Huyện Tân Phú: Cùng người dân thoát nghèo

Với mục tiêu giảm số hộ nghèo và cận nghèo bền vững, bằng những chương trình hỗ trợ hiệu quả, huyện Tân Phú đã hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong năm qua.

Nuôi bò, dê là những mô hình thoát nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Phú những năm qua. Ảnh: T.Mộc

Nuôi bò, dê là những mô hình thoát nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Phú những năm qua. Ảnh: T.Mộc

Ngay từ đầu năm 2019, các cơ quan chức năng của huyện Tân Phú đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, qua đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo như: hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, xây nhà tình thương... cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ mới thoát nghèo.

* Nhiều giải pháp hiệu quả

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Tỉnh ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 của huyện Tân Phú, ông Bùi Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú chia sẻ, huyện Tân Phú có nhiều cơ hội giảm hộ nghèo trong thời gian tới. Bởi theo ông Nam, Tân Phú vừa thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, nhu cầu tuyển dụng khoảng 12 ngàn lao động, đây sẽ là cơ hội cho Tân Phú cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Song song đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ vốn và nhân rộng những mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững như thời gian qua.

Ông Đinh Văn Án, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú cho biết, để bà con thoát nghèo hiệu quả, ngay từ đầu, huyện đã lựa chọn những mô hình kinh tế tiêu biểu để nhân rộng cho các hộ nghèo cùng tham gia. Những mô hình được chọn đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, kiến thức, hoàn cảnh của từng hộ nghèo và có tính khả thi cao. Từ đó, dự án nhân rộng mô hình, vừa tạo được việc làm cho người dân, từng bước giúp các hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa bổ sung kiến thức cho các hộ dân tham gia dự án góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo ông Án, để thực hiện các nội dung của dự án, Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện đã cử nhân viên phụ trách trực tiếp giám sát, theo dõi công tác triển khai tổ chức thực hiện. Ngoài ra, tham mưu cho UBND huyện đôn đốc, nhắc nhở các cấp chính quyền, mặt trận và đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ từ công tác lựa chọn mô hình, bình chọn hộ tham gia dự án đến khâu tổ chức kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật theo dõi quá trình phát triển của cây, con giống để có những can thiệp kịp thời. Đặc biệt là có sự đồng thuận của chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác dạy nghề, tăng cường cán bộ thú y cơ sở để phòng trừ dịch bệnh.

* Thoát nghèo bền vững

Từ những chuẩn bị chu đáo ban đầu của chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện những năm qua liên tục hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Nhiều gia đình, cả với nhiều gia đình là anh em với nhau được thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ của huyện.

Đầu năm 2019, toàn huyện có 1.628 hộ nghèo, chiếm 3,88% số hộ dân trong huyện (trong đó 825 hộ nghèo mức A, 803 hộ nghèo mức B). Tổng số hộ cận nghèo đầu năm 2019 trên địa bàn huyện là trên 3 ngàn, chiếm 7,2% số hộ dân (trong đó có 349 hộ là dân tộc thiểu số, 156 hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội, 4 hộ là đối tượng chính sách, người có công. Theo chỉ tiêu phấn đấu cuối năm 2019, toàn huyện có 513 hộ nghèo mức A vượt chuẩn nghèo, giảm 1.230 hộ cận nghèo. Sau 1 năm thực hiện, đến cuối năm 2019, toàn huyện giảm 514 hộ, đạt 100,2% chỉ tiêu. Hộ cận nghèo giảm 1.216 hộ.

Điển hình là các gia đình: bà Nguyễn Thị Lành, ông Nguyễn Hữu Phúc và ông Nguyễn Hữu Bình An (ngụ ấp Ngọc Lâm 2, xã Phú Xuân) là 3 hộ nghèo đều là anh em ruột được trợ cấp vay vốn để phát triển mô hình nuôi bò, dê. Trong số đó, hộ ông Nguyễn Hữu Phúc đã thoát nghèo bền vững nhờ mô hình nuôi dê, hiện tại gia đình ông Phúc đã phát triển đàn dê lên đến hàng chục con, kinh tế gia đình đang dần khấm khá. Ngay cạnh nhà ông Phúc, hộ bà Nguyễn Thị Lành cũng vừa được thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò sinh sản vào năm 2019, hộ cận nghèo là người em út Nguyễn Hữu Bình An cũng được vay 30 triệu đồng để đầu tư nuôi dê. Sau gần 1 năm vay vốn, đàn dê 6 con ban đầu nay đã tăng lên 12 con, hiện ông An đang tiếp tục đầu tư để phát triển mô hình kinh tế trên.

Tương tự, hộ ông Hoàng Thanh Tú (ấp Suối Đá, xã Thanh Sơn) cũng nhận được sự hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo của huyện để nuôi bò và chăm sóc vườn tiêu có diện tích 5 sào của gia đình. Ông Tú chia sẻ, số tiền ý nghĩa trên đã giúp gia đình ông xoay xở khi khó khăn, bên cạnh số tiền vay làm ăn thoát nghèo, ông Tú còn được hỗ trợ 1 căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, giúp gia đình ông có nơi ăn chốn ở ổn định, cuộc sống đổi thay từng ngày. “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo của huyện đã giúp những hộ gia đình nghèo như tôi trải qua giai đoạn khó khăn nhất để ổn định cuộc sống. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều gia đình được hưởng chính sách như trên để cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, người dân có cuộc sống ấm no” - ông Tú bộc bạch.

Thủy Mộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202001/huyen-tan-phu-cung-nguoi-dan-thoat-ngheo-2984575/