Huyện Như Xuân: Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng Bài 1: Tháo gỡ 'nút thắt' từ tư duy trồng rừng quy mô nhỏ

Để tháo gỡ 'nút thắt' trong tư duy trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đã tập trung tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh trồng rừng gỗ lớn; 2 triệu đồng/ha đối với hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn; phấn đấu đến hết năm 2025 huyện Như Xuân có 1.600 ha rừng gỗ lớn.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn của gia đình ông Lê Thanh Bình thôn Ngòi, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân.

Huyện Như Xuân có 52.614 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 73,1% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó rừng phòng hộ 12.291,27 ha, rừng đặc dụng 8.132,10 ha, rừng quy hoạch sản xuất 32.190,63 ha. Bên cạnh đó, huyện có nguồn lao động dồi dào, điều kiện lập địa phù hợp với nhiều loại cây trồng, đây là tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát huy, khai thác có hiệu quả.

Trong những năm qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, nhưng kinh tế rừng của Như Xuân vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Diện tích rừng trồng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần ổn định kinh tế, tăng giá trị sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân và duy trì ổn định độ che phủ rừng. Rừng đã và đang giữ vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Tuy nhiên chất lượng rừng trồng chưa cao, hiệu quả kinh tế từ việc khai thác rừng trồng còn thấp, nhân dân chủ yếu trồng keo chu kỳ kinh doanh ngắn phục vụ nguyên liệu giấy và băm dăm, sản phẩm thu hoạch chưa có tính cạnh tranh, giá trị kinh tế thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của huyện. Trên tổng số 6.512,08 ha rừng gỗ trồng sản xuất, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ chiếm tới 86,7% (5.644 ha), trong khi giá bán gỗ nhỏ làm nguyên liệu băm dăm thấp, doanh thu bình quân chỉ đạt từ 40-80 triệu đồng/ha/chu kỳ, do vậy hiệu quả kinh tế của rừng trồng sản xuất chưa cao, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đạt rất thấp, chỉ từ 1,4 – 4 triệu đồng/ha/năm (đối với rừng trồng quảng canh) và từ 3,3 – 6,8 triệu đồng/ha/năm (đối với rừng thâm canh). Riêng đối với rừng trồng keo tai tượng Úc lợi nhuận “nhỉnh” hơn một chút, đạt trên 6,8 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, với lợi nhuận thu được của rừng kinh doanh gỗ nhỏ mới chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống trước mắt mà chưa có khả năng tích lũy, làm giàu từ rừng. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng nguồn cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên trong huyện ngày càng bị thu hẹp, xu hướng tiến tới đóng cửa khai thác rừng tự nhiên càng làm cho nguyên liệu gỗ nội địa cung cấp cho chế biến càng khan hiếm. Việc cung cấp gỗ hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Lý giải cho vấn đề trên, đồng chí Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Những năm 2004 trở về trước, việc đầu tư cho phát triển rừng, đặc biệt là đầu tư trồng rừng gỗ lớn chưa được các cấp chính quyền huyện Như Xuân quan tâm nhiều, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương từ Dự án 147, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và huy động nguồn lực trong dân để đầu tư trồng rừng sản xuất. Việc huy động các doanh nghiệp đầu tư liên doanh liên kết trong trồng rừng chưa được quan tâm nên chất lượng rừng chưa cao. Hệ thống đường lâm nghiệp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nên khó trong việc tiêu thụ, giá thấp, có nơi giá bán lâm sản tại rừng chỉ bằng 1/2 giá trị tại các trung tâm huyện. Bên cạnh đó, do đời sống người dân huyện Như Xuân còn khó khăn, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên chưa có điều kiện đầu tư trồng rừng thâm canh. Vẫn còn tình trạng đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, nhưng khi có nhu cầu phát triển ở các lĩnh vực khác, như phát triển sắn, mía, cao su, trồng cỏ chế biến thức ăn... thì phải điều chỉnh, làm cho quy hoạch lâm nghiệp bị xáo trộn. Việc giao đất, giao rừng trước đây còn có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hộ gia đình, hồ sơ giao đất cho hộ thiếu rõ ràng, khó nhận biết trên thực địa. Rừng được giao nhưng chưa đánh giá chất lượng, trữ lượng và giá trị, gây khó khăn cho công tác quản lý, đầu tư phát triển rừng. Nhiều hộ gia đình được giao đất rừng sản xuất nhiều nhưng không có khả năng tự đầu tư, liên kết trong sản xuất...

Để tháo gỡ “nút thắt” trong tư duy trồng rừng gỗ nhỏ, ngày 16-6-2015, UBND huyện Như Xuân đã có Quyết định số 1125/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: Trồng rừng gỗ lớn huyện Như Xuân giai đoạn 2015-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Đề án xây dựng kế hoạch hàng năm trồng mới 800 - 1.000 ha rừng, trong đó có trên 50 ha rừng gỗ lớn/năm; chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn bình quân hàng năm 100 ha/năm, phấn đấu đến hết năm 2025 huyện Như Xuân có 1.600 ha rừng gỗ lớn. Theo đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, để triển khai đề án có hiệu quả, thời gian qua, Như Xuân đã tập trung tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rừng gỗ lớn, mô hình chuyển hóa rừng trồng nhằm phát triển kinh tế rừng, bảo vệ và phát triển bền vững rừng; nâng cao giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu và góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người trồng rừng. Khuyến khích các hình thức liên kết, hợp tác trong việc ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp; có kế hoạch chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình thực hiện trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm nhằm chuyển giao, hỗ trợ đưa khoa học, công nghệ mới vào phục vụ sản xuất. Tiếp tục đầu tư hỗ trợ xây dựng một số mô hình rừng gỗ lớn, để phổ biến, nhân rộng. Mở các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác rừng hợp lý; các lớp bồi dưỡng về quản lý rừng, hạch toán kinh tế trong kinh doanh rừng. Để trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng giai đoạn 2015 - 2025 đạt trên 500 ha trồng mới và 1.100 ha chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, huyện có chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh trồng rừng gỗ lớn; 2 triệu đồng/ha đối với hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Đẩy mạnh việc liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Mở rộng quan hệ, tích cực hợp tác, tìm kiếm đối tác trong việc bao tiêu các sản phẩm gỗ cho nhân dân. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp, là đầu mối chính trong việc liên hệ tìm kiếm đối tác đầu tư và thực hiện chức năng đầu tư, cầu nối liên kết trong việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, đảm bảo chất lượng sản phẩm, ổn định, lâu dài, bảo đảm lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp... Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện đề án, nhằm định hướng phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững và đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội trong trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng nói riêng và trong phát triển lâm nghiệp của huyện nhà nói chung, khuyến khích mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực, khắc phục tình trạng phát triển mang tính tự phát.

Bài 2: Triển vọng từ những cánh rừng gỗ lớn.

. Minh Hiếu - Phan Nga

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n178295/bai-1:-thao-go-%E2%80%9Cnut-that%E2%80%9D-tu-tu-duy-trong-rung-quy-mo-nho