'Huyền thoại gò Rồng Ấp': Sự ra đời bí ẩn của vua Lý Công Uẩn?

Thay vì nói về quá trình trị vì của vua Lý Thái Tổ, 'Huyền thoại gò Rồng Ấp' là kịch bản dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn.

Sân khấu Lệ Ngọc vừa khởi công dựng Huyền thoại gò Rồng Ấp – vở kịch đầu tiên trên sân khấu Hà Nội kể về sự ra đời của Lý Công Uẩn, do NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn.

Tác giả kịch bản văn học là PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Nội dung kể về một người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, tên là Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì.

Thị Ngà mồ côi cha mẹ, sau khi bố mẹ Thị Ngà qua đời đã được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ hai ông bà đến táng ở gò Rồng Ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng.

NSƯT Triệu Trung Kiên là đạo diễn của Huyền thoại gò Rồng Ấp.

NSƯT Triệu Trung Kiên là đạo diễn của Huyền thoại gò Rồng Ấp.

Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường. Vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.

Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm Kỷ dậu, tức là ba mươi sáu năm sau đó, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, nối quốc thống vững bền, đó chính là triều Lý. Gò Rồng Ấp, chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn”. Điềm báo ấy ứng vào bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà.

Ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên là Hồng Kỳ vô tình biết chuyện, nổi lòng tham bốc mả cha đem táng ở gò Rồng Ấp với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Hắn lại biết Thị Ngà đang mang thai thiên tử nên đã bày đặt âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà.

Thị Ngà vượt qua hết kiếp nạn, để rồi đến kỳ sinh nở, gắng gượng sức tàn cô lê lết đến được cổng chùa Cổ Pháp - nơi sư Khánh Văn trụ trì. Sức cùng, lực kiệt không thể sinh nở, Thị Ngà đã dùng mảnh sành tự rạch bụng để con trẻ được chào đời, cũng là lúc người mẹ nhắm mắt.

Đứa bé được sư Khánh Văn đem về nuôi nấng để rồi sau này lớn lên đã trở thành vị vua mở đầu của triều Lý, người có công dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nay là Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định câu chuyện kịch được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố dã sử, truyền thuyết.

Trong buổi lễ khởi công, báo chí cũng đặt thắc mắc về chi tiết có thể gây tranh cãi về nguồn cội của Lý Công Uẩn, NSND Lệ Ngọc chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn cho biết bà không e ngại vì đây là tác phẩm dựa trên huyền tích dân gian, vẫn được lưu truyền, không phải là một cuốn sách sử.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái với vai trò là cố vấn nghệ thuật của vở diễn cũng cho biết Huyền thoại gò Rồng Ấp không phải vở kịch lịch sử về thời kỳ hoàng kim của nhà Lý mà tập trung lý giải cho người xem về sự khởi nguồn triều Lý.

Bởi thế, câu chuyện kịch được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố dã sử, truyền thuyết, đưa đến những lý giải để người xem hiểu hơn về sự khởi nguồn của một vương triều hưng thịnh nước Việt.

Khuê Tú

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/huyen-thoai-go-rong-ap-su-ra-doi-bi-an-cua-vua-ly-cong-uan-post958354.html