Huyện Quan Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, những giá trị văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, du lịch cộng đồng đang là giải pháp hiệu quả để huyện Quan Hóa phát huy tiềm năng, đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bản Hang (xã Phú Lệ) đã trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn bậc nhất của huyện Quan Hóa.

Quan Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối du lịch như: Tài nguyên rừng phong phú, đa dạng sinh học, còn hoang sơ với 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Hu, Pù Luông, Khu Bảo tồn Hạt trần quý hiếm Nam Động); có sự đa dạng cảnh quan thiên nhiên với hệ thống sông núi trùng điệp, nhiều hang động đẹp (hang Phi, hang Co Phường, hang Co Luồng, hang Na,...); hồ tự nhiên (hồ Pha Đay, hồ Vinh Quang)... Ngoài ra, huyện còn có sự đa dạng về bản sắc văn hóa; là nơi giao thoa của các nền văn hóa đồng bào Thái, Mường, Kinh, Mông, Hoa; làng nghề truyền thống; văn hóa dân gian; văn hóa ẩm thực đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện... Những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để Quan Hóa phát triển du lịch.

Tuy vậy, nhiều năm trước kia, du lịch ở Quan Hóa chủ yếu được biết đến với loại hình du lịch khám phá thiên nhiên với một số di tích, danh thắng, cách thức tổ chức vẫn còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, định hướng cụ thể. Hạ tầng cho hoạt động du lịch vẫn còn thiếu thốn, đường giao thông chưa thực sự thuận lợi. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng khách trên dưới 1.200 người/năm đi du lịch khám phá nhưng chủ yếu là khách du lịch trẻ, tổ chức từng tốp, đoàn đi phượt, ít khi lưu trú lại địa bàn...

Trước tình hình đó, huyện Quan Hóa đã xây dựng đề án phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó nêu rõ, loại hình du lịch khám phá, cộng đồng sẽ là chủ đạo. Bản Hang, xã Phú Lệ là một trong những địa bàn đầu tiên làm du lịch cộng đồng. Từ những hộ làm du lịch cộng đồng (homestay) đầu tiên cách đây gần chục năm, đến nay trên địa bàn bản Hang có trên 28 hộ bảo đảm đầy đủ các điều kiện làm du lịch cộng đồng, phục vụ du khách. Đây cũng là điểm đến đầu tiên (tiền trạm) khi khách du lịch đến du lịch Pù Luông. Lượng khách đến với bản ngày một đông, trung bình mỗi năm bản đón được trên 4.000 lượt khách, doanh thu trên 600 triệu đồng. Đến nay, bản Hang là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn và hút khách nhất của huyện Quan Hóa.

Cùng với đó lễ công bố tour du lịch Pù Luông vào tháng 10-2018 được xem là cột mốc mới đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ hơn của du lịch cộng đồng của huyện Quan Hóa. Với các tour du lịch cộng đồng kết nối bản Hang (xã Phú Lệ) với nhiều điểm du lịch khác của huyện Bá Thước trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tới thác Ma Hao (Lang Chánh)... Bên cạnh đó, các tour du lịch liên tỉnh từ bản Hang đi Hòa Bình vẫn được các công ty lữ hành duy trì thường xuyên. Để làm đặc sắc thêm hoạt động du lịch cộng đồng, huyện Quan Hóa đã tổ chức các tour du lịch; các lễ hội truyền thống của địa phương; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống; lưu trú tại các nhà sàn cùng dân bản, tìm hiểu cuộc sống thôn bản, trải nghiệm đời sống, lao động của đồng bào dân tộc; tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, đốt lửa trại, thưởng thức các món ăn, đặc sản của địa phương...

Song song với các tour du lịch, sản phẩm du lịch, huyện đã tổ chức và đăng cai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các sự kiện lớn của tỉnh: Giải Marathon băng rừng Việt Nam – Pù Luông liên tục từ năm 2017 đến nay; tổ chức lễ hội Mường Ca Da lần thứ 3,... đã thu hút được một số lượng lớn du khách, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong huyện. Qua đánh giá của Phòng Quản lý du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du lịch cộng đồng tại Quan Hóa trong khoảng 2 năm trở lại đây đã có sự phát triển nhanh chóng, tích cực hơn.

Bà Vi Thị Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quan Hóa cho biết: Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Quan Hóa tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế; thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng tại chỗ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch Quan Hóa, từ đó tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường liên kết với các huyện trong tỉnh, các vùng lân cận trong đầu tư, khai thác, phát triển du lịch sinh thái – cộng đồng; xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của thôn bản: Du lịch tìm hiểu không gian văn hóa đồng bào Thái, du lịch dã ngoại sinh thái, du lịch văn hóa ẩm thực, học tập cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống người dân... Đồng thời liên kết sản phẩm với các điểm du lịch phụ cận và trong vùng tạo thành các tuyến du lịch hấp dẫn; khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển nông nghiệp truyền thống tạo nên nhiều mặt hàng nông sản phục vụ cho hoạt động du lịch; xây dựng nhân rộng mô hình làng văn hóa - du lịch đặc trưng; khôi phục và phát huy khua luống, trống chiêng, khèn bè... của người Thái; triển khai dự án khôi phục các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào (Thái, Mường, Mông) như bảo tồn làng Thái cổ; ẩm thực, cồng chiêng, nhảy sạp, hát khặp, khèn bè tại các khu, điểm du lịch; tăng cường văn hóa ẩm thực với nhiều đặc sản, sản vật của địa phương nhằm thu hút lượng khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch trong nước...

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/huyen-quan-hoa-day-manh-phat-trien-du-lich-cong-dong/104604.htm