Huyền thoại ở 'Km số 0'

Tháng 9-1964, dưới chân núi Dong, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), những nhát cuốc đầu tiên được bổ xuống đã đặt cột mốc 'Km số 0' cho con đường Trường Sơn huyền thoại. Từ đây, hàng triệu tấn vũ khí, xăng dầu, lương thực... được chuyển vào chi viện chiến trường miền nam.

Tháng 9-1964, dưới chân núi Dong, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), những nhát cuốc đầu tiên được bổ xuống đã đặt cột mốc “Km số 0” cho con đường Trường Sơn huyền thoại. Từ đây, hàng triệu tấn vũ khí, xăng dầu, lương thực... được chuyển vào chi viện chiến trường miền nam.

Xẻ dọc Trường Sơn

Trước yêu cầu cấp bách của lịch sử, ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định tổ chức tuyến vận tải quân sự dọc Trường Sơn, mang tên gọi đường Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của con đường là phục vụ việc vận chuyển hàng quân sự chi viện miền nam và tổ chức đưa, đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ bắc vào nam và ngược lại. Thượng tá Võ Bẩm, quê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), nguyên Cục phó Cục Nông trường là một trong những người được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường.

Ngày 9-9-1964, trên một bãi đất hẹp dưới chân núi Dong ở ngã ba thị trấn Lạt, bên dòng sông Con thuộc huyện Tân Kỳ, Trung đoàn 98 công binh đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại điểm xuất phát “Km số 0” đường Hồ Chí Minh. Tại đây, những người mở đường đã dùng một cây gỗ lớn và khắc thành cột mốc “Km (cây) số 0” để xác lập điểm khởi đầu của con đường huyền thoại. Tiếp nối là hàng chục nghìn công binh, thanh niên xung phong (TNXP), nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tập trung làm đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Họ lập nên kỳ tích đào đắp hàng chục nghìn mét khối đất đá, khôi phục cầu cống, đồng thời, tổ chức bảo vệ tuyến đường, trực tiếp bắn rơi nhiều máy bay và bắt nhiều giặc lái. Thị trấn Lạt trở thành nơi tập kết để cán bộ, chiến sĩ và hậu cần, vũ khí chuẩn bị vào miền nam. Đến ngày 27-11-1972, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường cơ giới Đông Trường Sơn, từ Km số 0 nối đến tận Lộc Ninh (Bình Phước) là tuyến mạch máu cung cấp hậu cần, góp phần để quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Không phải ngẫu nhiên Tân Kỳ lại được chọn làm điểm khởi đầu của tuyến đường huyền thoại. Nơi đây có đường giao thông chiến lược 15A, 15B chạy qua và các cao điểm quan trọng, như: 886 ở Lèn Rỏi, 159 ở dãy Bồ Bồ, 722 ở Bù Loi... Nhiều đơn vị chủ lực của bộ đội ta đã tập kết ở đây trước khi tiến vào nam như các sư đoàn 316, 224, 304, 312... Tân Kỳ trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch khiến 1.081 người hy sinh, 1.486 người mang thương tật suốt đời. Nằm giữa núi rừng hoang vu, giữa những hố bom nhưng Tân Kỳ vẫn vững vàng với vai trò “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn”. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Tân Kỳ huy động hơn 20.000 lượt người tham gia bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến. Thanh niên ở các xã trong huyện cùng dân công, TNXP ngày đêm đào hầm, chặt lá rừng để ngụy trang, bảo vệ các đoàn xe vận tải Trường Sơn, kể cả xe kéo tên lửa Zin 131 chiều dài tới 20 m… Quân dân Tân Kỳ đã tổ chức chặt chẽ việc phòng tránh và đánh địch hiệu quả, bắn rơi hai máy bay Mỹ vào tháng 6-1966, phá 59 quả bom nổ chậm, san lấp 2.500 hố bom, sửa chữa 26 cầu, bảo đảm hơn 100 km đường luôn an toàn, thông suốt, đóng góp hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện. Đây còn là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học. Từ năm 1968 đến 1973, hơn hai mươi nghìn dân Tân Kỳ đã đùm bọc hơn 30 nghìn đồng bào Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị) sơ tán lâu dài. Trên trời máy bay quần đảo, ném bom, dưới đất bà con vừa chiến đấu vừa sản xuất, “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” - nhường đất, nhường ruộng, giúp cây con giống… cho đồng bào sơ tán sớm hòa nhập, ổn định chỗ ở, ổn định sản xuất.

Từ Km số 0, đường chiến lược Hồ Chí Minh kéo dài từ bắc vào nam với tổng 17.000 km, riêng ở đông Trường Sơn là 1.920 km với năm hệ thống đường dọc và 21 trục ngang nối liền các chiến trường. Từ ngày thành lập đến khi kết thúc chiến tranh, trên con đường huyền thoại, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng dầu chi viện miền nam… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975.

Phơi phới dậy tương lai…

Khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, năm 1989, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được xây dựng trở thành con đường huyết mạch nối liền bắc - nam phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Ngày 27-4-1990, Km số 0 được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Hiện nay, cột mốc Km số 0 được xây dựng, sửa sang lại với khuôn viên có diện tích 600 m2, nhà truyền thống trưng bày hiện vật của thời chiến tranh. Hằng năm, nơi đây phục vụ hàng chục nghìn lượt người dân, khách du lịch trong, ngoài nước cùng kiều bào đến tham quan, tìm hiểu. Tượng đài với chủ đề “Hậu phương hướng về tiền tuyến” được xây dựng, tạo điểm nhấn trong quần thể khu di tích cột mốc Km số 0 để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ, TNXP Trường Sơn đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại.

38 km đường Hồ Chí Minh trải dài qua sáu xã trên địa bàn được Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Kỳ coi là một lợi thế lớn, đã và đang được phát huy trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Huyện đã quy hoạch và xây dựng một hệ thống đường xương cá hoàn chỉnh dọc tuyến phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh hiệu quả. Nhờ tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua và các tuyến đường giao thông kết nối khác, các địa phương đã nhanh chóng phát triển dịch vụ, thương mại gắn với phát triển hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại kết hợp với trồng rừng sản xuất… Trong đó, phải kể đến những vùng kinh tế trang trại, gia trại chuyên sâu và tập trung, như: Trồng cao-su ở Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Tân Xuân, Tân Hợp; trồng mía, rừng nguyên liệu ở Nghĩa Thái, Tân Hương, Nghĩa Bình, Giai Xuân, Đồng Văn... Với nhiều nỗ lực phát triển mạnh mẽ, năm 2018 là năm đầu tiên huyện Tân Kỳ đạt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt. Tổng giá trị sản xuất cả năm ước đạt 5.649 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2017. Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Hoàng Quốc Việt cho biết: Trong năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư năm dự án với tổng mức đầu tư 445,2 tỷ đồng. Trên địa bàn từng bước hình thành các điểm du lịch như: Cột mốc Km số 0 - đường Hồ Chí Minh, du lịch cộng đồng làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh, cây sanh nghìn tuổi… Trên con đường huyền thoại, chúng tôi đang nỗ lực đưa Tân Kỳ trở thành đầu mối kinh tế, giao thông, du lịch của tỉnh, là một trong những điểm hội tụ giao lưu văn hóa của khu vực miền Tây xứ Nghệ.

THÀNH CHÂU và HÀ AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40135102-huyen-thoai-o-%E2%80%9Ckm-so-0%E2%80%9D.html