Huyền thoại về 20 giọt máu bên dòng sông Thạch Hãn

45 năm trước, 20 chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca đã thực hiện trận đánh '1 chọi 100' vô tiền khoáng hậu bên bờ sông Thạch Hãn, khiến kẻ địch nể sợ.

Những ai đến thị xã Quảng Trị và đi qua cầu Thạch Hãn đều sẽ nhìn thấy một tượng đài đặc biệt có hình 20 giọt máu đỏ tươi. Đó chính là đài tưởng niệm 20 chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca, những người đã thực hiện trận đánh vô tiền khoáng hậu bên bờ Thạch Hãn 45 năm về trước.

Những ai đến thị xã Quảng Trị và đi qua cầu Thạch Hãn đều sẽ nhìn thấy một tượng đài đặc biệt có hình 20 giọt máu đỏ tươi. Đó chính là đài tưởng niệm 20 chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca, những người đã thực hiện trận đánh vô tiền khoáng hậu bên bờ Thạch Hãn 45 năm về trước.

Ngược dòng lịch sử, rạng sáng mùng 10/4/1972, một trung đội giải phóng mang tên Trung đội trưởng Mai Quốc Ca đã nhận nhiệm vụ chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn) nhằm cắt đường viện trợ của địch để các cánh quân của ta tiêu diệt lực lượng chính của địch chiến trường Quảng Trị.

Khi xuất kích, tiểu đội đầu tiên của Trung đội Mai Quốc Ca vướng mìn Claymor nên bị lộ. Địch hốt hoảng khi thấy bộ đội chủ lực của ta nên khẩn cấp điều ba tiểu đoàn lính tinh nhuệ gồm Dù, Biệt động quân và Thủy quân lục chiến có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ tạo thành một gọng kìm bao vây.

20 chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca lọt thỏm giữa vòng vây của địch đông hơn rất nhiều lần. Với tinh thần "1 thắng 100", các chiến sĩ giải phóng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên quyết bám trụ, đẩy lùi liên tiếp những đợt tiến công của địch từ nhiều phía.

Các chiến sĩ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, khi hết đạn thì dùng lưỡi lê, báng súng xông lên đánh giáp lá cà với địch. Quần nhau suốt từ rạng sáng cho đến quá trưa thì 19 anh em trong trung đội lần lượt hi sinh, chỉ còn một người bị thương nặng và bị địch bắt.

Khi trận chiến kết thúc, quân địch nhẫn tâm xếp các chiến sĩ nằm thành hàng ngang, phơi nắng để trấn áp tinh thần những người dân hướng về cách mạng. Chúng phong tỏa khu vực, không cho bất cứ người dân Quảng Trị nào đến mang thi hài các anh về an táng.

Trước cảnh tượng đau lòng đó, nhiều nông dân ở thôn Nhan Biều, thôn An Đông đã đấu tranh để giành lại thi hài các anh. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt một ngày đêm nhưng vẫn không mang lại kết quả. Chuyện lan truyền ngày càng rộng, khiến quần chúng phẫn nộ kéo đến cầu Quảng Trị ngày càng đông.

Đến mờ sáng ngày 11/4/1972, đông đảo quần chúng tập trung ở đầu cầu Quảng Trị, hô vang khẩu hiệu đòi được chôn cất các chiến sĩ và tiến thẳng vào nơi đặt thi hài các anh. Địch nổ súng, xô đẩy, dùng báng súng đánh đập nhưng người dân vẫn không lùi bước. Cuộc giằng co diễn ra hơn 5 giờ đồng hồ.

Trước sức ép ngày một lớn, địch đã phải rút lui. Thi hài 19 chiến sĩ được nhân dân mai táng tại mép sông Thạch Hãn ở bến Nhan Biều. Sau ngày giải phóng, 19 ngôi mộ được cải táng tại tại một khu vực riêng dành cho Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca ở nghĩa trang liệt sĩ Ái Tử (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Để tưởng nhớ các chiến sĩ anh hùng, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đài tưởng niệm bên bờ sông Thạch Hãn, cạnh đầu cầu Quảng Trị. Trên đài tưởng niệm có hình 20 giọt máu màu đỏ, tượng trưng cho tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca.

Dưới chân đài tượng niệm có tấm bia khắc tên 19 chiến sĩ hi sinh. Các anh đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, độ tuổi khác nhau, nhưng cùng có chung một lòng yêu nước và niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng cuối cùng.

Tên tuổi các anh sẽ được khắc ghi vĩnh viễn vào một trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Xem clip: Lược sử cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/huyen-thoai-ve-20-giot-mau-ben-dong-song-thach-han-979993.html