Huyện 'trốn' đóng BHXH, hàng trăm GV mất cơ hội xét tuyển viên chức?

Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Mỹ Đức (Hà Nội) đang thất vọng, hoang mang trước việc có thể mất cơ hội xét tuyển viên chức do không được đóng BHXH.

Thời gian gần đây, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đang đứng ngồi không yên khi có nguy cơ bị mất việc sau kỳ thi tuyển viên chức sắp tới. Hàng loạt lá đơn kêu cứu đã được các giáo viên gửi lên thành phố, các cơ quan chức năng liên quan với hy vọng có một cơ chế xét tuyển đặc biệt cho những giáo viên hợp đồng đã có nhiều năm cống hiến trong ngành giáo dục.

Trước thực trạng này, trong cuộc giao ban của thành phố ngày 5/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ và thành lập ban chỉ đạo liên quan đến thi tuyển cán bộ công chức, viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là khối giáo viên.

Giáo viên hợp đồng các huyện lên trụ sở tiếp dân TP Hà Nội gửi đơn kêu cứu.

Giáo viên hợp đồng các huyện lên trụ sở tiếp dân TP Hà Nội gửi đơn kêu cứu.

Trên cơ sở xin ý kiến và được sự hướng dẫn, Bộ Nội vụ giao cho UBND TP Hà Nội quyết định hình thức xét tuyển đặc biệt đối với giáo viên thi tuyển công chức.

Theo đó, để được xét tuyển đặc biệt, các giáo viên phải đảm bảo các điều kiện: giáo viên phải có hợp đồng, đóng bảo hiểm trong suốt thời gian vừa qua, kiểm tra sức khỏe, trình độ, năng lực phù hợp với đề án mô tả việc làm.

Huyện Mỹ Đức không đóng BHXH, giáo viên mất cơ hội?

Thông tin này là niềm vui với nhiều giáo viên, song riêng các giáo viên huyện Mỹ Đức lại đang đứng ngồi không yên. Bởi lẽ, hàng chục năm nay, các giáo viên hợp đồng tại đây chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng và không được đóng BHXH dù Luật Lao động đã quy định rõ.

Có 11 năm công tác trong ngành giáo dục tại huyện Mỹ Đức, cô Nguyễn Phương Anh, không khỏi xót xa, tủi phận: “Bao năm nay chúng tôi đã phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Hàng chục năm công tác, nhưng giáo viên huyện Mỹ Đức cũng chỉ được ký hợp đồng 3 tháng một và không có bất kỳ chế độ đãi ngộ nào. Ngay cả những chính sách có trong Luật quy định như được tham gia BHYT, BHXH cũng không có. Giờ đây khi nghe tin giáo viên hợp đồng có cơ hội được xét đặc cách, chúng tôi lại càng xót xa và thấm thía hơn”.

Cô Phương Anh, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức không khỏi lo lắng kèm theo nỗi bức xúc khi biết mình và hàng trăm đồng nghiệp khác không đủ điều kiện để xét tuyển đặc biệt.

Cô Phương Anh cho biết, sau khi nhận được thông tin về xét đặc cách giáo viên hợp đồng, cô cùng nhiều đồng nghiệp đã gửi đơn lên UBND huyện Mỹ Đức để được giải đáp về những quyền lợi chính đáng được hưởng. Song đến nay, huyện vẫn “im hơi lặng tiếng”.

“Theo như chúng tôi được biết, giáo viên hợp đồng có hàng chục năm công tác đáng ra phải được chuyển sang ký hợp đồng dài hạn từ rất lâu. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn là hợp đồng 3 tháng. Tuy nhiên, nếu ngay cả hợp đồng 3 tháng thì vẫn phải đóng BHXH cho chúng tôi, nhưng bao năm qua chúng tôi không có. Hàng trăm giáo viên hợp đồng đang đặt ra câu hỏi số tiền để đóng BHXH cho người lao động đi về đâu, để làm việc gì”, cô Phương Anh bức xúc.

Giống như cô Nguyễn Phương Anh, hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức đang cần một câu trả lời thích đáng từ cơ quan chức năng, khi không có BHXH, họ sẽ mất cơ hội xét tuyển? Nếu vậy, ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này?

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, trước 1/1/2018, Luật BHXH quy định, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên được tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 1/1/2018, khi Luật BHXH 2014 được thông qua và đưa vào áp dụng, người lao động có hợp đồng lao động từ 1-dưới 3 tháng được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Do đó, đến nay đã là năm 2019, nếu các giáo viên huyện Mỹ Đức vẫn không được đóng HBXH là hoàn toàn sai luật.

Phó ban quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng Hà Nội cần có những chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Trước đó, khi trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức trả lời: “Hiện nay, chúng tôi đã ủy quyền cho các hiệu trưởng ký hợp đồng với các giáo viên. Có thể kế toán làm hợp đồng 3 tháng, 1 tháng hay hợp đồng theo giờ, theo tiết thì chúng tôi chưa rõ. Nhưng chủ trương của huyện là không thể tuyển giáo viên vào rồi đóng BHXH, như vậy sẽ rất khó, ngân sách không đủ để đóng. Hơn nữa khi không đỗ viên chức, thì cũng rất khó giải quyết. Vấn đề này kế toán các trường phải giải quyết. Tới đây chúng tôi hướng đến tuyển cả những giáo viên đã nghỉ hưu nhưng có năng lực, sức khỏe, mời ra để ký hợp đồng theo tiết dạy”.

Trước câu hỏi của phóng viên rằng, huyện có đang “cố tình” phạm luật, ông Hậu khẳng định: “Chúng tôi không lách luật, nhưng ngân sách đâu ra để đóng bảo hiểm. Người ta cho phép ký như thế. Chủ trương hiện nay là nhà trường tự ký, tự chủ về tài chính, chúng tôi đã giao lại các trường”.

Nhiều giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức trải lòng rằng hàng chục năm qua, họ cố gắng bám trụ với nghề dù mức lương chỉ hơn 1,2 triệu đồng mỗi tháng vì lòng yêu nghề và hy vọng một ngày được đỗ vào viên chức giáo dục. Song đến nay lại đang có thể mất đi cơ hội hiếm hoi. Vậy ai là người cần chiu trách nhiệm về vấn đề này, quyền lợi của họ sẽ được giải quyết ra sao?/.

Xung quanh việc xét tuyển đặc biệt giáo viên hợp đồng, nhiều giáo viên tại các huyện Phúc Thọ, TX Sơn Tây cũng đang có nhiều băn khoăn. Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây cho biết, trong các kỳ thi tuyển viên chức giáo dục suốt hơn 20 năm nay TX Sơn Tây đều không có các chỉ tiêu môn Văn, Toán, Anh và trong kỳ tuyển viên chức năm nay cũng không hề có. Như vậy, với các giáo viên bộ môn này nếu đủ các điều kiện để xét tuyển đặc biệt sẽ được giải quyết ra sao để không thiệt thòi?

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/huyen-tron-dong-bhxh-hang-tram-gv-mat-co-hoi-xet-tuyen-vien-chuc-931507.vov