Huyện Quốc Oai: Phát triển ngày một toàn diện sau 10 năm về với Thủ đô

Đó là những cảm nhận và đánh giá của hầu hết những ai đã từng gắn bó và chứng kiến những đổi thay tươi mới của một vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội.

Sức bật từ một chủ trương đúng

Quốc Oai được biết đến là một huyện nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có hai tuyến giao thông trọng yếu chạy qua là đường Láng - Hòa Lạc và đường Hồ Chí Minh nên có nhiều lợi thế phát triển đô thị và công nghiệp.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện có hơn 150 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 32 di tích đã được nhà nước xếp hạng. Trong đó, quần thể di tích, danh thắng chùa Thầy là một điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng chục vạn lượt khách tham quan, vãn cảnh.

Song, để có được diện mạo ngày một tươi mới như ngày hôm nay của Quốc Oai không thể không nhắc đến dấu mốc vô cùng đáng nhớ của ngày 1/8/2008 khi Quốc Oai chính thức sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết 15 của Quốc hội về Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Kể từ đó đến nay, Quốc Oai đã trở thành một huyện của Hà Nội, hòa cùng mạch đập phát triển sống động của Thủ đô. Báo cáo của UBND huyện Quốc Oai về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1/8/2008 – 1/8/2018) cho thấy, sau 10 năm sáp nhập với Hà Nội, huyện Quốc Oai đã có sự phát triển toàn diện về mọi mặt: Kinh tế tăng trưởng nhanh, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội được quan tâm đầu tư; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, trước khi hợp nhất, Quốc Oai là huyện còn khó khăn, kinh tế chủ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức do nguồn đầu tư hỗ trợ của tỉnh Hà Tây còn hạn chế.

Thời điểm đó, tổng giá trị sản xuất là 3.460,5 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 97,2 tỷ dồng; chi ngân sách Nhà nước địa phương 337,47 tỷ đồng. Số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 20/20 xã, thị trấn (theo tiêu chí cũ); Có 21 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh 10%.

Vậy mà, chỉ sau 10 năm hợp nhất về Thủ đô Hà Nội, huyện Quốc Oai đã có sự phát triển toàn diện về mọi mặt. Trong đó, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của huyện ngày càng cao, đạt bình quân 11%/năm; Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2017 đạt 10.088,4 tỷ đồng (năm 2008 là 3.460,5 tỷ đồng); tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt trên 781 tỷ đồng (năm 2008 là trên 97 tỷ đồng); chi ngân sách nhà nước năm 2017 là trên 2.031 tỷ đồng (năm 2007 là trên 337 tỷ đồng).

Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của Quốc Oai chuyển dịch tích cực, theo hướng phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng năm 2017 của huyện là 5.849 tỷ đồng (năm 2008 là 1.759,6 tỷ đồng); tổng giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ năm 2017 là 2.786 tỷ đồng, tăng 288% so với năm 2008 (717,6 tỷ đồng).

Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, năm 2017 là 39 triệu đồng/người/năm, gấp 4,1 lần so với năm 2008 (9,5 đồng/người/năm) và hết năm 2018, huyện phấn đấu đạt 44 triệu đồng/người/năm; đến cuối năm 2017, toàn huyện còn lại 258 hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, chiếm 0,48%.

Huyện Quốc Oai cũng đã hoàn thành hệ thống cấp nước sạch 18/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch là 70%, phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành cấp nước sạch 21/21 xã, thị trấn.

Đáng chú ý, đến hết năm 2017, Quốc Oai đã hoàn thành 20/20 xã đạt tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Hiện nay, huyện đang đang duy trì, nâng cao tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời triển khai các bước để huyện được công nhận huyện nông thôn mới.

Cùng với đó, tính đến hết năm 2017, toàn huyện Quốc Oai đã có 49/73 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,1% (dẫn đầu khối huyện của Thành phố); 21/21 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia và Bệnh viện đa khoa huyện được xây mới, nâng cấp đạt bệnh viện hạng II, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Huyện cũng đã thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trên địa bàn huyện có 85 thôn, tổ dân phố đã có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thư viện, tủ sách, thể dục thể thao phát triển. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2008 là 85% năm 2018 là 88%; tỷ lệ làng được công nhận danh hiệu làng văn hóa năm 2008 là 52% năm 2017 là 99% (tăng 47%).

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Với lợi thế riêng có cùng sự quan tâm của Thành phố trong 10 năm qua, tổng nguồn lực đầu tư cho huyện đạt trên 5.273 tỷ đồng, góp phần triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho huyện Quốc Oai, như: Đường 421B, đường trục chính Bắc - Nam đô thị Quốc Oai; đường Trại Cá - Phú Cát giai đoạn II, đường Ngọc Liệp (từ Đại lộ Thăng Long đi Cấn Hữu); đường 421A, 421B (từ cầu vượt đi Sài Sơn)… Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông nông thôn của Quốc Oai cũng đã cơ bản được cứng hóa trên 90%, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân địa phương.

Một điểm nhấn đáng chú ý nữa là ngành công nghiệp của Quốc Oai cũng từng bước phát triển ổn định, chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế của địa phương. Theo đó, trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện có 2 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Ngọc Liệp quy mô 21,4 ha thu hút 21 nhà đầu tư; Và cụm công nghiệp Yên Sơn, diện tích 8,78 ha, thu hút 6 doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay các doanh nghiệp đang hoạt dộng, sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, góp phần thúc dẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng được Quốc Oai chú trọng phát triển, đặc biệt là các nghề truyền thống như: Sản xuất miến dong, đồ mộc dân dụng, đan lát, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành.

Cùng với đó, huyện Quốc Oai cũng đã và đang khai thác có hiệu quả khu du lịch Chùa Thầy, quần thể núi đá vôi Sài Sơn - Phượng Cách - Hoàng Xá, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ngoài ra, Khu du lịch Tuần Châu Hà Nội được đầu tư và đang từng bước đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn trong thu hút, phát triển du lịch, dịch vụ của huyện trong những năm tới.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được trong chặng đường 10 năm hợp nhất về Thủ đô của Quốc Oai càng khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời những kết quả đó cũng là động lực, là tiền đề để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quốc Oai tiếp tục gặt hái thêm những thành quả mới trên chặng đường đi tới.

Lan Chi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//huyen-quoc-oai-phat-trien-ngay-mot-toan-dien-sau-10-nam-ve-voi-thu-do_n38735.html