Huyện Thạch Thành phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Xác định mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, huyện Thạch Thành tập trung chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn.

Nông dân xã Thành Hưng (Thạch Thành) chăm sóc rau an toàn.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng, triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả kinh tế, như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, với tổng diện tích hơn 822 ha trên địa bàn 7 xã Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Vinh, Thành Trực, Thạch Sơn, Thạch Bình, Thành Tân; 15 cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung, với tổng diện tích 1.223 ha, trên địa bàn 15 xã và đưa giống lúa có năng suất, chất lượng vào sản xuất kết hợp sử dụng phân viên nén chậm tan... Huyện liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam khảo sát, phân tích thổ nhưỡng và phát triển vùng cây ăn quả có múi trên diện tích đất trang trại, đất vườn rừng, với tổng diện tích 1.456,24 ha; xây dựng vườn ươm phục tráng cam Vân Du và các loại cây ăn quả có múi khác trên địa bàn, đến nay đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận nhãn hiệu cam Vân Du. Ngoài ra, huyện đã lựa chọn, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất phù hợp và phát huy lợi thế của từng địa phương để từ đó nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện đã lựa chọn và giao UBND các xã làm chủ đầu tư thực hiện 119 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Việc thực hiện các mô hình phát triển sản xuất gắn với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giá trị sản phẩm được tăng lên, sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng, đây là cơ sở tiền đề cho việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo. Có nhiều mô hình phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao, như: Mô hình thực hành nông nghiệp tốt trong trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thành Vân; mô hình xây dựng thương hiệu mía tím Kim Tân tại xã Thành Trực; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thành Kim; mô hình xây dựng thương hiệu lúa nếp hạt cau tại 2 xã Thạch Bình, Thạch Đồng... Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện đã thực hiện tốt việc hỗ trợ thực hiện xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất thuộc chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn; trong đó, tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê... Nhờ thực hiện tốt công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với chương trình giảm nghèo bền vững; hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn 7,38%.

Đi đôi với đó, trong quá trình huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng NTM, huyện đã chỉ đạo các xã phát huy quyền chủ động của người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn. Việc quản lý nguồn lực phục vụ xây dựng NTM, trong đó có việc huy động từ người dân đều được công khai, minh bạch, đúng theo quy định. Để tạo sự đồng thuận và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, thời gian qua, huyện Thạch Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Ban chỉ đạo huyện xác định mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình xây dựng NTM cũng được triển khai theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm và dân hưởng thụ”. Qua đó, nhằm khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của nhân dân vào công cuộc xây dựng NTM cả về kinh tế, văn hóa - xã hội. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM ở huyện Thạch Thành được thể hiện bằng việc người dân trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch NTM tại địa phương. Tất cả các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của người dân và do người dân bàn bạc, đề xuất, quyết định.

Trong giai đoạn 2011-2019, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 698,53 km đường giao thông nông thôn; trong đó, xây dựng mới và nâng cấp cải tạo 140,8 km đường trục xã, liên xã; 228,15 km đường trục thôn; 173,43 km đường ngõ xóm và 156,15 km đường trục chính nội đồng; tổng nguồn vốn 607,314 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 8 chợ nông thôn, với tổng kinh phí 32,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn huy động từ các doanh nghiệp... Các công trình đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện đều được thực hiện đúng theo quy định, tất cả các công trình phúc lợi đều được cân đối nguồn vốn phù hợp, nhất là việc thẩm định vốn đối ứng từ ngân sách các địa phương, vốn nhân dân đóng góp nên không xảy ra kiến nghị, nợ đọng. Đến nay, tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 8 xã, chiếm 30,77% tổng số xã. Hiện nay có 1 xã đã được thẩm định và đang chờ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM của Chủ tịch UBND tỉnh và 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định xét công nhận trong năm 2019. Bên cạnh đó, năm 2019, huyện đang phấn đấu xây dựng 1 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (xã Thành Hưng).

Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận để quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm trên thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện tốt và có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm huy động nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/huyen-thach-thanh-phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi/107819.htm