Huyện Quang Bình (Hà Giang) đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc

Trong những năm qua, các chính sách dân tộc được huyện Quang Bình triển khai với những nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tế. Huyện đã xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách về dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ của đồng bào dân tộc xã Tân Nam, huyện Quang Bình.

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ của đồng bào dân tộc xã Tân Nam, huyện Quang Bình.

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, dân số trên địa bàn huyện Quang Bình có trên 65.300 người; trong đó có 12 dân tộc cùng sinh sống, riêng đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Pà Thẻn, Sán Dìu…) chiếm 90% dân số.

Theo báo cáo của UBND huyện Quang Bình: Trong 6 năm, từ 2014 – 2019, Chương trình 135 của Chính phủ trên địa bàn huyện đã giải ngân được trên 50 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của Chương trình, huyện Quang Bình đã nâng cấp sửa chữa được trên 200 công trình các loại như giao thông, cầu đường, trường học, thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn bản. Riêng đối với các hộ nghèo tại những vùng khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Chương trình hỗ trợ 18 tỷ đồng để giúp đồng bào mua các loại giống lúa, ngô, cây ăn quả, phân bón, giống gia súc…để phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện Quang Bình đã triển khai thực hiện tốt các chính sách về công tác dân tộc. Ngoài nguồn vốn của Chương trình 135, huyện Quang Bình đã triển khai đầy đủ và kịp thời Quyết định số 2085, Quyết định 102, Quyết định 59… nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số ở những thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng II, xã vùng III các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong những năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình 135 và các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quang Bình thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và chăn nuôi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó đã không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn của huyện.

Ngoài hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, huyện Quang Bình còn đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (điển hình là Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn…). Hiện 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quang Bình đã có Hội Nghệ nhân dân gian.

Ngoài ra, trong những năm qua, huyện Quang Bình đã chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm vận động, tuyên truyền cho đồng bào các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong đời sống và các hoạt động văn hóa tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được lồng ghép với các qui ước, hương ước tại các thôn, bản, tổ dân phố. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên; những hủ tục mê tín dị đoan dần được loại bỏ khỏi cộng đồng các dân tộc. Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện Quang Bình đã triển khai xây dựng và qui hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội lâu dài trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Huyện đã xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách về dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong những năm qua, các chính sách dân tộc đã được huyện triển khai với những nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tế. Ngoài ra, huyện đã lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của vùng đồng bào dân tộc để nhân rộng nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Phú

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/huyen-quang-binh-ha-giang-day-manh-thuc-hien-cac-chinh-sach-dan-toc-525764.html