Huyện Thường Xuân có 10 xã khôi phục giống Quế Ngọc

Năm 2015, huyện Thường Xuân được UBND tỉnh phê duyệt Đề án 'Bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế Ngọc huyện Thường Xuân giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025'. Đề án được triển khai không chỉ khôi phục, lưu giữ giống Quế Ngọc của đất Châu Thường được ghi danh trên Cửu đỉnh của Triều Nguyễn tại Kinh thành Huế từ thế kỷ thứ XVII, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho đồng bào các dân tộc địa phương.

Vườn ươm quế giống của huyện Thường Xuân.

Để phục vực thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế Ngọc huyện Thường Xuân giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025”, huyện Thường Xuân đã tuyển chọn 200 cây quế giống có bộ gen tốt nhằm bảo tồn nguồn gen Quế Ngọc bản địa; xây dựng được 2.000 m2 vườn ươm giống quế với công suất 50 vạn cây giống tại Ban Quan lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Qua 6 năm triển khai thực hiện Đề án, trên địa bàn huyện đã có 10 xã khôi phục giống Quế Ngọc với hơn 1.514 ha rừng sản xuất tập trung trồng xen quế và keo. Đồng thời, toàn huyện trồng phân tán được trên 250.000 cây quế phân tán. Bên cạnh đó, huyện Thường Xuân cũng đã xây dựng và được công nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế Ngọc; thành 2 lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Quế Ngọc Thường Xuân; xây dựng được 3 cửa hàng và 2 cơ sở chiết xuất, chế biến, mua bán các sản phẩm Quế Ngọc.

Hiện nay, sản phẩm Quế Ngọc của huyện Thường Xuân đã bán trên thị trường cả nước và được khách hàng ưa chuộng, tin dùng.

Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/huyen-thuong-xuan-co-10-xa-khoi-phuc-giong-que-ngoc/19624.htm