Huyền thoại ở một nhà máy 'trẻ'

Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) có lẽ là nhà máy 'trẻ' nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đi vào vận hành năm 2018 sau 22 tháng xây dựng. Và nhà máy cũng có đội ngũ cán bộ, công nhân viên trẻ nhất so với tất cả các đơn vị của PVN - gần 60% có độ tuổi dưới 30. Điều đặc biệt là việc vận hành GPP Cà Mau hoàn toàn do người Việt đảm nhiệm.

Năm 2018 là năm thứ 12 Công ty Khí Cà Mau (KCM) vận hành công trình PM3 - Cà Mau và là năm đầu tiên vận hành GPP Cà Mau.

Toàn cảnh GPP Cà Mau

Toàn cảnh GPP Cà Mau

Ngay từ năm đầu tiên GPP Cà Mau đã cung cấp cho khách hàng là Đạm và Điện Cà Mau cùng các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ 2,018 tỉ m3 khí khô, đạt 110% so với kế hoạch; sản xuất được 153 nghìn tấn khí hóa lỏng (LPG), vượt gần 40 nghìn tấn; hơn 10 nghìn tấn condensate, vượt 54% kế hoạch... Tổng doanh thu năm 2018 đạt hơn 1.500 tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch. Và từ khi có dòng khí đầu tiên từ mỏ PM3, PV GAS đã nộp ngân sách tỉnh Cà Mau gần 10 nghìn tỉ đồng. Đây là con số cực kỳ có ý nghĩa, bởi Cà Mau là một tỉnh rất nghèo và khó khăn bộn bề.

GPP Cà Mau có tổng mức đầu tư 290 triệu USD; khởi công ngày 23-4-2015. Gần 8 tháng sau, vào giữa tháng 12 đã hoàn thiện mặt bằng và 4 tháng sau bắt đầu lắp đặt thiết bị. Chỉ hơn 6 tháng lắp đặt, giữa tháng 11-2017, nhà máy hoàn thành công tác nghiệm thu thiết bị chạy thử liên động có tải và nửa tháng sau, nhà máy đi vào vận hành chính thức. Nhà máy đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến cắt băng khánh thành vào đầu tháng 5-2018.

Những con số khô khan đó chỉ chứng minh được một điều giản dị là nhà máy được xây dựng với tốc độ “chóng mặt” và hiện đang vận hành hoàn hảo, với hơn 100% công suất thiết kế, tuyệt đối an toàn, hiệu quả kinh tế cao.

Những ai đến nhà máy bây giờ sẽ chỉ thấy tất cả đang đẹp như một bức tranh và sẽ chẳng còn mấy ai nhớ được, để “vẽ” được bức tranh đó, cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Dự án và lãnh đạo PV GAS đã phải trải qua những năm tháng cơ cực như thế nào và họ đã làm gì để xây dựng nhà máy.

Trở lại một chút lịch sử, việc tính toán phải xây dựng GPP Cà Mau đã có từ khá lâu.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà mãi đến năm 2015 công trình mới được động thổ xây dựng, còn trước đó cũng phải mất hơn 3 năm để hoàn tất các thủ tục, rồi thiết kế, lựa chọn nhà thầu, mua sắm thiết bị… Ban đầu, dòng khí từ mỏ PM3 đã được đưa vào cho Nhà máy Điện Cà Mau và Nhà máy Đạm Cà Mau. Tuy nhiên dòng khí đưa từ mỏ vào chưa được xử lý cho nên lãng phí rất nhiều loại khí C3, C4 hay còn gọi là LPG. Ai cũng biết là lãng phí, ai cũng biết là nếu xử lý được khí như Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao, nhưng muốn làm thì phải có vốn, rồi phải qua rất nhiều cấp thẩm định, phê duyệt…, phải mất hằng năm trời cho những loại thủ tục “theo đúng quy trình”.

Trong khi đó, mỗi một năm nước ta phải nhập đến cả triệu tấn LPG, cho nên nếu xử lý được nguồn khí từ PM3 về thì hằng năm có thêm khoảng hơn 150 nghìn tấn LPG. Lượng LPG này cộng với LPG của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố sẽ bảo đảm được 70-75% lượng khí đốt dân dụng.

Những bài học kinh nghiệm tốt từ việc xây dựng Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố vẫn còn nguyên giá trị, chính vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng nhà máy, PV GAS rất tự tin. Điều đáng nói nhất ở đây là công trình hoàn toàn do người Việt Nam tự thiết kế, tự đi mua sắm thiết bị và tự thi công. Tất nhiên, trong quá trình thi công, chúng ta cũng lựa chọn một số nhà thầu nước ngoài như Posco Engineering của Hàn Quốc, còn Tổng thầu là Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) của PVN - đơn vị nổi danh với việc xây dựng nhiều công trình khai thác trên biển.

Người lao động tại GPP Cà Mau

GPP Cà Mau được thiết kế theo công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ với bản quyền thiết kế của Honeywell UOP (UOP) - một tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ hàng đầu của Mỹ. Không chỉ ở khâu thiết kế mà các thiết bị chính cũng mua của Mỹ, nên chất lượng cực kỳ cao. Nhà máy thu hồi LPG lên đến 97%. Nói một cách nôm na, dòng khí từ mỏ PM3 sau khi qua xử lý tại đây, sẽ bị “vắt sạch” LPG.

Về các vấn đề kỹ thuật cũng không có gì đáng lo lắm, bởi PV GAS đã lựa chọn công nghệ tốt nhất và các thiết bị tốt nhất, được giám sát thi công cực kỳ chặt chẽ, hay nói một cách không quá thì Ban Quản lý xây dựng GPP Cà Mau giám sát được đến từng con bu lông.

Nhưng khi bắt tay vào thi công, tiến độ liên tục bị chậm. Nói về chuyện này, ông Dương Mạnh Sơn - Tổng giám đốc PV GAS - giải thích: “Việc chậm tiến độ lớn nhất là ở khâu san lấp mặt bằng. Nói thật, không ai có thể tưởng tượng được lại xây dựng nhà máy trên khu vực có nền đất yếu như vậy, hay còn gọi là “nền đất không chân” vì ở dưới toàn bùn. Muốn xử lý được loại bùn này thì phải hút chân không để cho bùn biến thành đất sét rồi chất tải lên, bảo đảm độ nén. Phải đổ cát cao hơn mặt bằng thiết kế tới gần 2 mét, rồi chất tải cho lún xuống.

Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng khi làm thì thật là “thiên nan vạn nan”. Nhà máy được đặt ở nơi “đồng không mông quạnh”, giao thông cực kỳ khó khăn, xung quanh kênh rạch chằng chịt. Nắng thì như đổ lửa, mưa thì thối đất thối cát. Chưa bao giờ chúng tôi phải thi công trong điều kiện có tháng mưa tới 28 ngày. Buổi tối hễ tắt mặt trời là muỗi bay như ném trấu, mà muỗi Cà Mau thì nổi tiếng từ xưa tới nay.

Những điều đó cũng có thể khắc phục được, nhưng khổ nhất trong việc xây dựng nhà máy đó là thiếu nhân công trầm trọng. Ở Cà Mau, lao động có kỹ thuật không nhiều và họ cũng chỉ làm được những công việc cực kỳ đơn giản. Chúng tôi phải đi tuyển mộ thợ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng vào làm. Nguyên vật liệu cũng thiếu thốn nghiêm trọng, không ai có thể tưởng tượng được rằng, chỉ thiếu một cân que hàn cũng phải đi 200 cây số mới mua được. Khổ nhất là đi mua cát, Cà Mau rộng mênh mông như thế nhưng cát xây dựng lại không có, cát phải mua tận Kiên Giang, vận chuyển gần 200 cây số đường thủy, nhưng không chở được bằng sà lan cỡ lớn mà phải dùng các sà lan cỡ nhỏ. Cả công trình tốn hơn 1 triệu m3 cát để làm mặt bằng cho nên chưa bao giờ ở Cà Mau và Kiên Giang lại có tình trạng tranh mua cát khủng khiếp như giai đoạn xây dựng nhà máy. Giá cát có lúc đã tăng gấp rưỡi và thậm chí còn bị tư nhân mua cướp trên tay. Chậm tiến độ san lấp mặt bằng ngày nào cũng có nghĩa chậm tiến độ lắp máy ngày đó, mà khi thiết bị đã chở từ Mỹ về phải nằm chờ lưu kho bãi thì riêng công tác bảo quản cũng đã đủ chết. Trong khi đó, khối lượng thiết bị lắp đặt nào có ít, hơn 2.300 tấn và 28km đường ống… Trong bối cảnh đấy, rất may mắn là chúng tôi đã tìm được hai thủ lĩnh, người thứ nhất là anh Huỳnh Quang Hải, Trưởng ban Quản lý Dự án và người thứ hai là một “nữ tướng” - chị Nguyễn Kim Nhung”.

Nghe anh nói về “nữ tướng” Nguyễn Kim Nhung, tôi rất ngạc nhiên bởi lẽ tôi chưa thấy có công trình xây dựng lớn nào mà chỉ huy trưởng công trường là nữ. Tôi thắc mắc với ông Dương Mạnh Sơn điều đó thì ông bảo tốt nhất là tôi nên gặp anh Huỳnh Quang Hải và chị Nguyễn Kim Nhung.

May mắn là tôi đã gặp được Huỳnh Quang Hải, một người có vóc dáng nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn. Nhưng tôi hơi thất vọng vì anh không chịu nói về mình mà bảo riêng chuyện xây dựng công trường này thì phải hỏi “nữ tướng” Nhung. Sở dĩ anh gọi chị Nhung là “nữ tướng” bởi chị làm được những việc mà nam giới không làm nổi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/huyen-thoai-o-mot-nha-may-tre-554133.html