Huyện Thanh Oai, Hà Nội:Gần 300 giáo viên hợp đồng trước nguy cơ bị sa thải

Từ ngày 1/9 đến 31/12, hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ bị sa thải. Cuộc sống của nhiều giáo viên có lẽ sẽ khác đi khi UBND huyện thực hiện đúng việc kí kết hợp đồng, quy trình bổ nhiệm.

Nhiều giáo viên hợp đồng của Trường tiểu học Phương Trung 1 tỏ ra lo lắng không biết thời gian tới đây tương lai của mình sẽ như thế nào.

Khai giảng đã qua nhưng nỗi buồn vẫn còn đó

Hơn một tháng đã trôi qua, sau sự việc UBND huyện Thanh Oai ban hành quyết định số 1020/UBND-NV về việc sẽ tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động với 278 giáo viên hợp đồng, nhiều giáo viên nơi đây vẫn lo lắng, không biết cơ hội đứng trên bục giảng của mình có còn nữa hay không.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Thanh Oai tỏ ra hoang mang sau khi nhận được thông báo UBND huyện sẽ tiến hành chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được huyện này ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện. Thẩm quyền ký hợp đồng này được chuyển về cho các nhà trường mà cụ thể là do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền.

Một giáo viên Trường tiểu học Phương Trung 1 cho biết: "Tôi thực sự rất buồn khi nhận được thông báo từ ngày 1/9 đến ngày 31/12 sẽ bị UBND huyện chấm dứt hợp đồng. Hơn một tháng nay, không chỉ tôi mà nhiều giáo viên khác vẫn không hiểu vì sao lại bị UBND huyện chấm dứt hợp đồng khi chúng tôi vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiều năm học qua".

Cùng chung cảnh ngộ là nhiều giáo viên tại các xã Cao Dương, Thanh Cao, Mỹ Hưng... cũng lo lắng cho biết thêm, sau khi chấm dứt hợp đồng, UBND huyện sẽ cho tất cả các giáo viên hợp đồng thi tuyển công chức đợt tới đây. Nếu giáo viên nào đỗ sẽ tiếp tục giảng dạy, nếu trượt thì phải tự tìm cho mình một công việc khác.

Cô giáo N.T.T (Trường tiểu học Phương Trung 1) chia sẻ: “Nếu bị UBND huyện chấm dứt hợp đồng tôi chưa biết đi đâu, về đâu bởi tôi đã có gần 18 năm đứng trên bục giảng. Với tuổi của tôi, để bắt đầu một công việc mới sẽ vô cũng khó khăn”. Cô giáo T mong muốn được tiếp tục giảng dạy, dù đồng lương hợp đồng ít ỏi, bởi cô chỉ nhận được 1,3 triệu đồng/tháng. “Tôi cố gắng theo đuổi sự nghiệp trồng người đến ngày hôm nay cũng là vì đam mê, tình yêu với nghề. Hơn một tháng qua, từ ngày nhận được thông báo của UBND huyện, tôi thật sự mệt mỏi và chán nản. Chưa có một mùa khai giảng nào lại khiến tôi buồn như năm nay”, cô giáo T chia sẻ.

Cần có trách nhiệm với giáo viên

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai, tổng số biên chế trên toàn huyện được giao cả 3 bậc học mầm non, tiểu học, THCS là 2.821 biên chế. Tuy nhiên, toàn huyện hiện chỉ có 2.658 biên chế, thiếu 163 biên chế. Từ năm 1996 đến năm 2015, UBND huyện Thanh Oai đã ký hợp đồng với tổng số 441 giáo viên ở 3 bậc học kể trên. Như vậy, đối chiếu với số biên chế thiếu, sẽ có 278 giáo viên hợp đồng dư thừa. Để giải quyết bài toán dư thừa giáo viên, sắp tới UBND huyện Thanh Oai sẽ tiến hành thi tuyển công chức. Tuy nhiên khi được hỏi, đa số các giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai không một ai dám chắc là mình sẽ đỗ trong kì thi nói trên.

Để giải đáp những thắc mắc trên, PV Báo Gia đình & Xã hội đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Oai. Tuy nhiên gần 1 tuần trôi qua, lãnh đạo huyện vẫn không sắp xếp được lịch làm việc. PV gọi điện thì bị từ chối trả lời với lý do là… bận họp và tiếp công dân.

PV cũng đã trực tiếp đặt câu hỏi cụ thể với với vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai về vai trò trách nhiệm của mình đối với gần 300 giáo viên hợp đồng trên toàn huyện đang đứng trước nguy cơ bị sa thải. Tuy nhiên, vị lãnh đạo bảo vệ quyền lợi cho người lao động của huyện Thanh Oai này từ chối trả lời.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, việc UBND huyện Thanh Oai ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng với các giáo viên thuộc diện hợp đồng trên địa bàn là đúng với thẩm quyền và phù hợp với chủ trương của UBND TP Hà Nội trong việc khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, đây là một vấn đề “lịch sử để lại”, UBND huyện Thanh Oai cần có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo các quyền lợi cho giáo viên như: Chế độ hợp đồng, bảo hiểm, có đề án hướng nghiệp cho các giáo viên sau khi bị chấm dứt hợp đồng. Những giáo viên trẻ thì có thể dễ dàng tìm được công việc mới. Đối với các giáo viên có thâm niên công tác 15-20 năm trở lên, đã có nhiều cống hiến… cần được xem xét, tạo điều kiện cho họ tiếp tục công việc. Có như vậy quyết định của huyện đưa ra mới thật sự hợp tình hợp lý.

Ông Lê Hoàng Huy - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phương Trung 1 cho hay: “Hiện nay, tất cả các giáo viên hợp đồng tại trường tôi và nhiều giáo viên hợp đồng khác trên toàn huyện vẫn được đảm bảo tiếp tục công tác bình thường. Nhưng trong thời gian tới, UBND huyện tổ chức thi công chức, tất cả các giáo viên hợp đồng sẽ phải tiến hành thi tuyển. Nếu thầy cô giáo nào vượt qua thì sẽ được tiếp tục công tác. Ai không đạt, chúng tôi tiến hành làm công tác tư tưởng để chuyển hướng công tác theo đúng chỉ đạo của cấp trên”.

Nguyễn Hiếu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/huyen-thanh-oai-ha-noigan-300-giao-vien-hop-dong-truoc-nguy-co-bi-sa-thai-20180910193919755.htm