Huyền thoại về Áp Lãng Chân Nhân - vị đạo sĩ dẹp yên sóng dữ cửa biển Thần Phù

Cửa Thần Phù vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách.

Cửa biển Thần Phù hiện nằm trên tuyến sông Nhà Lê, thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa. Khu vực Thần Phù nay ở thượng nguồn lưu vực sông Càn, con sông cùng với dãy núi Tam Điệp là ranh giới giữa 2 miền Trung - Bắc Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từng có truyền thuyết kể rằng, vua Lý Thái Tông mang quân Nam tiến để đánh dẹp Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp gió to sóng dữ, không đi được may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi ban sự trở về, đạo sĩ mất ở dọc đường.

Vua cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là "Áp Lãng Chân Nhân" (nghĩa là người dẹp yên được sóng dữ) và gọi tên nơi đây là cửa biển Thần Phù. Hiện nay đền thờ và những di chỉ khác vẫn còn ở thôn Yên Phẩm và Yên Lâm, huyện Yên Mô , tỉnh Ninh Bình .

Chuyện về Áp Lãng Chân Nhân đã được tác giả Hồ Nguyên Trừng ghi lại trong sách "Nam ông mộng lục" như sau:

"Đời Tống Nhân Tông , nhà Lý nước An Nam đem binh thuyền đi đánh Chiêm Thành. Tới cửa Thần Đầu thì bỗng có sóng gió nổi lên liên tục mấy ngày liền, không sao qua được. Hoàng Đế nghe tin ở dãy núi gần đấy có vị Đạo Sĩ tu luyện một mình trong am, bèn cho mời tới để giúp việc cầu khẩn. Đạo Sĩ tới và nói rằng:

Đã có sức mạnh của phúc đức thì thần cam đoan rằng tất cả chẳng đáng phải lo. Ngày mai xin cứ việc lên đường, chớ ngại gì cả.

Nửa đêm hôm đó, trời bỗng ngưng nổi gió. Sáng sớm, khi quân vừa ra biển, trông xa vẫn thấy sóng cao như núi, nhưng binh thuyền tới đâu thì sóng yên tới đó. Bấy giờ lại còn thoáng thấy bóng Đạo Sĩ bước đi trên mặt nước, khi phía trước, lúc đàng sau, rõ ràng mà không sao gần tới được. Ngày trở về, tới cửa Thần Đầu, Đạo Sĩ ra để nghênh tiếp, Hoàng Đế vui mừng ủy lạo cho. Đạo Sĩ nói:

Thần biết Hoàng Đế có phúc lớn, chẳng có gì phải lo, tất cả là nhờ thần linh giúp đỡ chớ chẳng phải là do hạ thần.

Hoàng Đế lấy làm lạ, liền phong cho đạo hiệu là Áp Lãng Chân Nhân, ban thưởng cho Đạo Sĩ nhiều vàng và lụa, nhưng Đạo Sĩ không nhận. Sau, Đạo Sĩ vào núi mà không rõ đi đâu. Hoàng Đế hỏi người trong làng thì họ đều nói: Từ dạo ấy, Đạo Sĩ đi hái lá làm thuốc, không thấy trở về am để ở".

Chữ "Thần" được tạc trên vách đá ở cửa biển Thần Phù

Từ truyền thuyết đó mà Ca dao Việt Nam có câu:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm

Cửa Thần Phù ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10km. Mặc dù vậy, qua bao nhiêu biến thiên lịch sử cửa biển trong lịch sử này vẫn giữ nguyên một chữ "Thần" trên vách đá. Núi non, biển cả, sóng gió ngàn đời vẫn khắc sâu câu chuyên về Áp Lãng Chân Nhân môt vị pháp sư có tài năng khiến sóng yên, biển lặng giúp vua Lý chống giặc ngoại xâm.

Ngày nay, cửa biển Thần Phù đã lùi xa hàng chục kilomet nhường chỗ cho những xóm làng trù phú, dân cư đông đúc với cuộc sống thanh bình, nhưng những câu chuyện về huyền thoại cửa biển vẫn còn lưu truyền mãi.

Theo Phạm Thanh/Helino

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/huyen-thoai-ve-ap-lang-chan-nhan-vi-dao-si-dep-yen-song-du-cua-bien-than-phu/20200523064646347