Huyện Quảng Xương: Tạo sự đồng thuận trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Xác định được tầm quan trọng đó, cùng với các địa phương khác trong toàn tỉnh, huyện Quảng Xương đã và đang đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đúng kế hoạch sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Quảng Tân và thôn Tân Hậu trao đổi, nắm bắt tâm tư của người dân về việc sáp nhập xã.

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Quyết định số 1649/QĐ-UBND ngày 5-5-2019 của UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh, năm 2019, huyện Quảng Xương có 7 xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp thành 3 xã, thị trấn. Cụ thể: Sáp nhập các xã Quảng Phong, Quảng Tân vào thị trấn Quảng Xương, đổi tên thị trấn Quảng Xương thành thị trấn Tân Phong; sáp nhập xã Quảng Lĩnh và xã Quảng Lợi để thành lập xã Tiên Trang; sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc. Sau khi sáp nhập, huyện Quảng Xương còn 26 ĐVHC trực thuộc, gồm 25 xã và 1 thị trấn. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019, huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã thông qua nhiều hình thức như các hội nghị, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; cổng thông tin điện tử... Qua đó, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho cử tri, để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của việc lấy ý kiến; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri; tạo sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Hoài, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tân - một trong những đơn vị cấp xã thuộc diện sáp nhập cho biết: Theo phương án đã xây dựng, xã Quảng Tân sẽ sáp nhập với các xã Quảng Phong, thị trấn Quảng Xương thành thị trấn Tân Phong. Quá trình triển khai thực hiện, qua nắm bắt tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã cho thấy những băn khoăn, tâm tư, như: Địa bàn mở rộng, xa hơn, việc quản lý địa bàn, đi cơ sở của cán bộ, công chức sẽ khó khăn hơn; 3 đơn vị sáp nhập thì số cán bộ, công chức dôi dư khá nhiều, vậy bố trí, sắp xếp như thế nào để bảo đảm được việc làm của cán bộ...? Xác định đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, xã đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị quán triệt tới cán bộ, đảng viên và người dân về mục tiêu, kế hoạch sáp nhập xã của huyện. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ: Thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị, trước đó, huyện Quảng Xương đã tổ chức lập, trình phê duyệt quy hoạch đô thị - thị trấn Quảng Xương, bao gồm toàn bộ diện tích của thị trấn và một số xã giáp ranh; việc nhập xã vào thị trấn là đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn, cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị thay cho chính quyền nông thôn, phù hợp với quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, góp phần tăng tỷ lệ đô thị hóa của huyện và của tỉnh. Do vậy, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã đồng tình với chủ trương, phương án sáp nhập xã, hướng tới hình thành đô thị trong tương lai.

Đồng chí Lê Huy Kỳ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, phụ trách Huyện ủy huyện Quảng Xương cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi công tác sắp xếp cán bộ chủ chốt của huyện nên tiến độ thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp xã bị chậm. Sau khi kiện toàn nhân sự chủ chốt, huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính huyện, giao trực tiếp cho đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Huy động các đồng chí trong thường trực huyện ủy, lãnh đạo các ban, ngành, tham gia ban chỉ đạo. Đến ngày 31-5, có 7/7 đơn vị hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, đạt tỷ lệ quy định. Quá trình triển khai tại các đơn vị, có vướng mắc như khi sáp nhập xã Quảng Vọng với xã Quảng Phúc, phương án lấy tên ĐVHC mới là Quảng Phúc thì một số người dân ở Quảng Vọng chưa thống nhất cao, nhiều người đề xuất lấy tên là Phúc Vọng. Tuy nhiên, dựa trên truyền thống lịch sử của địa phương, trong tuyên truyền phải giải thích cho bà con hiểu việc lấy tên Quảng Phúc là phù hợp, vì Quảng Vọng trước đây cũng tách từ Quảng Phúc, tên Quảng Phúc cũng là cái tên đẹp, có ý nghĩa. Sau khi được giải thích, tuyên truyền, cơ bản nhân dân xã Quảng Vọng đã thống nhất lấy tên gọi mới là Quảng Phúc.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, khi sáp nhập ĐVHC cấp xã khó khăn lớn nhất là bố trí cán bộ, công chức. Theo kế hoạch, sau sáp nhập ĐVHC, thị trấn Tân Phong có 58 cán bộ, công chức, số dôi dư là 35 người (nếu thị trấn được bố trí tối đa 23 người theo quy định); xã Tiên Trang có 36 cán bộ, công chức, số dôi dư 13 người (nếu thị trấn được bố trí tối đa 23 người theo quy định); xã Quảng Phúc có 37 cán bộ, công chức, số dôi dư 16 người (nếu thị trấn được bố trí tối đa 21 người theo quy định). Để giải quyết bài toán này, huyện Quảng Xương dự kiến sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức trong giai đoạn 2020-2025 theo các phương án như sau: Bố trí, sắp xếp đến các đơn vị còn thiếu; tiếp nhận, bố trí làm công chức cấp xã; tuyển dụng làm công chức cấp huyện; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp; nghỉ hưu theo quy định; thực hiện tinh giản (nếu đủ điều kiện và theo nguyện vọng cá nhân)...

Cùng với sự thống nhất, sâu sát, chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tin tưởng rằng, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương sẽ bảo đảm theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-quang-xuong-tao-su-dong-thuan-trong-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa/104284.htm