Huyện Sóc Sơn, Hà Nội xây dựng nông thôn mới bền vững

Chiều 11/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã dẫn đầu Đoàn công tác kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về 'Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020' tại huyện Sóc Sơn.

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2018 đến nay, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ước đạt 1.960,7 tỷ đồng, tăng 2,66% so với cùng kỳ. Diện tích cây ăn quả 1.170ha tăng 1,5% so với cùng kỳ. Vùng sản xuất chè an toàn và VietGap trên 200ha, 330ha rau an toàn, 148ha hoa nhài, 35ha dưa lê,... Huyện đã chuyển đổi khoảng 125ha lúa sang cây trồng khác như: Rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu.

Trên địa bàn huyện đã hình thành 4 khu sản xuất nấm, trong đó, có 1 khu sản xuất nấm công nghệ cao, 6 hợp tác xã và công ty sản xuất nấm. Hình thành thêm 2 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản... góp phần nâng cao đời sống của nông dân. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 161 triệu đồng (nhiều vùng giá trị đạt từ 350 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 39,5 triệu đồng/người/năm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất nông nghiệp. Ảnh: CGTĐT TP Hà Nội

Ngoài phát triển trồng trọt chăn nuôi, huyện cũng tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Huyện đã khảo nghiệm được nhiều giống lúa chất lượng cao phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng bao gồm các giống lúa chất lượng: TBR225, M1-NĐ, HDT10, Japonica, giống ngô nếp HN88; một số loại cây ăn quả như: thanh long, bưởi Diễn, đu đủ; sử dụng các giống nuôi cấy mô chuối tiêu hồng, hoa phong lan.

Hiện nay, huyện đã có 18/25 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Số xã đã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí là 3 xã (Việt Long, Bắc Phú, Minh Phú). Từ đầu năm 2018, huyện đã tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo nâng cấp 71,83km đường trục xã, thôn. Hoàn thành xây dựng 191,12km giao thông ngõ xóm thực hiện cơ chế đặc thù nhà nước và nhân dân cùng làm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp từ huyện đến cơ sở.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương và đánh giá cao những kết quả về xây dựng Nông thôn mới mà huyện Sóc Sơn đã đạt được. Tuy nhiên, để phát huy tối đa những kết quả đã đạt được, huyện cần nghiên cứu phát triển quy hoạch nông thôn mới theo hướng đô thị vệ tinh; quy hoạch về văn hóa, y tế, giáo dục...

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CGTĐT TP Hà Nội

Thời gian tới, huyện cần chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ để có định hướng phát triển du lịch, nhất là các loại hình về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát triển các khu vui chơi cho người dân nội đô. Phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là nghiên cứu phát triển du lịch ở khu vực đền Gióng Sóc Sơn, các di tích lịch sử văn hóa lâu đời.

Phó Bí thư Thành ủy lưu ý huyện cần quản lý chặt chẽ về đất đai, xây dựng, hạn chế các sai phạm về đất rừng để khi các dự án đi vào thực tế mới không bị vướng vào công tác GPMB. Riêng đối với xây dựng NTM từ huyện đến xã cần thực hiện quyết liệt hơn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, để người dân đồng thuận tham gia cùng thực hiện. Tuyên truyền để người dân nông thôn đoàn kết, giúp nhau làm giàu, xây dựng phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Bên cạnh đó, huyện cần xây dựng thêm các mô hình về sản xuất nông nghiệp sạch, nghiên cứu cây trồng cho giá trị kinh tế cao, đồng thời, tận dụng được lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu. Chú trọng khuyến khích tạo mọi điều kiện để cho doanh nghiệp tham gia và phát triển du lịch, doanh nghiệp đầu tư và phát triển giáo dục, y tế, giao thông, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đối với nông dân, cần đào tạo cho hội viên nông dân về dậy nghề, đào tạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/huyen-soc-son-ha-noi-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-44591