thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể 193 phút, kẹp động mạch chủ 134 phút nhưng đã thành công trong việc sửa chữa các tật tim của bé.

Sau khi phẫu thuật, bé được chuyển vào phòng Hồi sức tim của khoa Hồi sức Ngoại để theo dõi sát. Tình trạng phù phổi cấp nặng dần sau phẩu thuật dù bé được điều trị tích cực dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận.

Sau mổ 2 ngày, bé được mở xương ức để hồi sức tích cực nhưng tình trạng không cải thiện, bé suy hô hấp nặng dần và ngưng tim.

Các bác sĩ Hồi sức đã tiến hành cấp cứu ngưng thở ngưng tim đồng thời tiến hành một cuộc hội chẩn khẩn cấp giữa lãnh đạo bệnh viện, phẩu thuật viên, bác sĩ Hồi sức Ngoại và Hồi sức tích cực.

Để có hy vọng cứu bé, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO, kỹ thuật trao đổi oxy qua màng với tuần hoàn ngoài cơ thể hay còn gọi là kỹ thuật tim phổi nhân tạo.

Ngay lập tức, bác sĩ phẩu thuật tiến hành đặt ống thông mạch máu vào tim phải và động mạch chủ của bệnh nhi dưới sự hỗ trợ của bác sĩ gây mê. Đồng thời các bác sĩ Hồi sức vận hành hệ thống ECMO để chuẩn bị sẵn sàng.

Sau khoảng 30 phút, tim của bệnh nhi đã được hệ thống ECMO hỗ trợ. Bệnh nhi từ trạng thái suy hô hấp nặng, tím tái, trụy tim mạch đã dần phục hồi. Bé hồng hào trở lại, tình trạng huyết động học ổn định.

Các bác sĩ bệnh viện chia sẻ về quá trình cứu sống bệnh nhi Th.

Trong suốt 1 tuần chạy ECMO, tình trạng bé đã cải thiện, chức năng co bóp tim và hô hấp phục hồi tốt. Bé được cai ECMO vào ngày 2/10/2020.

Sau đó 3 ngày bé được phâũu thuật đóng xương ức và cai máy thở. Hiện tại tình trạng bé tạm ổn định, được thở oxy và theo dõi tại khoa Tim mạch.

Bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu - Phó khoa Hồi sức Ngoại, bệnh viện Nhi đồng 1 xúc động cho biết, quá trình cứu chữa cho bé Th thành công là cả một sự cố gắng, nỗ lực liên tục, không biết mệt mỏi của cả một ê kíp từ bác sĩ đến nhân viên chăm sóc... Bác sĩ Châu cho rằng, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện quá trễ nên từ khi bé nhập viện, các biến chứng liên tục xảy ra, các tuần hoàn máu, hô hấp của bé đều nặng khiến cuộc mổ kéo dài và nhiều khó khăn hơn.

“Sau phẫu thuật, áp lực động mạch phổi của bé tăng quá cao, huyết áp thấp, phù phổi cấp, tổn thương thận, … chúng tôi phải hồi sức tích cực, theo dõi sát, hỗ trợ tuần hoàn, cho bé thở máy. Cứ 30 phút điều dưỡng hút đàm một lần, tiêm thuốc vận mạch cho bé nhưng tình trạng vẫn xấu đi từng giờ. Bé trụy tim, tím tái, tiên lượng sống 10%”, bác sĩ Châu cho biết.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Bích H. 40 tuổi, mẹ bé Th xúc động cho biết: “Gia đình chúng tôi rất hạnh phúc khi biết tin con mình được cứu sống. Chúng tôi không biết cảm ơn sao hết tấm lòng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên đã cứu sống con tôi”.

Cũng theo chị H., bé Th là con gái thứ 2 của chị. Trước đó, chị ý thức được rằng sức khỏe thai kỳ yếu nên thường xuyên thăm khám thai nhi tại một phòng khám thai tư có uy tín. Thế nhưng, suốt thai kỳ, chị không biết con mình bị tim bẩm sinh. Điều đáng nói, sau khi sinh xong, bé ăn uống và ngủ nghỉ rất tốt. Gia đình không hề biết bé bị bệnh tim.

“Cho đến lúc con được 1 tuổi, gia đình phát hiện con có biểu hiện khó thở, nghi là bệnh tim. Nhưng nghĩ con còn quá nhỏ, nếu can thiệp y khoa gì thì tội con nên gia đình nấn ná không cho con đi bệnh viện. Và, gia đình cho rằng, bé ăn uống ngủ nghỉ vui chơi bình thường thì không có gì phải lo lắng nhiều, nên chủ quan. Cho đến lúc 24 tháng, đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng 1 thì được biết bé bệnh tim bẩm sinh nặng, phải theo dõi và chờ lịch mổ”, chị H chia sẻ.

Các bác sĩ khẳng định, việc bé được cứu sống là một điều hy hữu, ngoài sự nỗ lực cố gắng hết mình của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, sự kiên cường của bé gái, còn nhờ một sự may mắn, một phép nhiệm mầu kỳ diệu...

Nguyễn Thị Lành

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hy-huu-be-gai-bi-tim-bam-sinh-duoc-cuu-song-a492870.html