Huyền thoại độc mộc trên dòng Pô Cô

Giữ dòng Pô Cô ầm ào chảy ngược, dòng nước xiết cuộn vào đá tung bọt trắng xóa, chiếc thuyền độc mộc như mũi tên lao bắn đi. Thuyền độc mộc đã từng đánh dấu một thời giao thương của các tộc người vùng Bắc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia; thuyền độc mộc vượt thác ghềnh chở bộ đội qua sông với hình ảnh người anh hùng A Sanh đi vào thơ nhạc qua bài hát "Người lái đò trên sông Pô Cô" (thơ Mai Trang, nhạc Cẩm Phong)...

Già Pêng trong một lần chèo thuyền độc mộc.

Già Pêng trong một lần chèo thuyền độc mộc.

Huyền thoại độc mộc

"Ới Yang, ới Thần núi, Thần sông hãy về đây phù hộ cho cây gỗ đổ xuống yên lành; cho con thuyền dù sóng gió to, gió lớn vẫn bơi như con cá trên sông; cho chủ nó mạnh chân, sáng óc, đi thả lưới lưới mắc nhiều cá, đi rẫy rẫy được nhiều lúa ơ Yang!...". Lời khấn của già Pêng (làng Nú, xã Ia Khai, H. Ia Grai, Gia Lai) vẫn vang đều trong căn nhà sàn. Trong ký ức của ông hiện về dòng sông Pô Cô ngày trước hùng vĩ và xanh thẳm vào mùa khô nhưng hung dữ, hiểm nguy vào mùa mưa. Giữa đại ngàn xanh, dòng Pô Cô réo sôi ghềnh thác, giữa dòng, chiếc thuyền độc mộc dáng thon dài với đường cong mềm mại vẫn lao đi vun vút. Dù va vào đá, chiếc thuyền vẫn gan góc vượt qua, người lái thuyền cầm chắc mái chèo đẩy nhanh, chiếc thuyền lại lao đi bỏ lại phía sau dòng sóng dữ...

Với người Jrai vùng đất này, làm thuyền độc mộc không phải là một nghề, cũng như đẽo tượng nhà mồ. Chẳng ai trả công bao giờ mà chỉ có ghè rượu, con gà vừa cúng Yang được bày ra cho người thợ và chủ thuyền. Thận trọng bước đến bên vách bếp ám khói, già Pêng tháo chiếc rùi cũ kỹ xuống lau chùi. Đó là vật dụng duy nhất để người thợ tạo nên chiếc thuyền từ thân gỗ được hạ xuống. Chỉ một loáng lau chùi, chiếc rìu đã lên màu xanh ánh thép. "Bài khấn Yang vang lên 2 lần, 1 lần hạ cây và lần cuối đưa thuyền xuống nước", già Pêng nói. Đối với người thợ đẽo thuyền độc mộc nơi đây không chỉ có bàn tay khéo léo, chắc chắn mà còn phải có những kiêng kỵ theo luật tục. Như lời già Pêng, khi vào rừng chọn được cây gỗ làm thuyền, cây chưa hạ xuống thì vợ ông ở nhà phải kiêng bổ củi, cuốc đất, không được tắm rửa, gội đầu và nhất là không được làm rượu cúng Yang.

Chiếc thuyền độc mộc nhìn đơn giản bởi được tạo từ thân cây nguyên khối nhưng để có một con thuyền mảnh mai mà bền bỉ vượt thác ghềnh, người thợ phải có con mắt tinh tường và đôi tay khéo léo bẩm sinh... Gỗ dùng làm thuyền thường được chọn là những cây Sao xanh, đường kính từ một người ôm trở lên, dài từ 5-6m. Để chọn được gỗ, người thợ phải đi vào rừng, dựng lán trại ngay bên cạnh gốc cây. Khi cây gỗ hạ xuống, người ta tiến hành đẽo thuyền ngay tại rừng, vừa đẽo vừa đốt lửa hong cho chiếc thuyền khô dần. Sau khi nhìn ngắm, con thuyền hình dung trong đầu của người thợ, những nhát rìu đầu tiên vung lên chắc nịch. Để có con thuyền cỡ trung bình như thế, người thợ phải cần thời gian tối thiểu nửa tháng ở rừng.

Chỉ với đôi bàn tay khéo léo và chiếc rìu, người thợ cần mẫn đẽo từng nhát, hình hài con thuyền độc mộc cứ thế hình thành. Công việc khó nhất, để chiếc thuyền xuống nước không chòng chành, thăng bằng trên mặt nước là cả một kỹ thuật đầy huyền bí của người thợ. Khi chiếc thuyền gần hoàn thiện, người thợ lật úp thuyền xuống, đặt 1 quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Quả trứng đứng yên, không đổ thì chiếc thuyền coi như đã hoàn thiện, chỉ chờ đưa xuống nước.

Già Pêng say sưa kể lại về thuở thanh niên vào rừng làm thuyền độc mộc. Già cũng còn nhớ gần hết những chiếc thuyền độc mộc chính tay mình làm ra dù năm nay đã 70 tuổi. Đôi mắt ông chợt thoáng buồn khi giờ này, tìm cả vùng này cũng chỉ còn vài chiếc thuyền độc mộc và không còn mấy ai làm. Gỗ to đẽo thuyền giờ cũng khan hiếm, thợ làm thuyền cũng không còn mấy ai! Sự phát triển của các loại thuyền máy tiện lợi hơn, nhanh hơn khiến không còn ai sử dụng thuyền độc mộc nữa.

Thuyền xưa lặng lẽ

Xuôi theo dòng Pô Cô, con thuyền độc mộc đã không còn, thi thoảng chỉ bắt gặp con thuyền độc mộc neo bên bờ nhưng đã hư hỏng, nằm im lìm bên bến sông. Nhiều con đường, cầu đã bắc ngang sông nên việc đi lại thuận tiện hơn nên thuyền độc mộc cũng vắng bóng dần... Già Pêng nhớ lại: "Trong làng khi có chiếc thuyền hạ thủy là ngày vui của cả làng, người góp gà, người góp ghè rượu đến chung vui với gia chủ. Cùng với những lời chúc, người thợ làm thuyền được gia chủ mời rượu trước tất cả mọi người như một phần thưởng cao quý và sự tôn trọng của dân làng...".

Xưa kia, các ngôi làng dọc sông Pô Cô ai cũng có thuyền độc mộc. Những chiếc thuyền neo đậu đầy bến sông, gắn với mỗi bước chân lên rẫy, vui buồn với những chuyến xuôi dòng, vượt thác. Mỗi chiếc thuyền có thể chở đến 200kg vẫn lao vun vút giữa dòng nước hung dữ... Trong những năm chiến tranh bom đạn, người lái đò anh hùng A Sanh với chiếc thuyền độc mộc đã đi vào huyền thoại và biết bao người dọc sông Pô Cô này đã hóa thân thành những A Sanh lặng lẽ. Chính già Pêng cũng đã góp sức vào công việc chở bộ đội vượt sông. Ban ngày, những chiếc thuyền độc mộc được dìm xuống sông, khi bóng đêm đổ xuống cũng là lúc những con thuyền độc mộc từ mọi nẻo băng băng chở bộ đội vượt sóng. Những bến phà 6, phà 8, phà 10 đã ghi dấu một thời hào hùng. Cùng với thành tích 10 năm tham gia du kích, già Pêng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì.

Già Pêng giọng buồn buồn: "Từ khi xuất hiện của những chiếc xe máy, việc đi lại thuận tiện khiến niềm vui sông nước của người dân nguội dần. Người ta đua nhau bán thuyền, mỗi con thuyền còn sử dụng được trên chục năm người ta bán cũng chỉ vài triệu đồng. Làng Nú trước nhiều thuyền là thế, giờ vẻn vẹn cũng chỉ còn vài cái thuyền độc mộc".

Sống lại huyền thoại

Sau nhiều năm vắng bóng, một sáng đầu tháng 5, bến đò làng Dăng (xã Ia O, H. Ia Grai, Gia Lai) chợt đông vui như trẩy hội bởi đây là lần đầu tiên, H. Ia Grai tổ chức giải đua thuyền độc mộc trên dòng Pô Cô. Những chiếc thuyền độc mộc nhuốm màu thời gian giờ lại đắm mình trong làn nước xanh thẳm. Ông Lưu Văn Biên, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao H. Ia Grai cho biết: "Toàn huyện có khoảng 50 chiếc thuyền độc mộc, tập trung chủ yếu ở 3 xã biên giới là Ia O, Ia Khai và Ia Krái. Nhiều chiếc thuyền dù đã đẽo cách đây 50-60 năm nhưng vẫn sử dụng rất tốt". Anh Rơ Châm Đih (trú làng Tung Chúc, xã Ia Khai), vận động viên tham gia cuộc đua hào hứng: "Từ nhỏ, mình đã biết chèo thuyền độc mộc rồi. Lúc đó, con thuyền là vật dụng đi rẫy, đi đánh cá của gia đình mình, là nét độc đáo riêng của người dân dọc con sông Pô Cô này. Mong rằng qua cuộc thi quảng bá đến mọi người vẻ đẹp thiên nhiên, con người Ia Grai-quê hương Anh hùng A Sanh". Ngay tại bờ sông chuẩn bị cho cuộc thi, những chiếc thuyền độc mộc nằm thoai thoải cứng cáp nhưng mềm mại. Những nhát đẽo in trên thân thuyền vẫn vẹn nguyên màu thời gian. Nhiều du khách đến xem tỏ ra khá thích thú khi thấy những chiếc thuyền được đẽo từ thân cây gỗ lớn còn nguyên vẹn, không chắp vá...

"Thuyền độc mộc nhiều năm qua không còn dùng nữa, người già có kinh nghiệm về chọn lựa cây gỗ, đến cách tính toán để đẽo nên một chiếc thuyền độc mộc hoàn chỉnh nay cũng chỉ còn vài người. Để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của thuyền độc mộc gắn liền với tên tuổi của người Anh hùng A Sanh-người lái đò trên dòng Pô Cô, UBND huyện đã quyết định lựa chọn loại hình thuyền gỗ truyền thống và dòng sông huyền thoại một thời để tổ chức hội đua thuyền lần này. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị của thuyền độc mộc, nét văn hóa đặc trưng của bà con Gia Rai nơi đây", ông Lê Ngọc Quý-Phó Chủ tịch UBND H. Ia Grai, Trưởng ban tổ chức giải cho biết.

Trên sóng nước xanh thẳm của dòng Pô Cô, những chiếc thuyền độc mộc rẽ nước lao nhanh trong sự hò reo của người dân và du khách. Trong sóng nước mênh mông, con thuyền như nét điểm xuyết giữa nền trời, sông xanh thẳm, đẹp giản dị mà thuần phác như những con người cần cù nơi đây... Tin vui hơn khi giải đua thuyền độc mộc sẽ được địa phương tổ chức thường niên vào dịp 30-4 và 1-5 hàng năm nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo riêng của địa phương, góp phần phát triển du lịch trên dòng Pô Cô huyền thoại này.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_205804_huyen-thoai-doc-moc-tren-dong-po-co.aspx