Huyện Thạch Thành thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, những năm qua, huyện Thạch Thành đã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành các đơn vị có liên quan của tỉnh nhằm quảng bá, khai thác tiềm năng, lợi thế trên địa bàn để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Sản xuất đồ mộc tại xã Thành Hưng (Thạch Thành).

Sau khi có nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển CN - TTCN, UBND huyện Thạch Thành đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút đầu tư phát triển CN – TTCN. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc công khai quy hoạch, cơ chế, chính sách về phát triển CN - TTCN. Nhờ vậy từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực CN - TTCN trên địa bàn đạt 1.898,5 tỷ đồng. Huyện cũng đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch hệ thống các khu, cụm CN - TTCN, như: Cụm Công nghiệp Vân Du, Khu Công nghiệp Thạch Quảng, Cụm Công nghiệp Đồng Khanh... Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển CN - TTCN nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai đầu tư xây dựng 4 khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung tại các xã: Thành Hưng, Thành Kim, Thành Vinh và Thạch Cẩm. Xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện việc khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ các nghề hiện có và du nhập các nghề mới vào địa bàn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực được các cấp chính quyền trong huyện quan tâm, chú trọng. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn, hàng năm, huyện mở các lớp tập huấn, đào tạo, truyền nghề tại các xã Thành Long, Thành Hưng, Thành Mỹ... với khoảng hơn 300 học viên được đào tạo nghề. Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng để phát triển nghề sửa chữa cơ khí phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân... 9 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Thạch Thành đã đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho nhiều lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điển hình như Công ty S&H Vina (Hàn Quốc) có trụ sở tại xã Thành Tâm hiện đang giải quyết việc làm cho gần 6.300 lao động với mức thu nhập trung bình đạt từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Lĩnh vực TTCN trên địa bàn huyện trong những năm qua cũng có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực TTCN của địa phương còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên doanh, liên kết, gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư còn hạn chế.

Với phương châm tăng cường thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Thạch Thành chủ trương thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách để huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/521mgv/new-article.aspx