Huyện Thạch Thành thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Huyện Thạch Thành có 28 xã, thị trấn, với 142.459 người chủ yếu 2 dân tộc anh em Kinh, Mường cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 49,3%. Những năm qua, huyện luôn xác định thực hiện tốt các chính sách dân tộc để giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống.

Mô hình trồng cây bưởi Diễn của gia đình ông Lê Anh Chúc ở thôn Minh Sơn, xã Thạch Sơn cho thu nhập cao. Ảnh: Khắc Công

Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi tích cực theo hướng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.

Thực hiện các chính sách dân tộc, thông qua các chương trình, như: 134, 135 và chương trình xây dựng NTM, từ năm 2014 đến nay huyện Thạch Thành được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trên 60 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn này, huyện đã đầu tư xây dựng 100 công trình, trong đó có 72 công trình giao thông, 18 công trình giáo dục, 7 công trình thủy lợi, 3 công trình văn hóa. Các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 5 năm qua, Nhà nước cũng hỗ trợ sản xuất cho 1.362 hộ nghèo, hộ cận nghèo mua trâu, bò với tổng nguồn vốn 12 tỷ 210 triệu đồng. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) cho người dân được quan tâm. Hằng năm, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các trung tâm giáo dục cộng đồng các xã, thị trấn mở hàng trăm lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt người dân tham gia, góp phần nâng cao năng lực, kiến thức KHKT, hiểu biết pháp luật và nâng cao dân trí cho cán bộ cơ sở và người vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, như tặng quà nhân các ngày lễ, tết; tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh.

Nhìn chung, các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước 5 năm qua đã phát huy có hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS trong huyện. Tốc độ phát triển kinh tế đạt khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 15,4%, trong đó năm 2018 đạt 15,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 35,2 triệu đồng. Sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng tăng năng suất, giá trị, hiệu quả; phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng liên doanh, liên kết, đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo được quan tâm, nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi bước đầu đã khai thác được tiềm năng, lợi thế vùng miền. Huyện tập trung phát triển cây trồng có giá trị thu nhập cao trên một diện tích, như: Mía, dứa gai, cam, bưởi, thanh long, ổi... đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt. Đến nay, huyện đã chuyển đổi được 411,3 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao hơn; tiếp tục thực hiện 30 cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung ở cả 2 vụ, đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 433 ha cam, bưởi; hơn 76 ha ổi; 72 ha thanh long; 815/4.451 ha mía nguyên liệu cánh đồng lớn và thâm canh, cho năng suất đạt 100 tấn/ha. Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, phát triển chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời thu hút các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung quy mô lớn, như: Công ty NewHope quy mô 18.000 lợn mẹ sinh sản, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 50 triệu USD ở xã Thạch Tượng; Công ty Japfa chăn nuôi gà tại xã Ngọc Trạo... Đến nay, huyện đã có 1.297 trang trại, trong đó có 13 trang trại theo tiêu chí Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 1.284 trang trại theo tiêu chí của huyện; công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được quan tâm. Năm 2018, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt gần 60 tỷ đồng; tổ chức cấp chứng chỉ 1.456,5 ha rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng nhanh, tổng giá trị ngành công nghiệp, xây dựng đạt 3.885,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho 9.230 lao động. Riêng Nhà máy May xuất khẩu S&H Vina đã thu hút 6.500 lao động; dịch vụ, thương mại, du lịch có bước phát triển vượt bậc, tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng; việc huy động vốn cho đầu tư phát triển toàn xã hội luôn vượt kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước...

Hoạt động văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được quan tâm, với việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và tăng cường cơ sở vật chất trường học; hệ thống trường lớp học đã được xây dựng kiên cố, có 62,6% trường học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống y tế từ huyện đến xã được đầu tư, với 100% thôn, bản có nhân viên y tế, trạm y tế xã có bác sĩ, có 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được khôi phục và phát triển, dịch vụ du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ngày càng mở rộng, thu hút hàng nghìn du khách đến với Thạch Thành. Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng NTM được các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo quyết liệt, nhân dân đồng thuận thực hiện đạt hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 9 xã, 95 thôn đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 15,46 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các ngành cấp trên huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Nhà ở, nước sạch, điện, vệ sinh môi trường, y tế, tiếp cận truyền thông, pháp luật... Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS của huyện đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; hệ thống đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi, 27/28 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã, 100% số xã, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, 90,3% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,38%.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền không ngừng được củng cố và phát triển. Các cấp ủy đảng đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp được triển khai sâu rộng đã tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đến nay, toàn đảng bộ có 60 tổ chức cơ sở đảng, với 7.665 đảng viên, trong đó có 2.773 đảng viên người DTTS. Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc được triển khai hiệu quả đã góp phần giúp huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2019-2024, huyện Thạch Thành tiếp tục tập trung vào các mục tiêu, như: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS để phát triển kinh tế; quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ là người DTTS; giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng - an ninh; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS dưới 6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; 100% hộ DTTS không còn nhà tạm bợ, dột nát...

Lê Đình Thảnh

Phó Chủ tịch UBND

huyện Thạch Thành

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/huyen-thach-thanh-thuc-hien-hieu-qua-cac-chinh-sach-dan-toc/101703.htm