Huynh đệ tương tàn, vì đâu?

Khi Nguyễn Văn Đông hạ xuống những nhát chém oan nghiệt giết gần hết gia đình em trai mình, đường dao như vẽ lên một dấu hỏi lớn về nhân tình thế thái trong đời sống hiện nay.

Vụ thảm án Đan Phượng nối dài thêm danh sách những vụ "huynh đệ tương tàn" chỉ vì tranh chấp tài sản. Nguồn cơn nào dẫn dắt những người đi ra từ một bào thai, lại hành xử khát máu với nhau đến vậy?

Phải chăng "thủ phạm" giấu mặt chính là sự lệch lạc về nhân cách của con người trong đà suy thoái của văn hóa, đạo đức xã hội, vì thiếu kỹ năng trong giải quyết tranh chấp, hay còn vì sự thờ ơ, không làm hết trách nhiệm của các thiết chế xã hội tại cơ sở?

Nhận diện nguyên nhân

Cổ nhân có câu "Ái tình - điền thổ, vạn cổ chi thù" - (tình ái và đất đai, từ xưa đã là nguồn cơn của thù hận), có lẽ càng đúng hơn trong đời sống hiện nay. Những vụ đâm chém nội tộc xảy ra gần đây liên quan đến tranh chấp đất đai, tài sản thừa kế đã gióng lên hồi chuông báo động về sự sa sút của nền tảng đạo đức xã hội. Bạo lực gia đình, phản ánh bạo lực xã hội đang diễn biến một cách đáng sợ, bởi gia đình là tế bào cấu thành nên xã hội.

Vụ thảm án Đan Phượng đã trôi qua hơn 1 tuần, nhưng khi chúng tôi trở lại thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, một không khí u ám, trĩu nặng vẫn bao trùm miền quê thuần nông này. Người dân chưa hết bàng hoàng bởi tội ác man rợ mà Nguyễn Văn Đông gây ra với gia đình em trai mình, đã vượt qua mọi sự tưởng tượng của nhiều người. Chỉ vì tranh cãi về 0,5 mét đất ranh giới giữa 2 nhà, trong cơn cuồng nộ Đông đã nhẫn tâm lấy đi tính mạng của những người ruột thịt, trong đó có cháu bé mới đầy 1 tuổi.

Trước thảm án ở Đan Phượng, cộng đồng đã nhiều phen bàng hoàng, rúng động trước những vụ huyết chiến giữa những người có cùng quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân. Danh sách những vụ "nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn" vì tài sản thừa kế như nhà cửa, đất đai, có thể chưa dừng lại, trong bối cảnh tấc đất tấc vàng và truyền thống đạo lý phai nhạt, suy thoái.

Đối tượng Nguyễn Văn Đông, thủ phạm vụ án giết người tại Đan Phượng, Hà Nội ngày 1-9-2019.

Đối tượng Nguyễn Văn Đông, thủ phạm vụ án giết người tại Đan Phượng, Hà Nội ngày 1-9-2019.

Nhận xét tình hình trọng án giết người thân liên quan đến tranh chấp tài sản thời gian gần đây, Thiếu tá Lê Minh Hải (Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội) nói: "Cùng với xu hướng gia tăng của bạo lực cộng đồng, những vụ giết hại người thân do tranh chấp tài sản trong gia đình đang diễn biến phức tạp trong những năm gần đây.

Dưới tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm, đề cao giá trị đồng tiền, chạy theo vật chất, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân… đã trở thành một xu hướng ứng xử trong xã hội. Điều này tác động lên quá trình hình thành nhân cách con người.

Có thể thấy những vụ tranh chấp tài sản trong gia đình dẫn đến án mạng chủ yếu do sự ích kỷ, lòng tham, tâm lý trọng tiền tài vật chất, coi nhẹ tình cảm gia đình. Chúng tôi cho rằng việc tranh chấp tài sản chỉ là tình huống bất lợi, chứ không phải nguyên nhân của các vụ án mạng giết người thân, mà chính sự xuống cấp về đạo đức mới đích thị là thủ phạm giấu mặt. Bởi vì không phải cuộc tranh chấp tài sản nào cũng dẫn đến bạo lực, án mạng, mà nhiều gia đình giải quyết sự việc trên cơ sở tình cảm, hoặc nhờ pháp luật phân xử.

Tội phạm chỉ xảy ra ở những con người, gia đình có sự suy thoái, lệch lạc nghiêm trọng về đạo đức, văn hóa. Gốc rễ, nguồn cơn của tội phạm bạo lực chính là sự băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc".

Theo ông Hải, ở một cộng đồng xã hội có nền tảng đạo đức tốt, thì tự nó có sức mạnh ràng buộc các thành viên phải tuân theo các chuẩn mực của đời sống chung. Khi một người có hành vi lệch chuẩn, lập tức gặp phải sự lên án, tẩy chay của cộng đồng, buộc họ phải điều chỉnh hành vi của mình theo số đông. Còn ở một xã hội mà nền tảng đạo đức, tinh thần bị suy thoái, băng hoại, các chuẩn mực không được người dân tôn trọng và tự giác chấp hành, thì cái ác sẽ nảy sinh như một tất yếu.

Nhìn nhận ở một lăng kính khác, Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: "Trong gia đình Việt Nam, tình trạng xử lý việc nhà, phân chia nghĩa vụ, quyền lợi không công bằng, hành xử theo cảm tính, theo phong tục hay hủ tục, không tuân thủ pháp luật… khá phổ biến.

Chẳng hạn tư tưởng trọng nam khinh nữ, chỉ cho con trai thừa kế tài sản hay cho con trai phần hơn, không lập di chúc phân chia tài sản thừa kế sau khi qua đời, chia tài sản không công bằng giữa các con, không rõ ràng, rạch ròi trong việc phân chia, thừa kế, tặng cho tài sản... Đó là nguồn cơn làm phát sinh, tích tụ những mâu thuẫn trong gia đình, là căn nguyên sâu xa của những tranh chấp có thể phát triển thành bạo lực.

Trong thời buổi hiện nay, bất động sản có giá, hiện tượng tranh chấp tài sản, đất đai do thừa kế sẽ ngày càng gia tăng. Nếu không có những giải pháp tháo ngòi nổ xung đột, thì rất dễ dẫn đến những diễn biến phức tạp trong các cuộc tranh chấp".

Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp), nguồn cơn dẫn đến những vụ án mạng đau lòng bắt nguồn từ những tranh chấp về tài sản trong gia đình, đến từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi phát sinh mâu thuẫn tranh chấp.

Đối tượng Phùng Huệ Nhơn, kẻ giết hại anh ruột Phùng Huệ M. ngày 4-1-2016 tại phường 13, quận 11, TP Hồ Chí Minh.

Lẽ ra, người dân có quyền báo cáo sự việc lên chính quyền, hoặc sử dụng công cụ pháp lý là tòa án để phân xử, bảo đảm quyền lợi của mình. Tuy nhiên, nhiều người không biết phải kiện tụng như thế nào, thủ tục ra sao, ai sẽ có thẩm quyền giải quyết… dẫn đến việc "tự xử" một cách manh động.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng truy trách nhiệm của cán bộ, cơ quan, tổ chức tại địa phương trong việc tổ chức hòa giải, giải quyết tranh chấp.

Ông nói: "Có thể thấy đằng sau mỗi vụ án mạng xảy ra trong gia đình do tranh chấp tài sản, có sự thiếu trách nhiệm của các thiết chế xã hội tại cơ sở. Đáng lẽ ra, khi phát hiện được những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn căng thẳng ở địa phương thì chính quyền địa phương, đơn vị hòa giải cơ sở phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, tổ chức hòa giải theo quy định.

Hiện trường vụ Nguyễn Văn Mạc (SN 1968) giết hại 2 người em vợ cũ, xảy ra ngày 28-4-2019 tại xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trong trường hợp hòa giải không thành, không có kết quả thì phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có những giải pháp phòng ngừa, đồng thời hướng dẫn các đương sự thủ tục khởi kiện đến tòa án để được giải quyết kịp thời, nhanh chóng theo thẩm quyền, thủ tục luật định. Tuy nhiên, nhiều cán bộ cấp cơ sở do trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế, ngại va chạm, thậm chí vô cảm, thờ ơ, tắc trách dẫn đến việc người dân không biết phải đi đâu, làm gì khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.

Việc giải quyết không kịp thời, không triệt để, không khách quan, không công bằng… sẽ không giải quyết được tranh chấp mà chỉ làm cho mâu thuẫn, tranh chấp đó đi đến đỉnh điểm, khi đó xung đột dẫn đến án mạng có thể xảy ra.

Trên thực tế đã có những vụ án mạng do bế tắc trong hướng giải quyết tranh chấp dân sự, trong đó không ít những vụ việc xuất phát từ lỗi của cán bộ có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự đó. Sự thiếu trách nhiệm của họ chính là nguyên nhân sâu xa, gián tiếp thúc đẩy tranh chấp lên đến đỉnh điểm...".

Tháo ngòi nổ xung đột

Bàn về các giải pháp phòng ngừa trọng án xảy ra trong gia đình liên quan đến tranh chấp về tài sản, đất đai, Thiếu tá Hải nói: Trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống; lên án mạnh mẽ những người có nhân cách lệch lạc, hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… để mỗi người dân nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn.

Khi phát hiện có mâu thuẫn tranh chấp, xô xát, bạo lực trong sinh hoạt, đất đai, kinh tế…trong các gia đình, các thiết chế chính trị xã hội ở cơ sở, như các ban hòa giải, tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… cần tổ chức ngay việc hòa giải, tư vấn cho người dân cách giải quyết đúng pháp luật, không để mâu thuẫn phát sinh, kéo dài.

Lực lượng Công an cơ sở cần bám sát tình hình dân cư, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể… thông qua việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới" phát hiện và giải quyết triệt để, kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, trong từng gia đình.”

Vẫn theo Thiếu tá Hải, đối với các vụ án giết người thân xảy ra trên địa bàn, cần khám phá nhanh, đưa ra xử án điểm, lưu động, thông qua đó tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Các cán bộ, cơ quan tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, giải quyết một cách thấu tình, đạt lý, kịp thời, chính xác; hạn chế để tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Ngành Tư pháp phải thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải, các trung tâm trợ giúp pháp lý để tư vấn, hỗ trợ, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân.

Đồng thời, từng thành viên trong xã hội cần xây dựng cho mình lối sống trong sáng, lành mạnh, ứng xử có văn hóa; trường hợp có tranh chấp xảy ra thì nhờ đến cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp, giúp đỡ, không nên dùng bạo lực để tự giải quyết. Nếu bản thân bị người khác đe dọa giết hại thì kịp thời báo cho cơ quan Công an hoặc các cơ quan, tổ chức khác để được giúp đỡ, bảo vệ…

Một vụ tranh chấp đất tại tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra án mạng.

Theo Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn luật sư Hà Nội), lý do chủ yếu phát sinh tranh chấp tài sản trong gia đình, đó là do anh chị em không thống nhất được việc phân chia di sản bố mẹ để lại sau khi chết. Do đó, việc xác lập di chúc phân chia di sản thừa kế cho người thân trước khi chết là việc làm rất cần thiết để hạn chế, phòng ngừa rất nhiều các tranh chấp có thể xảy ra.

Ông nói: "Tranh chấp đất đai là tranh chấp thường xuyên phát sinh, có giá trị lớn và để lại nhiều hệ lụy cho mỗi bên tham gia tranh chấp. Do ảnh hưởng từ vị trí đất, nguồn gốc đất mà các bên tham gia tranh chấp thường là anh chị em trong gia đình. Để giải quyết tranh chấp, nhiều trường hợp các bên bất chấp pháp luật dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo tôi, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra người dân nên bình tĩnh, sáng suốt, tiến hành tự hòa giải, thương lượng để hai bên tìm được tiếng nói chung, vừa đảm bảo quyền lợi lại không mất đi tình cảm gia đình.

Nếu việc hòa giải không thành thì người dân có thể gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Giải quyết tranh chấp đất đai rất phức tạp, nên người dân cần tìm đến luật sư, chuyên viên pháp lý để được tư vấn, từ đó có phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của mình".

Đào Trung Hiếu

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/huynh-de-tuong-tan-vi-dau-561267/