Huyện Vạn Ninh chuẩn bị ứng phó với bão số 9

Sáng 23-11, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa do Đại tá Nguyễn Văn Ngàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Vạn Ninh về công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 9.

Đại tá Nguyễn Văn Ngàn phát biểu yêu cầu huyện Vạn Ninh chuẩn bị các phương án phòng chống bão.

Theo báo cáo của 13 xã, thị trấn của huyện Vạn Ninh, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 đã được hoàn tất. Ông Phạm Trúc Việt, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, ngày 22-11, xã đã lập 2 tổ đi kiểm tra và nhắc nhở người dân phòng chống bão. Hơn 120 hộ nuôi trồng thủy sản với gần 1.600 ô lồng đã được di dời về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, xã đã chủ động đưa 40 hộ dân ở sát biển, vùng trũng thấp về ở nơi an toàn.

Người dân xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh chằng chống nhà cửa.

Còn ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, trên địa bàn xã có hơn 300 hộ sát biển và 10 hộ ở dưới chân Đèo Cả với nguy cơ sạt lở đã được địa phương cưỡng chế đưa về nơi an toàn. Bố trí lực lượng công an, dân quân túc trực ở những nơi đã di dời dân để bảo vệ tài sản và cấm người dân quay về nhà. Bên cạnh đó, hơn 500 ghe thuyền đã được người dân đưa đi tránh trú ở thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) và tỉnh Phú Yên. 100% hộ dân đã chủ động chằng chống nhà cửa; thực hiện khơi thông các luồng lạch, sông suối, kênh mương tạo thông thoáng khi có mưa lớn để nước tiêu thoát nhanh chóng…

Lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được người dân kéo vào nơi an toàn.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được địa phương triển khai nghiêm túc theo đúng phương án đã xây dựng trước đó. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 năm 2017, những ngày vừa qua huyện đã phân công lãnh đạo huyện trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra thực tế những khu vực xung yếu. Đặc biệt, huyện đã tăng cường lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở và cương quyết yêu cầu 1.100 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển di dời hơn 900 bè với 10.800 ô lồng và lao động về khu vực quy hoạch, nơi an toàn. Đến nay, cơ bản đã có trên 90% hộ dân hội nuôi trồng thủy sản đã di dời về nơi an toàn, đồng thời lựa chọn, xuất bán cá, tôm đủ trọng lượng nhằm tránh thiệt hại. Trên 1.500 tàu thuyền cũng đã đưa về nơi tránh trú an toàn và nghiêm cấm không để ngư dân ra khơi vào lúc này. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện di dời trên 100 hộ dân ở các vùng giáp biển, sông, suối, ở chân núi về nhà văn hóa và các trường học, nhà người quen để lánh nạn.

Bờ biển thị trấn Vạn Giã

Đồng thời, huyện đã cho 100% học sinh ở các trường học cho nghỉ học đến hết ngày 25-11. Các trường học cũng đã di dời hồ sơ, sổ sách, bàn ghế về khu vực an toàn. Với những trường học ở khu vực cao, an toàn đã hoàn tất công tác chuẩn bị tiếp đón người dân di dời tới ở khi có tình huống khẩn cấp. 13 xã, thị trấn đã chuẩn bị đủ về lương thực, thực phẩm và những phương tiện, vật dụng để ứng cứu. Trong ngày hôm nay, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế buộc di dời 10% hộ nuôi trồng thủy sản trên biên về nơi an toàn. Với 2 hồ chứa lớn là Hoa Sơn và Đá Đen hiện còn thấp hơn 5,2m. Tuy nhiên, huyện vẫn yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện xả điều tiết để tránh khi mưa lớn mới tiến hành xả sẽ gây ngập úng cho hạ du. Về phương tiện, địa phương đã bố trí đầy đủ và huy động thêm 2 doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng ứng cứu khi có điều động. “Còn nhớ, sau cơn bão số 12 năm 2017 vào đã đánh tan lồng bè của bà con khiến tôm, cá thoát ra biển. Sau bão, hàng trăm ghe thuyền của ngư dân các tỉnh khác đã ồ ạt kéo vào hôi của khiến người dân địa phương không vớt vát lại được tài sản. Do vậy, để đề phòng sự việc đó xảy ra sau khi bão vào, địa phương rất mong tỉnh bố trí lực lượng để ngăn cấm, bảo vệ tài sản cho nhân dân”, ông Phẩm kiến nghị.

Người dân xã Đại Lãnh chằng chống nhà cửa.

Đại tá Nguyễn Văn Ngàn đánh giá, huyện Vạn Ninh đã chủ động và triển khai rất tốt phương án phòng chống bão số 9. Công tác tuyên truyền được triển khai rất tốt nên ý thức của người dân được nâng cao. Đại tá Nguyễn Văn Ngàn yêu cầu: “Tuy huyện Vạn Ninh hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó với bão, nhưng trong thời gian tới vẫn không được chủ quan mà phải luôn trong tư thế sẵn sàng, mọi lực lượng túc trực 24/24 để phản ứng nhanh khi có tình huống xấu xảy ra. Mặc dù đã di dời lồng bè, lao động vào nơi an toàn, nhưng huyện cần bố trí tàu thuyền tăng cường tuần tra nghiêm ngặt tránh người dân quay lại lồng bè hoặc thấy trời yên lại kéo lồng bè ra biển. Tiếp tục chuẩn bị chu đáo các phương án di dời, sơ tán nhân dân ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở. Bố trí lực lượng công an tuần tra bảo đảm an toàn giao thông, điều tiết giao thông nếu xảy ra ùn tắc gia thông. Đặc biệt phải thường xuyên kiểm tra tuyến giao thông đường bộ và đường sắt tại khu vực Đèo Cả để có cảnh báo, ứng cứu kịp thời. Khẩn trương cắt tỉa cây xanh; khơi thông dòng chảy các kênh mương tạo tiêu thoát nước nhanh. Cắt cử lực lượng canh gác ở những điểm ngập tràn, sạt lở để ngăn chặn, cảnh báo người dân đi lại. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát sinh tình huống vượt quá khả năng hoặc cần lực lượng hỗ trợ của tỉnh thì kịp thời báo cáo để tỉnh điều động, giải quyết kịp thời…”.

Hầu hết nhà dân sát biển ở Đại Lãnh đã được di dời về nơi an toàn.

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201811/huyen-van-ninh-chuan-bi-ung-pho-voi-bao-so-9-8097194/