Huyện Thường Xuân phát triển các cơ sở chế biến lâm sản

Huyện Thường Xuân có tới 82,2% diện tích là đất lâm nghiệp. Tuy nhiên việc phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn huyện còn hạn chế, nên chưa phát huy được tiềm năng.

Cơ sở chế biến sản phẩm luồng tại xã Lương Sơn.

Để phát triển các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn, những năm gần đây, cùng với việc ban hành và đang tập trung thực hiện các cơ chế khuyến khích đầu tư và hình thành các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản đầu tư vào địa phương, huyện Thường Xuân đã đẩy mạnh các giải pháp gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với chế biến lâm sản. Theo đó, huyện thực hiện chuyển đổi từ khai thác tài nguyên rừng sang trồng mới, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và khai thác rừng trồng một cách hiệu quả. Điều này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất đối với lĩnh vực chế biến lâm sản.

Được huyện Thường Xuân tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính, năm 2018, Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu ở xã Luận Thành, trên diện tích 5 ha, tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng, để sản xuất các mặt hàng ván ép tinh xuất khẩu. Trên cơ sở phân tích, nhận định về tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Thường Xuân, thời gian qua, công ty đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, trang thiết bị với dây chuyền sản xuất tiên tiến đưa vào hoạt động để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, công suất sản xuất và chất lượng sản phẩm của nhà máy ngày càng được nâng cao. Hiện, trung bình mỗi tháng nhà máy sản xuất được 1.000 - 1.500 m3 gỗ thành phẩm xuất khẩu đi Mỹ. Dự kiến cuối năm 2020 này, Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất với công suất 3.500 - 4.000m3 gỗ thành phẩm/tháng, đồng thời liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.

Đối với Công ty CP Dokata Thường Xuân, tại cụm công nghiệp thị trấn Thường Xuân, cũng trên cơ sở khảo sát vùng nguyên liệu, công ty nhận thấy, số lượng và chất lượng gỗ trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu chế biến 3 sản phẩm, gồm: gỗ xẻ, gỗ bóc và gỗ băm. Vì vậy, từ năm 2016, công ty đã đầu tư nhà xưởng, dây chuyền để sản xuất các mặt hàng này. Nhờ có nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng, nên hoạt động sản xuất của công ty luôn được duy trì ổn định, sản phẩm được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Để tạo nền tảng cho lộ trình mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa các sản phẩm lâm nghiệp ra thị trường Đông Âu và thị trường các nước khó tính trên thế giới, công ty đang đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dự án cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho vùng nguyên liệu, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị vùng gỗ nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường, từ đó nâng cao giá trị cho diện tích rừng trồng và các sản phẩm chế biến.

Đến nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân đã phát triển được 6 nhà máy chế biến lâm sản và góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của huyện mỗi năm đạt khoảng 260 tỷ đồng; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Châu Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-thuong-xuan-phat-trien-cac-co-so-che-bien-lam-san/124808.htm