Huyện Thiệu Hóa với công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Xác định công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, từ tháng 5-2020, UBND huyện Thiệu Hóa đã tổ chức tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2019, qua đó, rút kinh nghiệm và triển khai có hiệu quả nhiệm vụ năm 2020 sát với tình hình thực tế trên địa bàn.

Bãi cát ven sông Chu, địa bàn xã Thiệu Đô tiềm ẩn gây cản trở dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Huyện thành lập ban chỉ huy PCTT&TKCN, xây dựng và phê duyệt 3 trọng điểm đê điều, gồm: đê hữu sông Chu xã Thiệu Tâm tại K37+700, đê hữu sông Chu xã Thiệu Tâm tại K38+900, đê hữu sông Mã tại cống Chấn Long 1 cửa và 10 cửa. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN; thành lập các lực lượng canh đê, xung kích, cứu hộ cứu nạn bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Huyện giao chỉ tiêu vật tư, vật lực cụ thể cho các xã, thị trấn chuẩn bị và đến tháng 7-2020 đã hoàn thành; tổng khối lượng đã chuẩn bị một số vật tư chính, như: Đất 2.600m3/3.381m3, đá hộc 29m3/33m3, đá dăm 26m3/32m3, tre cây 10.690 cây/9.880 cây, bao tải 9.057 cái/9.537 cái. Đi đối với đó, huyện đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng mới bổ sung gồm 530 người (trong đó tập huấn cho lực lượng xung kích là 104 người). Tổ chức diễn tập, báo động kiểm tra khả năng vận hành cơ chế và khả năng huy động nhân lực, phương tiện, vật tư của ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã trong cuối tháng 5 tại xã Thiệu Nguyên. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp cùng các chi nhánh thủy nông, hạt quản lý đê huyện tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu; phát quang cây cối, rào dậu trên mái đê, chân đê. Huyện cũng yêu cầu các xã thực hiện nghiêm túc ứng phó với thiên tai, chủ động xử lý giờ đầu các sự cố công trình theo phương án “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 103 km đê từ cấp I đến cấp V. Trong những năm qua đã được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp, với khối lượng lớn; tuy nhiên, vẫn còn nhiều vị trí đê trọng điểm, xung yếu, ẩn họa khó lường, rất dễ xảy ra sự cố trong mùa mưa, lũ. Thực tế cho thấy, hệ thống đê trên địa bàn huyện vừa có nhiệm vụ ngăn lũ; đồng thời, là các tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối các xã trong vùng. Hệ thống đê cơ bản đủ cao trình chống lũ, tuy nhiên ở nhiều đoạn, mặt cắt đê (chiều rộng, mái đê) chưa đủ theo quy định dễ dẫn đến tình trạng sạt lở mái đê. Tình trạng thẩm lậu qua thân đê vẫn thường xuyên xảy ra, như: đê hữu sông Chu tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Phúc; đê hữu sông Chu tại xã Thiệu Vận... Đùn sủi qua thân đê phía đồng tại thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Vũ... Nhiều đoạn đê sát sông chưa có kè bảo vệ, như: đê hữu sông Chu tại xã Minh Tâm; đê hữu Cầu Chày tại các xã Thiệu Long, Thiệu Giang, Thiệu Quang. Trên địa bàn huyện có 20/25 xã, thị trấn có đê và có 976 hộ với 3.869 người sinh sống vùng ngoại đê. Những năm qua, do ảnh hưởng của bão, lũ chủ yếu gây ngập úng khu dân cư ngoại đê, sạt lở đất chỉ xảy ra một phần ở đất bãi sản xuất nông nghiệp. Trước mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra hệ thống đê điều để đánh giá thực trạng, xây dựng phương án bảo vệ đê điều, phương án bảo vệ điểm xung yếu đê điều; có kế hoạch sửa chữa hư hỏng, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ sửa chữa các công trình vượt khả năng của huyện. Giao chỉ tiêu chuẩn bị nhân lực, vật tư phòng chống lụt bão mới cho các xã, thị trấn. Tổ chức tập huấn, diễn tập về ứng phó với sự cố đê điều ngay từ đầu năm. Rà soát, xây dựng phương án di dời dân ngoài bãi sông, chỉ đạo và tổ chức phát quang rào dậu trên mái đê, hành lang đê và đến nay đã tổ chức phát quang 96.200m2 mái đê.

Được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, trong các năm 2018, 2019, huyện được hỗ trợ đầu tư 16 dự án PCTT, tiêu biểu như: đê hữu sông Dừa, đê tả sông Mậu Khê; xử lý cấp bách đê tả, đê hữu sông Chu, xử lý cấp bách đê hữu sông Mã... Tuy nhiên, công tác PCTT&TKCN ở huyện Thiệu Hóa vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập, như: công tác bảo vệ, hộ đê và di dời dân cư ngoại đê rất khó khăn. Hiện trạng đê còn nhiều ẩn họa, hàng năm thường xuyên xảy ra sự cố đê điều, như sạt lở đê, sạt lở kè, thẩm lậu qua thân đê... nhưng ngân sách huyện, xã hạn chế, nên rất khó khăn trong khắc phục, xử lý sự cố. Lực lượng quản lý đê chuyên trách mỏng trong khi chiều dài đê lớn. Các tuyến đê trên địa bàn đồng thời là các trục giao thông chính nên công tác quản lý xe ô tô chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đê gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các bãi tập kết cát, sỏi ven sông.

Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa bão năm 2020, huyện Thiệu Hóa yêu cầu các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn tiếp tục củng cố, triển khai thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ đê điều, các cống dưới đê trên địa bàn và khi phát hiện các cống yếu, các cống bị hư hỏng phải sửa chữa nhanh, nếu vượt quá khả năng báo cáo huyện kịp thời. Căn cứ phương án PCTT&TKCN, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến và có kế hoạch huy động vật tư trong Nhân dân, huy động lực lượng để ứng phó kịp thời trong trường hợp có sự cố xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác PCTT&TKCN.

Bài và ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-thieu-hoa-voi-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan/123263.htm