Huyện Thuận Nam: Mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng và công nghiệp

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Ninh Thuận, huyện Thuận Nam được ví như một Ninh Thuận thu nhỏ, có rừng, đồng bằng, ven biển, biển. Những thuận lợi về năng lượng tái tạo, công nghiệp, về vị trí giao thông giúp Thuận Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và công nghiệp của tỉnh.

Tiềm năng của “Ninh Thuận thu nhỏ”

Mang đậm những nét đặc trưng của vùng đất nắng gió, Thuận Nam hiện sở hữu số giờ nắng và tốc độ gió rất thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo. Ông Trương Xuân Vỹ - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam chia sẻ, nếu như Ninh Thuận được xác định là trung tâm năng lượng tái tạo cả nước thì Thuận Nam được định hướng phát triển trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh. Theo tính toán đến nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo (NLTT) đã đi vào hoạt động với tổng công suất được cấp theo quyết định chủ trương đầu tư là 1.216,44 MW; trong đó điện mặt trời 14 dự án/1.178,84MW, điện gió 1 dự án/37,66MW. Tính chung toàn tỉnh, số dự án và sản lượng năng lượng tại huyện Thuận Nam đang chiếm trên 50% công suất toàn tỉnh; trong đó dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia có công suất lớn nhất tỉnh.

 Thuận Nam được ví như một Ninh Thuận thu nhỏ, có rừng, đồng bằng, ven biển, biển

Thuận Nam được ví như một Ninh Thuận thu nhỏ, có rừng, đồng bằng, ven biển, biển

Dự kiến trong năm 2021, trên địa bàn huyện các dự án điện gió như: Nhà máy điện gió Phước Minh – Công ty TNHH điện gió Adani Phước Minh (27,2MW); Nhà máy phong điện vị trí DK13- Công ty TNHH điện gió Chính Thắng (50MW); Nhà máy điện gió số 7A- Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (50MW); Nhà máy điện gió Bim- Công ty cổ phần điện gió BIM (88MW)… đang triển khai sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, giúp bổ sung gần 300MW điện gió.

Đồng thời, theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh và huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định xây dựng Thuận Nam trở thành huyện trọng điểm công nghiệp phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Vì vậy, hiện nay trên địa bàn huyện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, triển khai các dự án như: Dự án cảng biển Cà Ná, Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná, Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark… Trong đó, dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch điện VII, giai đoạn 1 có quy mô công suất 1.500MW, đưa vào vận hành năm 2025 - 2026, giai đoạn sau sẽ xem xét trong quy hoạch điện VIII. Hiện nay, huyện Thuận Nam đang phối hợp với các sở, ngành, tỉnh tiến hành các bước thủ tục đầu tư theo quy định.

Việc phát triển dự án trung tâm điện khí LNG Cà Ná sẽ là động lực quan trọng và quyết định cho yêu cầu thay thế kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển nước sâu Cà Ná; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện; ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời, thay thế nguồn điện hạt nhân đã dừng triển khai; đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới.

Song song với đó, dự án Khu bến cảng Cà Ná giai đoạn 1 - Cảng biển tổng hợp Cà Ná do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Trung Nam triển khai cũng được cấp chứng nhận đầu tư theo quy định. Cảng Cà Ná đang được phát triển mạnh với mục tiêu trở thành một trong những cảng lớn nhất, với năng lực tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 300.000 tấn. Nếu cảng phát triển thì các dịch vụ logistics, công nghiệp, dịch vụ, lĩnh vực phụ trợ… sẽ phát triển theo.

Tiếp tục phát triển các lĩnh vực trụ cột

Ông Trương Xuân Vỹ chia sẻ thêm, cùng với những kết quả đạt được trong thời gian qua, định hướng sắp tới được Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh xác định xây dựng Thuận Nam trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Đây là một chủ trương lớn, là động lực để Thuận Nam phát triển. Do đó, Thuận Nam đang định hướng tập trung vào các ngành trụ cột chính, nhất là lĩnh vực như năng lượng tái tạo vì phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó ngoài phát triển điện mặt trời, còn tập trung phát triển điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi hiện còn tiềm năng rất lớn.

Về công nghiệp, huyện Thuận Nam có Khu công nghiệp (KCN) Phước Nam đang hoàn thiện hạ tầng, rộng 370 ha và KCN Cà Ná rộng 827 ha đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương để phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp toàn tỉnh. Huyện cũng đang định hướng phát triển cụm công nghiệp tập trung vào lĩnh vực chế biến thủy sản.

Đồng thời, Thuận Nam được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển về du lịch; hiện nay, Thuận Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Riêng về nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã đề xuất và đưa vào lập Quy hoạch sử dụng đất kỳ 2021-2030 cấp huyện diện tích khoảng hơn 1.000 ha; trong đó đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm triển khai nhiều dự án về dược liệu.

Ông Trương Xuân Vỹ cho hay: Thời gian tới, Thuận Nam sẽ tập trung mục tiêu xây dựng và trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng, tạo bướt đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận nói chung và huyện Thuận Nam nói riêng.

Hồng Hà - Kim Xuyến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huyen-thuan-nam-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-va-cong-nghiep-158604.html