Huyện Ứng Hòa – Hà Nội: Kỳ vọng cho một năm về đích

Hưởng ứng Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về 'Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020', bằng nhiều giải pháp linh hoạt, huyện Ứng Hòa – Hà Nội đang tạo nên sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế địa phương để lại nhiều kỳ vọng cho một năm về đích với nhiều thành công rực rỡ.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra

Với tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, năm 2018 Huyện Ứng Hòa đã có 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất thực tế ước đạt 10.675 tỷ đồng, tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2017; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thu ngân sách đạt 233,089 tỷ đồng, đạt 130% Nghị quyết HĐND giao, vượt kế hoạch 144% so với chỉ tiêu thành phố giao. Công tác xây dựng NTM được chú trọng, trong năm đã đề nghị Thành phố công nhận 04 xã về đích NTM (Viên Nội, Cao Thành, Hòa Nam, Hòa Phú), nâng số xã đạt chuẩn NTM trong toàn huyện lên 19 xã.

Tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, nhờ tận dụng lợi thế vùng chiêm trũng, một số hộ dân ở huyện Ứng Hòa đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn để nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao. Một số hộ dân tại địa bàn chiêm trũng đã tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá bằng mô hình này. So với việc nuôi cá truyền thống thì mô hình này cho năng suất cao gấp nhiều lần, giúp giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng cá thương phẩm, nhất là cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên mà không cần chờ xử lý ao nuôi.

Ðến nay, mô hình này còn được nhân rộng ra các vùng thủy sản tập trung khác thuộc sáu xã gồm: Ðồng Tân, Hòa Lâm, Liên Bạt, Phương Tú, Trung Tú và Tảo Dương Văn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện Ứng Hòa đến nay đã đạt hơn 3.200 ha, giúp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Ðơn cử vụ xuân năm 2018, trong số 9.100 ha lúa, có khoảng 2.284 ha cấy giống lúa J02 chất lượng cao tại 19 xã trong tổng số 28 xã của huyện. Ðồng thời từng bước liên kết với các doanh nghiệp, từ cung ứng giống, phân bón tới tiêu thụ lúa gạo, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Huyện Ứng Hòa quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra

Huyện Ứng Hòa quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra

Công tác văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được chăm lo và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,1 triệu đồng/người/năm, tăng 4,7 triệu đồng so với năm 2017; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,41%. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển; đến nay toàn huyện có 119 làng được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa, đạt tỷ lệ 86,9%, đạt 103,5% kế hoạch giao; có 4/5 Tổ dân phố Văn hóa, đạt tỷ lệ 80%; Số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa 50.456, chiếm tỷ lệ 91%. Chất lượng giáo dục ở cả 3 cấp học được nâng cao.

Khắc phục hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo huyện cũng cho rằng, kinh tế trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Ứng Hòa chủ yếu là nhỏ lẻ, khả năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào địa bàn thấp. Công tác đào tạo nghề chưa đồng bộ, nguồn kinh phí cho công tác này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Sự phát triển của làng nghề giảm do một số nghề truyền thống bị mai một, thị trường thu hẹp.

Tại buổi kiểm tra thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU tại huyện Ứng Hòa vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: huyện cần tập trung khắc phục những hạn chế này. Muốn vậy, huyện phải gắn việc phát triển kinh tế với việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/HU của Huyện ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020". Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư; phát triển kinh tế làng nghề truyền thống gắn với thu hút du lịch; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý về quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường. Ðồng thời tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt nhất từ đó, kết nối cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu các làng nghề.

Tin tưởng rằng thời gian tới các cơ quan chuyên môn, các địa phương sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của UBND huyện, nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, trách nhiệm được giao góp phần bảo đảm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tăng niềm tin của nhân dân, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của UBND huyện, hướng tới mục tiêu hoàn thành xuất sắc Chương trình số 03-CTr/TU giai đoạn 2016-2020.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huyen-ung-hoa-ha-noi-ky-vong-cho-mot-nam-ve-dich-121484.html