HVG của 'vua cá tra' Hùng Vương bị hủy niêm yết bắt buộc

Theo HoSE, nguyên nhân bởi HVG đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE, hoặc Ủy ban chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 29/7 đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương, quyết định có hiệu lực vào ngày 5/8 tới đây.

HoSE cho biết, nguyên nhân bởi HVG đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE, hoặc Ủy ban chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

 HVG bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 5/8

HVG bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 5/8

Như chúng tôi đã đưa tin, vào tháng 5 vừa qua, HoSE cũng đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu của CTCP Hùng Vương vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 15/5.

Nguyên nhân là do Hùng Vương tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Trước đó, vào ngày 21/4, HoSE đã có công văn nhắc nhở HVG về việc chậm công bố BCTC Riêng và Hợp nhất quý I/2020. Để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, HoSE đã nhắc lần thứ 2 và đề nghị công ty khẩn trương công bố thông tin.

Đến ngày 18/5, HoSE tiếp tục có công văn nhắc nhở lần 3 về việc HVG chậm công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất quý I/2020.

Trong công văn giải trình sau đó, HVG cho biết, việc chậm nộp các báo cáo tài chính do số lượng nhân sự kế toán và thống kê của Công ty đang thiếu hụt do một số đã nghỉ hoặc chuyển công tác qua các công ty mới trong thời gian cách ly xã hội từ tháng 4/2020, cùng một số nguyên nhân khác nên làm gián đoạn việc cung cấp số liệu cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính.

Ngoài ra, cổ phiếu HVG tiếp tục thuộc diện bị kiểm soát kể từ ngày 19/1/2018 do lãi sau thuế của cổ đông Công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và 2017 là số âm.

Cổ phiếu HVG chào sàn HoSE cách đây hơn 10 năm vào ngày 25/11/2009, và có giá đóng cửa phiên đầu tiên lên tới 57.500 đồng, khi đó HVG niêm yết xấp xỉ 60 triệu cổ phiếu.

Tới nay, số lượng cổ phiếu HVG niêm yết đã lên đến hơn 227 triệu cổ phiếu, nhưng giá cổ phiếu lại chỉ còn 5.400 đồng.

"Vua cá tra" gần đây cũng đã có nhiều biến động, với sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) với tỷ lệ nắm giữ tại HVG đã được nâng lên 35,01%.

Cụ thể, Thaco nắm 26,26% cổ phần tại HVG, Sản xuất và Thương mại Trân Oanh - một doanh nghiệp của gia đình ông Trần Bá Dương nắm 3,79% vốn của HVG và ông Trần Bá Dương nắm giữ 4,96% vốn.

Cơ cấu cổ đông HVG thời điểm hiện tại (Nguồn: HVG)

Mặc dù kinh doanh bết bát, nhưng vào giữ tháng 5/2020, Thủy sản Hùng Vương đã qua việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn chăn nuôi Việt Đan với vốn điều lệ là 556 tỷ đồng. Trong đó HVG góp 25% vốn và Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (THADI) sẽ góp75% vốn còn lại. Công ty dự đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh (Long An).

Hoàng Nhi

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/hvg-cua-vua-ca-tra-hung-vuong-bi-huy-niem-yet-bat-buoc-297135.htm