Huyện Quan Sơn phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Song song với phát triển du lịch, để thu hút khách đến tham quan các danh lam, thắng cảnh, các di tích văn hóa - lịch sử, huyện đã chú trọng khôi phục, duy trì, nâng cao chất lượng các lễ hội, làng nghề truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào nơi đây như: Lễ hội 'Mường Xia'; Lễ mừng 'Cơm mới'; Lễ hội 'Păn Bán Mường'; Lễ hội 'Kin Chiêng Boọc mạy'; Lễ hội 'Gầu Tào'.

Lễ hội Mường Xia.

Huyện Quan Sơn không những có núi non hùng vĩ, trùng điệp, mà mảnh đất “sơn thủy hữu tình” này còn có nhiều danh thắng hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách như: Động Bo Cúng (xã Sơn Thủy); động Nang Non (xã Sơn Lư); thác Pa (xã Tam Thanh); thác Ma Hao (xã Trung Hạ)... Với những gì mà thiên nhiên đã ban tặng, đây có thể được xem là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

Với các tiềm năng, lợi thế đó, trong những năm qua huyện Quan Sơn đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó từ tháng 1-2013, ban thường vụ huyện ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển văn hóa và du lịch giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở nghị quyết của ban thường vụ huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong đó đề ra các giải pháp về phát triển du lịch; tập trung tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam, thắng cảnh; khôi phục các lễ hội truyền thống, các làng, bản văn hóa mang dấu ấn đặc trưng của địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch và đến nay trên địa bàn huyện có 20 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú, 147 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm và đồ thủ công truyền thống. Ngoài ra, huyện còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch, nhất là du lịch văn hóa nhà sàn, du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch văn hóa ẩm thực và các làng nghề truyền thống; tăng cường công tác quản lý các di tích, danh lam, thắng cảnh và hoạt động của các lễ hội; chủ động công tác quy hoạch phát triển du lịch và đến nay đã quy hoạch được một số điểm, khu du lịch như: Khu Du lịch sinh thái bản Khạn, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo... Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, đến nay trên địa bàn huyện đã có một số điểm du lịch sinh thái, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh như: Khu Du lịch sinh thái động Bo Cúng; Khu Du lịch sinh thái - văn hóa bản Khạn; thác bản Nhài...

Song song với phát triển du lịch, để thu hút khách đến tham quan các danh lam, thắng cảnh, các di tích văn hóa - lịch sử, huyện đã chú trọng khôi phục, duy trì, nâng cao chất lượng các lễ hội, làng nghề truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào nơi đây như: Lễ hội “Mường Xia”; Lễ mừng “Cơm mới”; Lễ hội “Păn Bán Mường”; Lễ hội “Kin Chiêng Boọc mạy”; Lễ hội “Gầu Tào” và các trò chơi dân gian mang tính cộng đồng như: Ném còn, kéo co, đẩy gậy, chọi cù, đi cà kheo, ném pao..., qua đó nhằm tạo cho du khách có thêm trải nghiệm, hiểu biết về phong tục, tập quán và giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong đó, tiêu biểu như: Lễ hội Mường Xia được tổ chức vào các ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch thường niên, hàng vạn đồng bào vùng cao biên giới Việt - Lào cùng du khách muôn phương nô nức kéo nhau về Mường Xia trẩy hội cầu may, cầu phúc và cầu duyên... Trong không gian lễ hội, du khách được tận mắt chứng kiến một nghi lễ văn hóa tâm linh đặc biệt đó là tục cúng tế “Hòn đá vía” nhằm bày tỏ lòng tri ân thành kính đối với người anh hùng Tư Mã Hai Đào đã có công bảo vệ bờ cõi biên cương, dựng nên vùng đất Mường Xia đông vui, trù phú. Đây cũng chính là nét nhân văn trong tục “gửi vía” rất riêng đã trở thành tập quán của người Thái vùng biên giới xứ Thanh...

Cùng với tham quan các danh lam, thắng cảnh, thưởng thức các lễ hội truyền thống, du khách đến đây có thể trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán, hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng, như cơm lam, thịt bò khô ướp hạt mắc khẻn, canh uôi nấu cá sông nướng... tham quan các làng nghề nấu rượu, dệt thổ cẩm, hoặc tận hưởng nhiều trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc như bắn nỏ, tung còn, cà kheo, kéo co...

Để thúc đẩy phát triển du lịch, gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc, thời gian tới huyện Quan Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện về định hướng phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch thu hút khách tham quan... Đặc biệt, huyện đang xây dựng Phương án Phát triển Du lịch cộng đồng gắn với Du lịch sinh thái Quan Sơn – Viêng Xay, trong đó tập trung phát triển và hình thành một số tour du lịch mới; phân vùng sản phẩm du lịch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch... phấn đấu đến năm 2025 giá trị từ ngành du lịch chiếm khoảng 20% trong tổng thu nhập của huyện.

. Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/van-hoa/n178546/huyen-quan-son-phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong