Huyện Tĩnh Gia: Sẵn sàng ứng phó với bão số 4

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, huyện Tĩnh Gia đã đưa ra những phương án chủ động ứng phó với cơn bão nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của.

Huyện Tĩnh Gia: Sẵn sàng ứng phó với bão số 4

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, huyện Tĩnh Gia đã đưa ra những phương án chủ động ứng phó với cơn bão nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của.

Tàu thuyền trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đã vào bến an toàn.

Ngay trong ngày 29-8, UBND huyện Tĩnh Gia đã có công điện khẩn số 10/CĐ-UBND, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; trưởng các phòng ban, đội thuộc UBND huyện, trưởng các ngành, các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các công việc như: Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho các chủ thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng chống và thoát ra vùng nguy hiểm. Tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào bờ, yêu cầu các chủ hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè chủ động đưa ra những phương án kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Đối với khu vực đất liền, Chủ tịch UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thông tin kịp thời đến người dân và khách du lịch để chủ động phòng chống bão, nhất là khu vực ngập lụt trong khu công nghiệp, vùng trũng thấp ven biển; đưa ra các phương án và tổ chức sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ nguy cơ bị lũ quét, sạt lở tại các xã miền núi nđến nơi an toàn.

Tại vị trí đường giao thông bị ngập, các bến đò, lắp các biển báo khu vực nguy hiểm và triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại an toàn.

Cùng với đó, các đơn vị cũng chuẩn bị phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động đối phó với mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày.

Kiểm tra, rà soát, lập phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chưa, nhất là trong những tình huống xả lũ khẩn cấp. Đối với các công trình đang thi công, cần khẩn trương hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Sẵn sàng phương án tiêu úng trong khu công nghiệp, vùng trũng thấp, lập kế hoạch phục hồi sản xuất, đặc biệt là dự trữ giống lúa khi bị thiệt hại.

Tính đến chiều nay, toàn huyện đã có 100% tổng số 2.383 tàu thuyền đã cập bến an toàn, trong đó có 2.234 tàu tại địa bàn Thanh Hóa, rải rác ở những điểm neo đậu thuộc cửa Lạch Bạng (xã đảo Nghi Sơn), xã Hải Ninh, Hải Châu. Số còn lại là những phương tiện đánh bắt xa bờ đang ở địa phận các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định cũng đã trú bão tại các cảng gần khu vực đánh bắt.

Hiện, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã, thị trấn đang bố trí trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để đưa ra những phương án ứng phó kịp thời tùy theo từng tình huống cụ thể.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-tinh-gia-san-sang-ung-pho-voi-bao-so-4/106884.htm