Huyện Như Xuân ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về 'Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước', những năm qua, hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Như Xuân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hầu hết các trang trại cam trên địa bàn huyện Như Xuân đều được áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.

Xác định ứng dụng CNSH là công nghệ còn mới mẻ đối với lĩnh vực nông nghiệp, huyện Như Xuân đã phối hợp với các ngành cấp tỉnh đưa vào khảo nghiệm nhiều bộ giống lúa có năng suất, chất lượng vào sản xuất; khuyến khích người dân sử dụng các loại giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, kháng hoặc ít sâu bệnh, sử dụng giống xác nhận, giống lai, lúa chất lượng cao, như: TH 3-3, TH3-4, TEJ; TBR279, Bắc Thịnh, TBR225, TBR45, Nhị Ưu 986, GS9, GS55... vào sản xuất. Hầu hết các giống lúa lai đưa vào sản xuất là giống được nghiên cứu khảo nghiệm từ 3 vụ trở lên, nhờ đó năng suất lúa bình quân hằng năm tăng, góp phần tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực của huyện trong nhiều năm qua. Mô hình sản xuất lúa bằng biện pháp “3 tăng, 3 giảm” đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa lai, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Bên cạnh đó, đến nay hầu hết các loại cây ăn quả, như: Cam xã Đoài, cam Đường Canh, cam V2, bưởi Diễn, bưởi da xanh, ổi Đài Loan, vải, nhãn đều được chiết, ghép, nuôi cấy mô đã góp phần trong cải tạo vườn tạp, xây dựng vùng cây ăn quả chất lượng cao bước đầu được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong lâm nghiệp, các giống keo lai, keo nuôi cấy mô chiếm trên 70% diện tích rừng trồng.

Việc ứng dụng CNSH trong chăn nuôi được huyện Như Xuân quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi có áp dụng CNSH ngày càng chiếm tỷ trọng cao, giống lai tạo đã chiếm tới 80% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Triển khai chương trình cải tạo, nâng tầm vóc đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; đưa giống lợn mới thuần ngoại như Landrace, Yorkshire vào nuôi thích nghi để làm tươi máu các dòng lợn cũ. Nhiều hộ gia đình, trang trại đã áp dụng các biện pháp tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phân, nền chuồng... Bên cạnh đó, các hộ gia đình đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp xây dựng mô hình chăn nuôi ứng dụng CNSH, như: Làm hầm bioga, chăn nuôi gà, vịt trên nền đệm lót sinh học, áp dụng các biện pháp tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh... Việc áp dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, tốc độ giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Như Xuân đạt 17,3%, tăng 2,2 lần so với năm 2015; năng suất một số cây trồng chính, như lúa tăng từ 41 tạ/ha năm 2005 lên 52,6 tạ/ha năm 2019; sắn tăng từ 15 tấn/ha năm 2005 lên 20 tấn/ha năm 2019...

Thời gian tới, huyện Như Xuân tiếp tục thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ áp dụng CNSH để phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, như: Cải tạo tầm vóc đàn trâu, bò; chính sách hỗ trợ xây dựng hầm biogas; cơ chế hỗ trợ HTX sản xuất giống keo lai, keo nuôi cấy mô để trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; sử dụng CNSH trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản...

Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/huyen-nhu-xuan-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-vao-san-xuat-nong-nghiep/121462.htm