Huyết thanh kháng nọc rắn được sản xuất thế nào?

Huyết thanh được xem là liều thuốc hồi sinh cho các bệnh nhân nguy kịch do rắn độc cắn. Tuy nhiên, số lượng huyết thanh được sản xuất còn hạn chế.

Một số loài rắn chứa nọc độc như hổ chúa, lục đuôi đỏ, cạp nong, cạp nia..., có thể gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Lúc này, huyết thanh kháng nọc rắn sẽ giúp trung hòa lượng nọc độc cố định trong cơ thể. Tuy nhiên, việc chỉ định cần được cân nhắc kỹ lưỡng do huyết thanh tương đối đắt tiền và thường được sản xuất, cung cấp với số lượng giới hạn.

Huyết thanh kháng nọc rắn là gì?

Theo tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), huyết thanh kháng nọc rắn là thuốc điều trị đặc hiệu hiệu quả hoặc thuốc giải nọc rắn độc.

Huyết thanh kháng nọc rắn chứa các globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu một loại nọc rắn lấy được từ huyết thanh gia súc khỏe mạnh (ngựa, cừu, la, lừa) đã được miễn dịch với nọc rắn.

Bằng cách cho gia súc tiếp xúc và nhiễm độc bởi một loại nọc rắn đơn thuần, lúc này, chúng ta thu được huyết thanh đơn giá (đơn đặc hiệu) trung hòa nọc độc của một loài rắn.

Khi gia súc được gây miễn dịch với nhiều loại nọc rắn độc, chúng ta thu được huyết thanh kháng nọc đa giá (đa đặc hiệu). Huyết thanh này có khả năng trung hòa được nọc độc của nhiều loài rắn khác nhau.

 Sau khi lấy nọc rắn, người ta sẽ cho gia súc tiếp xúc và nhiễm độc, từ đó tổng hợp huyết thanh dựa trên huyết tương và kháng thể của gia súc. Ảnh: Nature.

Sau khi lấy nọc rắn, người ta sẽ cho gia súc tiếp xúc và nhiễm độc, từ đó tổng hợp huyết thanh dựa trên huyết tương và kháng thể của gia súc. Ảnh: Nature.

Tại Việt Nam, huyết thanh kháng nọc rắn có trong "Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh" của Bộ Y tế ban hành năm 2005.

Huyết thanh kháng nọc rắn ở dạng lỏng được đựng trong lọ thủy tinh, bảo quản ở 2-8 độ C không cần cấp đông. Huyết thanh kháng nọc rắn đông khô được cất giữ lâu hơn nhưng đắt tiền hơn và phải được hòa tan trở lại trước khi dùng.

Huyết thanh kháng nọc rắn đa giá được sử dụng để điều trị những hội chứng nhiễm độc do rắn độc cắn trong tình huống chưa xác định chắc chắn loại rắn. Huyết thanh kháng nọc rắn đơn đặc hiệu được sử dụng khi xác định được chính xác về loại rắn đã cắn.

Liều thuốc hồi sinh

Theo tiến sĩ Hùng, huyết thanh kháng nọc cần được cho sớm khi có chỉ định. Nó giúp phục hồi bệnh cảnh nhiễm độc toàn thân ngay cả khi tình trạng này đã tồn tại nhiều ngày hay xuất hiện rối loạn đông máu.

Tuy nhiên, huyết thanh kháng nọc rắn có phòng ngừa được hoại tử tại chỗ hay không là vấn đề còn đang bàn cãi, dù vậy, nó vẫn đem lại hiệu quả trong tình huống này. Huyết thanh kháng nọc cần được sử dụng sớm trong vài giờ đầu sau khi bị cắn.

Người đàn ông ở Tây Ninh mang theo rắn hổ mang chúa vào phòng cấp cứu. Người này giữ được mạng sống nhờ được truyền huyết thanh và điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong tình huống bệnh nhân bị rắn độc cắn và xuất hiện triệu chứng nặng, huyết thanh giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn. Các dấu hiệu buồn nôn, đau đầu, đau nhức toàn thân và tại chỗ có thể mất đi nhanh chóng.

Ngoài ra, tình trạng chảy máu, nhiễm độc thần kinh (với rắn hổ cắn) cũng bắt đầu được cải thiện sau khoảng 30 phút truyền huyết thanh. Tuy nhiên, huyết thanh vẫn có thể gây tỷ lệ phản ứng nhỏ (phản vệ, sốt, buồn nôn, đau khớp, đau cơ...).

Rắn độc cắn đưa cùng lượng nọc độc vào cơ thể trẻ em tương tự người lớn. Vì vậy, trẻ em cũng được cho liều lượng huyết thanh kháng nọc như người lớn.

Huyết thanh kháng nọc rắn hiếm và đắt tiền, do đó, bác sĩ chỉ dùng trong bệnh cảnh nặng, đe dọa tính mạng hoặc chi của bệnh nhân. Khi dùng, huyết thanh kháng nọc rắn có thể liên quan phản vệ, bệnh huyết thanh. Phản ứng phản vệ có thể dự phòng và điều trị với adrenalin, kháng histamin và corticosteroids...

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/huyet-thanh-khang-noc-ran-duoc-san-xuat-the-nao-post1202092.html