Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang): Thi công xây dựng thủy điện Yên Sơn lấn chiếm đất, hủy hoại tài sản của người dân?

Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Yên Sơn do Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án, đơn vị thi công đã ngang nhiên cho san lấp vượt phạm vi dự án, lấn chiếm đất rừng sản xuất của người dân, hủy hoại tài sản trên đất. Sự việc kéo dài nhiều năm nhưng đến nay người dân vẫn đi kêu cứu bởi chủ đầu tư không thực hiện đền bù theo quy định của pháp luật.

Thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Yên Sơn trên sông Gâm đã xâm hại tài sản của người dân.

Thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Yên Sơn trên sông Gâm đã xâm hại tài sản của người dân.

Báo Nhà báo và Công luận nhận được đơn thư phản ánh của ông Lương Mạnh Dần (xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) và ông Nguyễn Trung Kiên (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) về việc hơn 2ha đất rừng sản xuất của hai ông đã bị lấn chiếm, hủy hoại nhiều tài sản trên đất. Nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ quá trình thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Yên Sơn nằm trên sông Gâm (thuộc thôn 7, xã Quý Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), đơn vị thi công đã cố tình xâm hại vào phần đất và tài sản của hai ông.

Trong đơn thư, hai ông cho biết, vào năm 2007, hai ông có chung vốn để mua lại một số đất rừng sản xuất của gia đình ông Đặng Tài Nhâm (xóm 7, xã Quý Quân) để trồng rừng và phát triển sản xuất với diện tích là 6,5ha. Trên diện tích 6,5ha có nhà ở, trồng cây keo, gỗ sưa, làm chuồng trại để chăn nuôi... Năm 2012, Dự án Nhà máy thủy điện Yên Sơn được chính thức triển khai và trong 6,5ha do hai ông sở hữu có 4,3ha nằm trong quy hoạch. Chấp thuận chủ trương về việc thực hiện dự án, hai ông đã tuân thủ về việc giải phóng mặt bằng do Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (trụ sở tại xã Thanh Mỹ, TX. Sơn Tây, Hà Nội) tiến hành.

Đơn thư gửi đến báo Nhà báo và Công luận.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng, đơn vị thi công và chủ đầu tư đã không tiến hành xác định rõ mốc giới, chỉ giới được phép xây dựng của dự án và tiến hành san ủi, lấn chiếm, hủy hoại nhiều tài sản trên đất của ông Dần và ông Kiên. Cụ thể: một căn nhà ngói 3 gian diện tích 38m2 bị hủy hoại, 5000 cây keo có đường kính trung bình khoảng 20-30cm, khoảng 1000 cây gỗ sưa và chuồng trại diện tích khoảng 30m2 cũng bị phá bỏ. Tất cả tài sản trên nằm trên diện tích còn lại là 2,2ha không nằm trong diện tích bị quy hoạch làm dự án.

Sau khi tiến hành san ủi khiến hiện trạng đất đai bị thay đổi, toàn bộ tài sản không cánh mà bay, ông Dần và ông Kiên còn bức xúc hơn khi Chủ đầu tư cho xây dựng luôn hàng rào bằng gạch, đá kiên cố lấn chiếm luôn phần đất có diện tích khoảng hơn 2846,4m2. Trước đó, khi biết đơn vị thi công xâm phạm vào phần đất của mình, ông Dần đã trực tiếp báo đến đơn vị thi công nhưng sự việc vẫn xảy ra. Sau đó, ông Dần và ông Kiên đã làm đơn kiến nghị sự việc trên đến cơ quan chức năng mong rằng sẽ được giải quyết một cách thấu đáo.

Bê tông và đất đá bị san ủi trong quá trình thi công thủy điện Yên Sơn trên phần đất của ông Dần và ông Kiên.

Khi bị cơ quan chức năng xác định rõ sai phạm về việc lấn chiếm đất của ông Dần và ông Kiên, Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh đã tiến hành phá bỏ hàng rào đã xây lấn sang phần đất của hai ông. Sau đó đơn vị thi công xây dựng lại hàng rào mới. Tuy nhiên, phần đất của ông Dần và ông Kiên đã bị hủy hoại với đất đá, bê tông không thể sản xuất thì đến nay vẫn chưa được Công ty này khắc phục.

UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Yên Sơn đã có nhiều lần chỉ đạo UBND xã Quý Quân xử lý dứt điểm vụ việc nhưng cho đến nay qua nhiều lần đối thoại sự việc vẫn chưa được giải quyết. Đơn vị thi công xây dựng thủy điện Yên Sơn đã xâm hại đất đai, tài sản của người dân là có thật nhưng Chủ đầu tư lại đưa ra lý do yêu cầu người dân muốn đền bù thì phải chứng minh được tài sản của mình trên đất bằng “hình ảnh”.

Ông Lương Mạnh Dần bức xúc: “Hai anh em chúng tôi gom góp mới mua được mấy héc ta đất rừng để sản xuất mong muốn có thu nhập còn nuôi con cái ăn học. Trên đất ấy người dân quanh đây ai cũng biết chúng tôi có nhà, có trồng keo, trồng gỗ sưa. Công ty Bình Minh thi công xây dựng nhà máy thủy điện chúng tôi ủng hộ nhưng họ hủy hoại tài sản, đất đai của chúng tôi thì không thể chấp nhận được. Họ phá hoại có báo chúng tôi trước hay chúng tôi biết trước đâu mà đi kiểm đếm trước tài sản, chụp ảnh lưu lại bằng chứng. Bây giờ họ bảo muốn đền bù thì phải có bằng chứng chứng minh bằng hình ảnh thì thật quá vô lý...”.

Cây keo xanh tốt còn sót lại sau quá trình thi công lấn chiếm, hủy hoại tài sản trên đất của Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh tiến hành.

Có mặt tại hiện trường, ghi nhận thực tế cho thấy: Hiện trạng phần đất do Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh cho thi công lấn chiếm sang phần đất của hai ông Dần và ông Kiên đã được trả lại. Tuy nhiên, hiện trường là ngổn ngang đất đá, bê tông không thể sản xuất được. Những cây keo còn sót lại từ trong quá trình bị cày xới, san ủi là một phần chứng minh được những gì mà Chủ đầu tư đã xâm hại tài sản của người dân.

Trao đổi với phóng viên ông Đặng Tài Nhâm (người dân thôn 7, xã Quý Quân) cho biết: “Thời điểm thi công xây dựng thủy điện Yên Sơn tôi có biết vì nhà tôi ngay gần đây. Chỗ anh Dần và anh Kiên có diện tích rừng sản xuất có trồng keo, gỗ sưa nhưng bị đơn vị thi công họ san ủi, phá hết. Ở đây còn nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng của thủy điện thi công làm nước ngập trắng diện tích canh tác lúa nhưng cũng chưa được đền bù thiệt hại nữa...”.

Ông Đặng Tài Nhâm - người chứng kiến sự việc trong buổi trao đổi với PV.

Để làm rõ sự việc trên, phóng viên đã tìm đến UBND xã Quý Quân để liên hệ làm việc nhưng tại trụ sở làm việc của xã này mặc dù chưa đến 11h nhưng đã không còn ai ngoài một người trực tại Ban Công an xã. Phóng viên đã liên hệ điện thoại với ông Bàn Văn Bình – Quyền Chủ tịch xã Quý Quân, ông Bình cho biết mình đang bị ốm và không đến cơ quan làm việc. Khi được hỏi về sự việc trên, ông Bình nói: “Việc ông Dần và ông Kiên khiếu nại Công ty Bình Minh có xâm hại đất và hủy hoại tài sản chúng tôi đã lập hồ sơ, có báo cáo đến UBND huyện để hướng dẫn họ ra tòa án vì nhiều lần hòa giải không thành. Việc thi công thủy điện có làm ảnh hưởng đến diện tích đất của anh Dần với anh Kiên theo tôi là khoảng hơn 5000m2...”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc ông Dần và ông Kiên cho biết Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh đã lấn chiếm đất, hủy hoại tài sản là cây keo và gỗ sưa trên diện tích 2,2ha thì vị quyền Chủ tịch xã Quý Quân cho rằng khó xác định bằng mắt thường, đổ lỗi cho việc bản đồ cũ và mới. Câu trả lời của đại diện UBND xã Quý Quân liệu có thuyết phục khi không xác định được đất của ông Dần và ông Kiên mà trước đó vẫn xác định đền bù diện tích đất của hai ông này nằm trong quy hoạch xây dựng thủy điện Yên Sơn là 4,3ha?

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/huyen-yen-son-tuyen-quang-thi-cong-xay-dung-thuy-dien-yen-son-lan-chiem-dat-huy-hoai-tai-san-cua-nguoi-dan-48483