Huyện Quan Sơn thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Cùng với những lợi thế từ rừng sản xuất, những năm gần đây, huyện Quan Sơn đã quan tâm thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho vùng nguyên liệu và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Cơ sở chế biến đồ gỗ nội thất từ tre luồng của Công ty CP Bamboo Life (Quan Sơn).

Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Quan Sơn, hiện nay, trên địa bàn có 65 doanh nghiệp và 109 cơ sở chế biến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào một số ngành nghề có lợi thế về nguyên liệu và lao động, khả năng cạnh tranh, như: Sản xuất các sản phẩm từ tre, luồng, vầu, nứa, vật liệu xây dựng. Hiện các cơ sở này đang tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Tại một số cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ tre, nứa, vầu, vào thời điểm này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, các đơn vị đều đang đẩy mạnh kế hoạch thu mua nguyên liệu, tăng thành phẩm để kịp thời cung ứng cho khách hàng. Ông Nguyễn Công Doan, Giám đốc Công ty CP Bamboo Life, chia sẻ: Đơn vị có trụ sở chính tại huyện Mai Châu (Hòa Bình). Tuy nhiên, khảo sát vùng nguyên liệu tại huyện Quan Sơn khá dồi dào, chất lượng tốt, lại được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục thuê đất nên đơn vị đã mở thêm xưởng sản xuất tại xã Tam Lư. Với giá trị đầu tư 50 tỷ đồng, cơ sở có đủ hệ thống máy móc sản xuất thành phẩm là tấm lót đường, ván sàn, tăm xiên, đồ nội thất từ tre, nứa, luồng, vầu. Mỗi tháng, xưởng chế biến khoảng 750 - 1.000 tấn nguyên liệu, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Hiện nay, cơ sở đang giải quyết việc làm cho 35 lao động với thu nhập từ 4,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng tùy vị trí công việc.

Cùng với việc thu hút, khuyến khích các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; tại cụm công nghiệp (CCN) Trung Hạ cũng đã được quy hoạch tại xã Trung Hạ với quy mô 20 ha. Cuối năm 2018 vừa qua, CCN này đã thu hút được Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa thuê đất đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu với quy mô 3 ha. Hiện nay, đơn vị này đang thực hiện các thủ tục liên quan để triển khai dự án. Cùng với việc xây dựng nhà máy, Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa cũng đã đứng ra hỗ trợ bà con nhân dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh hoàn thành các tiêu chí kỹ thuật để cấp chứng chỉ FSC đủ điều kiện xuất khẩu cho hơn 3.000 ha rừng vầu, luồng, nứa, mở ra cơ hội tiêu thụ với sản lượng lớn và giá trị kinh tế cao cho vùng nguyên liệu nơi đây. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch và bao tiêu toàn bộ vùng nguyên liệu với mức giá ổn định, Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa còn xúc tiến xây dựng 2-3 cơ sở sơ chế lâm sản tại chỗ ở mỗi xã, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu cho bà con nông dân. Với lợi thế cửa khẩu quốc tế Na Mèo rộng 50 ha cùng với hệ thống bến bãi đang được tiếp tục đầu tư xây dựng, huyện Quan Sơn cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, tạo thông thoáng về thủ tục hành chính, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, đẩy mạnh hoạt động giao thương biên giới, mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm lâm sản chế biến tại thị trường Lào.

Trong thời gian tới, huyện Quan Sơn sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, với định hướng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển và nâng cao giá trị lâm sản sau khai thác, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư; đồng thời ưu tiên, bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chú trọng, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu lâm sản ngoài gỗ nhằm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu nứa, luồng, vầu, nhất là những doanh nghiệp có khả năng chế biến với công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, có năng lực tài chính, có bề dày kinh nghiệm, tạo động lực lan tỏa tích cực tới phát triển của huyện và khu vực miền núi. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân; hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, được hỗ trợ áp dụng kỹ thuật sản xuất đồng bộ, quản lý theo yêu cầu; nâng cao năng lực sơ chế, chế biến, phát triển thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định của các cơ sở sản xuất.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-quan-son-thu-hut-dau-tu-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep/100466.htm