Huyện Quốc Oai - Hà Nội: Phát triển kinh tế-xã hội toàn diện hơn sau 10 năm sáp nhập

Sau 10 năm hợp nhất, ngành dịch vụ-thương mại của huyện Quốc Oai được phát triển, mở rộng giao thương. Nơi đây cách trung tâm không xa, là điều kiện thuận lợi để cung cấp các sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, nông sản cho nội đô.

Theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1-8-2008 - 1-8-2018), sau 10 năm Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã có nhiều tín hiệu tích cực với sự phát triển kinh tế-xã hội toàn diện hơn.

Trước khi hợp nhất, Quốc Oai có điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển; thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức do nguồn đầu tư thấp, nguồn đầu tư hỗ trợ của tỉnh Hà Tây còn hạn chế.

Thời điểm đó, tổng giá trị sản xuất là 3.460,5 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 97,2 tỷ dồng; chi ngân sách Nhà nước địa phương 337,47 tỷ đồng. Số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 20/20 xã, thị trấn (theo tiêu chí cũ); Có 21 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh 10%.

Du lịch Quốc Oai đã khai thác có hiệu quả các di tích quốc gia. ẢNH: VÂN HÀ

Du lịch Quốc Oai đã khai thác có hiệu quả các di tích quốc gia. ẢNH: VÂN HÀ

Sau khi hợp nhất, UBND huyện đã bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc đảm bảo hợp lý, tiết kiệm; kịp thời ổn định tổ chức, con người để triển khai thông suốt mọi công việc. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn, trung hạn, hàng năm. Mục tiêu phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống của nhân dân; chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ đi đôi phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch cung cấp cho nội đô. Triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và các quy hoạch ngành. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã-hội 5 năm và hàng năm.

Sau 10 năm hợp nhất, đến nay tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ngày càng cao, bình quân 11% năm; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2017 đạt 10.088,4 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2017 là 781.825 tỷ đồng, tăng 8,05% so với năm 2008… Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, năm 2017 là 39 triệu đồng/người/năm.

Ngành công nghiệp từng bước phát triển ổn định, chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế của địa phương. Trên địa bàn huyện có 2 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Ngọc Liệp quy mô 21,4 ha thu hút 21 nhà đầu tư; cụm công nghiệp Yên Sơn diện tích 8,78 ha, thu hút 6 doanh nghiệp đầu tư; khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai tổng diện tích 155,12 ha. Hiện nay các doanh nghiệp đang hoạt dộng, sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần thúc dẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng năm 2017 là 5.849 tỷ đồng, năm 2008 là 1.759,6 tỷ đồng, tăng 3,3%. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề dược chú trọng đặc biệt là các nghề truyền thống như: Sản xuất miến dong, đồ mộc dân dụng, đan lát, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung được tập trung chỉ đạo, làm cơ sở dế phát triển sản xuất. Một số công trình quan trọng sử dụng vốn ngân sách TP giao huyện làm chủ đầu tư như: Đường 421B, đường trục chính Bắc-Nam đô thị Quốc Oai… Một số dự án cấp bách phục vụ sản xuất nông nghiệp được ngân sách TP hỗ trợ như tuyến đê bối sông Tích, hệ thống thủy lợi... Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn: 2008-2018 là 5.273,833 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau 10 năm hợp nhất ngành dịch vụ-thương mại được phát triển, mở rộng giao thương. Tổng giá trị sản xuất ngành năm 2017 là 2.786 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2008; mức trung bình tăng hàng năm là 16%. Các ngân hàng chính sách, Quỹ tín dụng hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất.

Cùng đó, ngành du lịch khai thác có hiệu quả đặc biệt là khu du lịch chùa Thầy, quần thể núi vôi Sài Sơn-Phượng Cách-Hoàng Xá được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Khu du lịch Tuần Châu Hà Nội được đầu tư đang từng bước đi vào hoạt động là tiềm năng mở rộng hoạt động du lịch trên địa bàn.

Huyện cũng đã thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trên địa bàn huyện có 85 thôn, tổ dân phố đã có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thư viện, tủ sách, thể dục thể thao phát triển. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2008 là 85% năm 2018 là 88%; tỷ lệ làng được công nhận danh hiệu làng văn hóa năm 2008 là 52% năm 2017 là 99% (tăng 47%).

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huyen-quoc-oai-ha-noi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-toan-dien-hon-sau-10-nam-sap-nhap-115335.html